Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những điểm đến lịch sử thu hút du khách

Các điểm đến lịch sử đang thu hút đông đảo du khách. Theo đó, TP Hồ Chí Minh trở thành điểm đến nổi bật không chỉ với Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành cấp quốc gia mừng đất nước thống nhất mà còn có nhiều di tích lịch sử, công trình văn hóa ý nghĩa.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ02/05/2025

Du khách tham quan Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác. Ảnh: KIỀU MAI

Một trong những địa điểm về nguồn được nhiều du khách lựa chọn khi đến TP Hồ Chí Minh dịp này là Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (số 28, đường Võ Văn Tần, Quận 3), thuộc hệ thống Bảo tàng vì hòa bình thế giới và Hội đồng các bảo tàng thế giới (ICOM). 

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh được thành lập năm 1975, hiện lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh với 8 chuyên đề được trưng bày thường xuyên. Tầng trệt của bảo tàng trưng bày các hiện vật, tranh ảnh chuyên đề “Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ” phản ánh lịch sử giai đoạn 1954-1975. Chuyên đề này gồm có 100 bức ảnh và 145 tư liệu, hiện vật tái hiện những cuộc mít-tinh, biểu tình, các hội nghị và hội thảo của nhân dân trên toàn thế giới phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ và bày tỏ ủng hộ nhân dân Việt Nam bảo vệ chủ quyền dân tộc. Khu vực bên ngoài tầng trệt bảo tàng là nơi trưng bày chuyên đề “Hiện vật vũ khí trưng bày ngoài trời”. Bên cạnh đó còn có chuyên đề “Chế độ lao tù trong chiến tranh xâm lược Việt Nam” với mô hình mô phỏng nhà tù do Mỹ nguỵ xây dựng để giam cầm những chiến sĩ cách mạng. 

Lầu 1 trưng bày các chuyên đề “Tội ác chiến tranh xâm lược” và “Hậu quả chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam”. Trong đó, chuyên đề “Tội ác chiến tranh xâm lược” có 22 tài liệu, 243 hiện vật và 125 bức ảnh nêu bật những tội ác của quân xâm lược và những hậu quả đau thương mà nhân dân ta phải gánh chịu. Tại đây, khách tham quan có góc nhìn chi tiết về cuộc thảm sát Mỹ Lai ở Sơn Mỹ, Quảng Ngãi. Chuyên đề “Hậu quả chất độc da cam” tập trung khắc họa sự tàn phá của chất độc da cam, gây nên hậu quả dai dẳng trong cuộc sống của người dân Việt Nam cho dù chiến tranh đã qua đi. Tại đây có 100 ảnh, 20 hiện vật khắc họa nỗi đau do chất độc da cam để lại.

Khu vực lầu 2 trưng bày chuyên đề “Những sự thật lịch sử” với 66 bức ảnh, 20 tài liệu và 153 hiện vật. Chuyên đề này gợi nhắc về những tội ác xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bên cạnh đó là chuyên đề “Hồi niệm” gồm bộ sưu tập những bức ảnh được chụp lại bởi các phóng viên đã mất khi tác nghiệp tại chiến trường Đông Dương. Tại đây còn có chuyên đề “Việt Nam - chiến tranh và hòa bình” trưng bày bộ sưu tập phóng sự ảnh đầy bi hùng của Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh giành lấy hòa bình, được chụp bởi nhiếp ảnh gia Nhật Bản Ishikawa Bunyo và Goro Nakamura.

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh không chỉ là không gian lưu giữ lịch sử mà còn là nơi để những người con Việt Nam thấu hiểu về những mất mát hy sinh của cha ông ta để giành lấy hòa bình ngày hôm nay; khách quốc tế có góc nhìn toàn cảnh về những cuộc chiến khốc liệt giành độc lập tự do của Việt Nam.

*

*           *

Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác (huyện Cần Giờ) cũng là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn trong hành trình về nguồn, tìm hiểu lịch sử. Cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 50km, Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác có diện tích hơn 2.215ha, trong đó 514ha đã và đang được khai thác để phục vụ du lịch.

Nằm bên trong Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác là Khu căn cứ Cách mạng Rừng Sác. Đó từng là nơi đóng quân của Đội Đặc công Rừng Sác (mật danh T10). Không gian tại đây được xây dựng và tái hiện lại gần như toàn bộ quang cảnh sinh hoạt và chiến đấu của đội đặc công khi xưa, như: nhà cảnh vệ, nhà đón tiếp, hầm trú ẩn, hội trường, nhà hậu cần, nhà quân y, nhà quân giới, nhà cơ yếu; cảnh chỉ huy Trung đoàn 10 đang nghe báo cáo tình hình thực địa và hạ quyết tâm tổ chức tập kích phá hủy kho xăng Nhà Bè, cảnh chiến sĩ Trung đoàn 10 tiêu diệt cá sấu, cách chưng cất nước mặn thành nước ngọt, cảnh đưa tiễn chiến sĩ vào trận đánh, trận địa DKZ...

Tại đây, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng những hình ảnh, hiện vật, nghe những câu chuyện kể về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ năm xưa để hiểu rõ hơn về những năm tháng chiến đấu vô cùng gian khổ của bộ đội đặc công trong suốt 9 năm (1966-1975). Trong đó, nổi bật có trận đánh kho xăng Nhà Bè. Kho xăng rộng 14ha với 72 bồn xăng dầu, gần một nửa số bồn này có sức chứa hơn 10 triệu lít xăng. Kho xăng được bảo vệ với 12 lớp rào bao bọc, tường cao 3,5m. Giữa từng lớp rào có gài mìn và thường xuyên có các toán lính tuần trong đêm. Ngoài ra, quân địch còn bố trí hệ thống đèn pha, tháp canh, đường tuần tra... Bất chấp nguy hiểm, các chiến sĩ Đặc công Rừng Sác đã bí mật đột nhập vào khu vực kho, đặt mìn và phá hủy kho xăng Nhà Bè. Vụ cháy kéo dài hơn 12 ngày đêm, khiến địch thiệt hại khoảng 12 triệu USD. Đội Đặc công Rừng Sác đã làm nên nhiều trận đánh lịch sử khiến quân địch phải khiếp sợ và ra sức càn quét rừng Sác. Nhiều cuộc chiến ác liệt diễn ra và 915 chiến sĩ của Đặc công Rừng Sác hy sinh, đến nay vẫn còn 542 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt.

Du khách quốc tế tham quan tại khu vực trưng bày ngoài trời “Chế độ lao tù trong chiến tranh xâm lược Việt Nam” tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Ảnh: KIỀU MAI

Căn cứ cách mạng Rừng Sác đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2004. Đến tham quan Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác không chỉ là hành trình tìm về lịch sử mà còn là tri ân những anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc.

*

*         *

“Đất thép” Củ Chi cũng là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình về nguồn tìm hiểu lịch sử dân tộc. Trong đó, nổi bật là Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.

Đến tham quan địa đạo Củ Chi, du khách có cơ hội tìm hiểu về quá trình hình thành địa đạo, tận mắt nhìn thấy các khu chiến hào, đường hầm và không gian, cấu trúc địa đạo. Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi gồm: địa đạo Bến Dược (Căn cứ Quân khu Sài Gòn - Gia Định (Khu A), Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Khu B)) và địa đạo Bến Đình (Căn cứ Huyện ủy Củ Chi). Toàn bộ địa đạo Củ Chi có tổng chiều dài 250km, chia thành 3 tầng sâu khác nhau. Tầng cao nhất cách mặt đất 3m, tầng giữa cách 6m, tầng sâu nhất cách 12m. Hệ thống địa đạo sâu và dài trong lòng đất, từ đường “xương sống” (đường chính) tỏa ra vô số nhánh dài, ngắn, ăn thông với nhau. Dựa vào hệ thống đường ngầm, công sự, chiến hào, chiến sĩ và nhân dân đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập nên những chiến công thần kỳ.

Tại đây, du khách sẽ được nghe những câu chuyện chiến đấu anh dũng của bộ đội, những trận càn thảm sát của giặc, quá trình chiến đấu và sự hy sinh của quân và dân ta trong điều kiện hết sức khắc nghiệt trong lòng đất. Dù bao gian khó, lực lượng cách mạng vẫn dựa vào lòng đất Củ Chi, hợp lực với nhân dân đồng loạt xông lên tấn công vào hang ổ kẻ thù trong mùa Xuân năm 1968, đánh vào các mục tiêu trọng yếu của Mỹ ngụy như: Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất… Năm 2015, Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây cũng là điểm đến thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế.

*

*            *

Hành trình về nguồn tại các điểm đến lịch sử luôn mang ý nghĩa sâu sắc. Những chuyến đi này không chỉ là ôn lại lịch sử mà còn bày tỏ tấm lòng tri ân chiến sĩ đã ngã xuống vì hòa bình, tự do cho Việt Nam.

ÁI LAM

Nguồn: https://baocantho.com.vn/nhung-diem-den-lich-su-thu-hut-du-khach-a186027.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất
Trời đất giao hoà, vui cùng non sông
Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm