Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Độc đáo lễ hội cúng dừa ở miền Tây

Lễ Thắc Côn - lễ cúng dừa - là lễ hội mang nét độc đáo riêng trong văn hóa Khmer tỉnh Sóc Trăng, chỉ được tổ chức duy nhất tại ngôi chùa Mahasal Thatmon ở ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ02/05/2025

Lễ hội được tổ chức trong suốt 3 ngày với nhiều nghi thức.

Lễ hội “Thắk Côn” hay còn gọi là Thắc Côn, được tổ chức định kỳ hằng năm tại chùa Mahasal Thatmon. Đây cũng được xem là nơi duy nhất tổ chức lễ hội này tại Sóc Trăng. Lễ hội giống như lễ cầu an, cầu cho mưa thuận, gió hòa, làm ăn thuận lợi, thường tổ chức vào đầu mùa mưa của người dân địa phương sau khi đã thu hoạch xong vụ mùa năm trước. Ông Danh Pung, Trưởng Ban Quản trị chùa Mahasal Thatmon, cho biết lễ hội Thắc Côn đã tồn tại hơn trăm năm qua, gắn với truyền thuyết về chiếc cồng vàng của làng An Trạch xưa.

Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa ở vùng đất này tự nhiên nổi lên một gò đất hình dạng như chiếc cồng, ai bước chân lên, âm thanh như tiếng kim loại vang. Hiện tượng này ngày càng nhỏ dần rồi biến mất. Bà con người Khmer cho rằng đó là điều linh thiêng nên lập miếu thờ. Trong tiếng Khmer, “Thắk Côn” có nghĩa là “đạp cồng”, gợi lại sự tích tiếng cồng vang lên từ lòng đất theo bước chân người.

Theo các cụ cao niên ở địa phương, xa xưa có những năm khô hạn, chỉ trong trái dừa là có nước. Dừa cứu giúp người qua cơn khát nên người dân tôn sùng trái dừa và đến rằm tháng 3 âm lịch hằng năm bà con trang trí trái dừa thêm đẹp để dâng cúng. Lễ vật cúng trong lễ hội là bình bông làm bằng trái dừa tươi vạt hai mặt, rồi cắm vào đó là cây bông được làm từ những lá trầu xanh và những bông hoa để trang trí, tạo thành lễ vật tượng trưng sự tinh khiết, thanh sạch. Lễ vật dâng cúng ngoài trái dừa tươi còn có hoa quả, trầu cau, hoa sen tượng trưng sự thanh khiết và thiêng liêng. Người dự lễ còn bày lên khám thờ những hạt giống rau màu, chai dầu gió, cuộn chỉ đỏ với mong ước có được sức khỏe, sự yên lành trong cuộc sống.

Bà Thạch Hà (60 tuổi, ở huyện Châu Thành) cho biết: “Phần cây bông được tạo thành bởi những lá trầu xanh và những bông hoa; đế cắm hoa được làm bằng trái dừa, loại trái có nước tinh khiết, ngọt lành, hiện diện trong hầu hết các lễ lộc, mang ý nghĩa cầu phước, cầu an. Trên đế cắm độc đáo bày hoa lá, nhang đèn, sắp xếp gọn gàng. Những ngày này, con cháu ở phum sóc làm ăn xa cũng tranh thủ về để tham gia lễ hội, cầu những điều may mắn trong năm mới”.

Sau khi để lễ vật lên bàn thờ, người cúng bắt đầu thắp nhang khấn vái. Nội dung khấn vái thể hiện ước vọng về sự an lành, hạnh phúc, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, người người có được cuộc sống an lành, hạnh phúc, giúp người ta nhớ về cội nguồn, tổ tiên, ông bà để sống chan hòa và yêu thương nhau hơn.

Từ một lễ hội có tính địa phương, bây giờ lễ cúng dừa đã được nâng lên thành lễ hội cấp vùng khi ngày càng có nhiều khách thập phương từ các tỉnh, thành ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh đến tham dự. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, các nghi thức chính cũng giống như lễ cầu an, gồm dâng cơm cho sư, mời sư tụng kinh cầu siêu, làm phước để cầu an cho dân và sau cùng là thuyết pháp cho phật tử nghe về giáo lý nhà Phật.

Trong thời gian diễn ra, lễ hội gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí, hát dù kê… Nghi lễ cuối cùng là đem những vật phẩm từ miếu để dâng cúng đất đai, hồn lúa, những vị thần bảo hộ ruộng vườn. Kết thúc lễ hội là nghi thức tống tiễn, các lễ vật như muối, gạo... được đặt trên một chiếc thuyền bằng bẹ chuối rồi thả ra sông.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

Nguồn: https://baocantho.com.vn/doc-dao-le-hoi-cung-dua-o-mien-tay-a186040.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm