Rút ngắn thời gian tuyển sinh
Nhiều phụ huynh ở Hà Nội đã quen với hình thức đăng ký tuyển sinh trực tuyến với các lớp học đầu cấp như mầm non, lớp 5 tuổi, lớp 1 và lớp 6. Năm học 2025-2026, Hà Nội cũng đã chính thức công bố kế hoạch tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 theo hình thức trực tuyến từ ngày 1/7 đến 9/7/2025. Tuyển sinh trực tiếp từ ngày 12/7 đến 18/7/2025. Mỗi học sinh sẽ được cấp một mã tuyển sinh. Dựa trên hệ thống trường học đã được phân tuyến và công bố công khai, phụ huynh lựa chọn và đăng ký tuyển sinh cho con trên hệ thống.
Cùng với đó, Hà Nội cũng đảm bảo không để xảy ra tình trạng xếp hàng nộp hồ sơ với cả các trường tư thục, trường chất lượng cao… khi hiệu trưởng được yêu cầu cam kết triển khai tuyển sinh trực tuyến và phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng xếp hàng từ nửa đêm để mua hồ sơ tuyển sinh như vài năm trước, gây khó khăn, vất vả cho phụ huynh học sinh. Năm học 2025-2026, Hà Nội tuyển mới vào nhà trẻ khoảng 95.000 trẻ, mẫu giáo khoảng 52.000 trẻ. Cùng với đó, sẽ tuyển sinh vào lớp 1 khoảng 155.000 học sinh, tuyển sinh vào lớp 6 khoảng 161.000 học sinh.
Còn với TPHCM, công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2025-2026 trên toàn thành phố sẽ hoàn tất trong tháng 6, thay vì tháng 8 như mọi năm. Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2025-2026, công tác tuyển sinh đầu cấp ở TPHCM sẽ thực hiện trực tuyến tại địa chỉ https://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn, thông qua mã định danh của học sinh và nơi ở thực tế. Thông tin nơi ở thực tế của học sinh (bao gồm "mối quan hệ với chủ hộ" và những thông tin liên quan) được xác định qua ứng dụng định danh điện tử (VNeID) của cha, mẹ học sinh hoặc người giám hộ hợp pháp. "Từ kế hoạch chung của thành phố, các phòng GD-ĐT sẽ tham mưu với UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức xây dựng các khu vực tuyển sinh linh hoạt. Căn cứ xây dựng là 3 yếu tố: Phân bố trường lớp tại địa phương, số lượng trẻ em trong độ tuổi tuyển sinh và thông tin "nơi ở hiện tại" của học sinh từ cơ sở dữ liệu ngành. Đồng thời, kết hợp sử dụng hệ thống bản đồ số dùng chung của Thành phố để tính khoảng cách di chuyển của học sinh, không phân bổ học sinh theo ranh giới hành chính phường, nhằm tạo điều kiện cho học sinh được học gần nơi ở hiện tại và phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đối với các trường nằm ở ranh giới giữa các địa phương, ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp các địa phương cần xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được học gần nơi ở hiện tại", ông Quốc nói.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng có các đối tượng được ưu tiên xét tuyển, trong đó có thể xem xét ưu tiên xét tuyển theo thứ tự các trường hợp đặc thù của mỗi khu vực như: Học sinh đã hoàn thành chương trình mầm non hoặc tiểu học trên địa bàn; Học sinh có cha hoặc mẹ làm việc tại địa bàn (các khu công nghiệp, cơ quan, tổ chức đặt trên địa bàn); Học sinh có "nơi ở hiện tại" theo VNeID thuộc các khu vực ranh giới giữa các quận, huyện và thành phố Thủ Đức; Học sinh chuyển tỉnh; Học sinh thuộc các trường hợp đặc thù của địa phương… Mục tiêu ưu tiên này nhằm tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón con và bổ sung nguồn học sinh cho các địa phương có số lượng trẻ trong độ tuổi tuyển sinh thấp do đặc thù khu vực.
Phụ huynh nộp hồ sơ nhập học lớp 1 cho con tại Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn, Q.8, TPHCM. Ảnh minh họa: Nhật Thịnh/Thanh niên
Phụ huynh không phải nộp giấy tờ xác minh nơi cư trú
Năm học tới, tại 2 thành phố là Hà Nội và TPHCM, trong suốt quá trình đăng ký tuyển sinh, các thông tin trên tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 sẽ được coi là căn cứ để thay thế các giấy tờ truyền thống. Trường hợp thông tin nơi ở hiện tại và dữ liệu cá nhân trên ứng dụng VNeID đã được xác nhận là chính xác, các Phòng giáo dục và đào tạo, các đơn vị tổ chức tuyển sinh tuyệt đối không được yêu cầu người dân nộp thêm bất kỳ giấy tờ, minh chứng hoặc hồ sơ bổ sung nào về cư trú, nhằm đảm bảo đơn giản hóa thủ tục hành chính theo quy định.
Riêng các trường hợp thông tin nơi ở hiện tại và dữ liệu cá nhân trên ứng dụng VNeID được xác nhận là chưa chính xác, các đơn vị, các cơ sở giáo dục nơi học sinh học cuối cấp tổng hợp danh sách gửi về UBND phường/xã/thị trấn thuộc địa bàn.
Sở GD-ĐT TPHCM chốt số liệu trẻ chuẩn bị vào lớp 1, học sinh tiểu học chuẩn bị vào lớp 6 năm học 2025-2026 ngay sau khi phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1, lớp 6 thực hiện rà soát thông tin trên trang tuyển sinh đầu cấp https://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn (từ ngày 4 đến 13/4). Sau ngày 13/4, các yêu cầu thay đổi sẽ không được giải quyết, trừ trường hợp thật đặc biệt.
Còn với Hà Nội, Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thế Cương cho biết, Sở đang triển khai học tập mô hình của Singapore về việc tuyển sinh theo bản đồ GIS (định vị theo địa giới hành chính). "Thay vì phân luồng tuyển sinh theo khu vực như trước đây thì cứ tạm trú, thường trú ở đâu, gần trường nào thì có quyền đăng ký vào trường đó", Giám đốc Sở GD-ĐT nói. Tuy nhiên, hiện tại phương án này còn có hạn chế và dẫn chứng như ở phường hoàng Liệt (Hoàng Mai) có 9 vạn dân thì không thể áp dụng theo bản đồ định vị vì sẽ quá tải. Ông Trần Thế Cương cho biết: "Chúng tôi đã báo cáo Hội đồng tuyển sinh thành phố, năm học sau, các quận huyện có đầy đủ trường học, đủ chỗ cho học sinh, sẽ áp dụng việc tuyển sinh theo bản đồ định vị. Địa phương nào chưa đảm bảo thì vẫn phải áp dụng phân luồng, phân vùng, chia tuyến"…
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/dung-cong-nghe-so-tuyen-sinh-pho-thong-nguoi-dan-khong-phai-xep-hang-20250415154802816.htm
Bình luận (0)