Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Duy Xuyên, một chặng đường vượt khó

Tròn nửa thế kỷ sau ngày giải phóng, mảnh đất và con người huyện Duy Xuyên tiếp tục viết những trang sử mới trong công cuộc xây dựng quê hương. Giờ đây, nhiều vùng đất hoang tàn sau chiến tranh đã trở thành những làng quê văn minh, trù phú, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam14/04/2025

a1.jpg
Người dân xã Duy Châu (Duy Xuyên) phát triển mạnh mô hình chuyên canh các loại cây trồng cạn chủ lực theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung. Ảnh: NGUYỄN SỰ

Một thời gian khó

Những năm sau giải phóng, nhân dân Duy Xuyên nhanh chóng tiến hành công cuộc tái thiết và phát triển quê hương. Trong giai đoạn đầu, những phong trào, khẩu hiệu hành động về rà phá bom mìn, cải tạo và mở mang đồng ruộng, khai hoang phục hóa, làm thủy lợi, tăng gia sản xuất, phát triển mô hình kinh tế hợp tác… do Đảng bộ huyện Duy Xuyên khởi xướng và lãnh đạo đã nhanh chóng được nhân dân hưởng ứng, đồng lòng thi đua sôi nổi.

Ông Nguyễn Văn Mười – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Duy Hòa cho biết, sau ngày đất nước thống nhất, địa phương là một vùng nông thôn “4 không”: không đường, không điện, không trường, không trạm y tế và tỷ lệ hộ nghèo lên đến hơn 75%. Do đồng ruộng hoang hóa, loang lổ bom mìn, không nước tưới nên người dân luôn đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. Những năm đầu, khoảng 60% hộ dân phải thường xuyên nhận gạo cứu đói.

“Bước ra từ lửa đạn chiến tranh, được sống trong hòa bình, mọi người dân đều dồn sức cho việc dựng xây lại quê hương, làng xóm. Hết khai hoang, vỡ hóa đất canh tác, lại be bờ, đắp đập dẫn nước. Chẳng bao lâu, màu xanh phủ kín các làng quê, ruộng đồng” - ông Mười nói.

a2.jpg
Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Duy Xuyên đạt 4.598 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2023. Ảnh minh họa: NGUYỄN SỰ

Ông Nguyễn Quang Thủ - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Duy Sơn cho hay, sau giải phóng, kinh tế địa phương thực sự khó khăn. Đồng ruộng, nhà cửa tiêu điều, hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 70%.

Nhưng, hòa chung với công cuộc xây dựng, hàn gắn vết thương chiến tranh của cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Duy Sơn đã xây dựng lại quê hương với hành trang là lòng quyết tâm, sự kiên trì và tinh thần quyết thắng.

Theo ông Nguyễn Quang Mạnh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Duy Xuyên, những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, từ trong gian khó, địa phương nỗ lực vươn lên, khẳng định là ngọn cờ đầu trong phong trào xây dựng mô hình HTX nông nghiệp của cả nước với các đơn vị tiêu biểu như Duy Phước, Duy Sơn, Duy Trinh, Duy Hòa...

Đặc biệt, nhờ thành tích xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hợp tác, xã Duy Hòa lần thứ 3 được phong tặng danh hiệu anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Đây không chỉ là vinh dự của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Duy Hòa mà còn là niềm tự hào của con người và vùng đất Duy Xuyên, anh hùng trong thời chiến và anh hùng trong thời bình.

Không ngừng phát triển

Ông Đặng Hữu Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, 10 năm trước, địa phương chú trọng phát triển các cụm công nghiệp nhằm giải quyết bài toán lao động nông thôn.

a4.jpg
Diện mạo nông thôn xã Duy Trinh (Duy Xuyên) không ngừng khởi sắc. Ảnh: PHI THÀNH

Tuy nhiên, những năm gần đây, Duy Xuyên chuyển dịch dần sang lĩnh vực du lịch - dịch vụ, với mục tiêu phát triển xanh và bền vững, lấy điểm nhấn là Di sản văn hóa thế thế giới Mỹ Sơn.

Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng nên năm 2024 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Duy Xuyên đạt 9,8%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện trong năm 2024 đạt 1.944 tỷ đồng, tăng 39% so với dự toán HĐND tỉnh giao.

Theo ông Phúc, để thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, thời gian qua Duy Xuyên tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, trong đó đặc biệt chú trọng đến hệ thống giao thông kết nối liên huyện, liên vùng.

“Hành trình 15 năm xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị, nhân dân Duy Xuyên đã tự nguyện hiến hơn 335.000m2 đất, hơn 270.000 ngày công lao động. Qua đó, góp phần đưa Duy Xuyên về đích huyện nông thôn mới vào năm 2020 và cơ bản hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào tháng 4/2025” - ông Phúc nói.

a3.jpg
Duy Xuyên chọn Mỹ Sơn làm điểm nhấn phát triển du lịch - dịch vụ. Ảnh: PHI THÀNH

Đáng ghi nhận, những năm qua lĩnh vực giáo dục của Duy Xuyên tạo nhiều dấu ấn; trong đó nổi bật là cả 4 trường THPT trên địa bàn huyện gồm Sào Nam, Nguyễn Hiền, Hồ Nghinh, Lê Hồng Phong liên tục dẫn đầu trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, riêng Trường THPT Sào Nam 4 năm liên tục (2022 - 2025) đạt giải nhất toàn đoàn thi học sinh giỏi khối lớp 12 toàn tỉnh Quảng Nam.

Ngành y tế huyện Duy Xuyên không ngừng xây dựng, đổi mới theo hướng “đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu” với nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại được triển khai tại các cơ sở khám chữa bệnh, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Ông Nguyễn Quang Mạnh nói: “Bước vào chặng đường mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Duy Xuyên tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và kiên trì, quyết tâm trong tổ chức thực hiện; không ngại khó, không nản lòng cũng như không tự thỏa mãn với thành tích đạt được. Đồng thời hoạch định chiến lược phù hợp, hiệu quả để thích nghi và phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/duy-xuyen-mot-chang-duong-vuot-kho-3152703.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm