“Sáng tạo không chỉ đến từ những nhà chuyên môn, nhà khoa học mà còn đến từ chính những người lao động thực tế”, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ đánh giá về mô hình kinh doanh công nghệ MET tại triển lãm do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, trong Lễ phát động “Cả nước thi đua thực hiện đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số” diễn ra ngày 24/4.
Giải pháp được sáng tạo từ một công nhân chuyên làm về điện, nước với một nguyên lý mới. Theo các nguyên lý thông thường, lọc nước cần phải có màng lọc, hóa chất hỗ trợ, có điện năng và rất nhiều ứng dụng tích hợp thì công nghệ MET là hệ thống xử lý nước hoàn toàn bằng cơ học thủy lực, không dùng điện, không hóa chất, lõi lọc, không vật liệu hấp phụ. Đây là công nghệ đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng năng lượng cơ học tự sinh ra từ chính dòng nước để xử lý ô nhiễm.
Ông Nghiệm cho rằng, điều quan trọng là nguyên lý đó khi được đưa vào ứng dụng đã tạo ra sự đột phá về công nghệ, sức bền của sản phẩm có thể kéo dài vài chục năm. Với những thiết bị đơn giản cùng chi phí đầu vào thấp nhưng giải pháp lại tạo ra ứng dụng và hiệu năng hiệu suất cao. Công nghệ MET đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng sáng chế, đồng thời nhận được nhiều giải thưởng về sáng chế, thiết kế ở Canada, Nhật, Đài Loan và các nước khác. Hiện nay, giải pháp xử lý nước sinh hoạt này đang được ứng dụng hiệu quả tại nhiều địa phương, nhất là các vùng nông thôn, miền núi của Việt Nam.
Trên vùng đất Lai Vung của tỉnh Đồng Tháp, nơi người dân sống dựa vào nghề cá, chế biến thủy sản, việc xử lý nước thải giữa vùng sông nước đang là thách thức. Phần lớn các hộ dân loay hoay với cách truyền thống như dùng phèn chua hay lọc cát thô sơ để ứng phó với hiện tượng ô nhiễm nguồn nước. Gia đình anh Hồ Nguyễn Thanh Tùng là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn lắp công nghệ MET. Nước đã trong hơn, không còn mùi tanh, có thể rửa tay, rửa mặt mà không lo kích ứng, nấu ăn không còn váng bọt. Chỉ trong một tháng, công nghệ xử lý này đã hiện diện khắp các xóm và được người dân gọi với cái tên “giải pháp sạch” cho làng cá nước lợ.
Đô thị hóa, công nghiệp hóa và biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến cả chất lượng và số lượng nguồn nước.
Đô thị hóa, công nghiệp hóa và biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến cả chất lượng và số lượng nguồn nước. Không chỉ ở các thành phố lớn, nguồn nước nông thôn Việt Nam cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tại một số khu vực đã xảy ra hiện tượng ô nhiễm nước dưới đất với thông số kim loại nặng như chì, asen, mangan vượt quy chuẩn Việt Nam, trong đó asen là một hoạt chất có thể gây ung thư. Sau nhiều năm triển khai thực tế tại hàng trăm công trình trên khắp cả nước, các chuyên gia nhận định, công nghệ MET có khả năng xử lý đa dạng nguồn nước ô nhiễm, loại bỏ các thành phần tạp chất và khoáng chất nguy hại cho sức khỏe con người, như: nước giếng nhiễm sắt, mangan, amoni, asen; nước thải sinh hoạt, nước mang tính axit... mà không cần dùng đến hóa chất. Công nghệ cho phép giữ lại vi khoáng có lợi trong nước, giúp giảm đáng kể chi phí vận hành vì không tiêu tốn điện, không phải thay lõi, không phát sinh bùn hóa chất, phù hợp với trình độ vận hành cũng như năng lực tài chính của người dân vùng nông thôn.
Giải pháp công nghệ MET chính là kết quả sáng tạo được khơi nguồn từ cuộc thi về chứng minh ý tưởng trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu do Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức năm 2020. Đến nay, công nghệ này không những được nâng cấp, hoàn thiện và ứng dụng tại Việt Nam mà còn xuất khẩu ra các thị trường quốc tế như Ấn Độ và một số quốc gia có nhu cầu ứng dụng công nghệ giá rẻ, tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường.
Trước nhu cầu thực tế tại các địa phương, Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ khuyến cáo, công nghệ này ưu tiên để xử lý nước mặt, nước sinh hoạt và giếng khoan, tạo ra nước sạch sinh hoạt cho người dân. Sau đó là hỗ trợ cho vấn đề xử lý nước thải công nghiệp. “Công nghệ MET sẽ tiếp tục mở rộng ứng dụng, phát triển đối với xử lý nước thải y tế, nước rỉ rác, nước thải chăn nuôi quy mô lớn; mô hình xử lý tại nguồn cho trường học, bệnh viện, trạm y tế vùng sâu vùng xa và thiết kế bộ xử lý tích hợp cho các điểm cung cấp nước sạch cộng đồng tại khu vực thiên tai, lũ lụt…”, ông Vũ Tiến Anh, Giám đốc Công ty Công nghệ Xử lý nước TA cho biết.
Để giải quyết vấn đề chất lượng nước sạch nông thôn cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả.
Tuy nhiên, khó khăn khi triển khai là công nghệ này hoàn toàn mới, phi truyền thống, khác biệt với lối mòn xử lý nước bằng hóa chất, điện, lõi lọc cho nên trong thực tế sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương vẫn còn hạn chế, chưa có cơ chế rõ ràng để thúc đẩy ứng dụng. Nhiều nơi có nhu cầu cấp thiết về nước sạch nhưng lại thiếu nguồn lực, thiếu cơ chế phối hợp giữa chính quyền-doanh nghiệp-cộng đồng.
Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề chất lượng nước sạch nông thôn cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Bên cạnh thúc đẩy nghiên cứu đổi mới công nghệ, việc áp dụng nông nghiệp xanh giúp bảo vệ và giảm ô nhiễm nguồn nước với một số biện pháp có thể tiến hành, như: Thay thế phân bón hóa học, các loại hóa chất bằng những loại phân bón hữu cơ và thuốc nông nghiệp tự nhiên; tiến hành những kỹ thuật tưới cây tiết kiệm nước và tái sử dụng lại nước thải trong nông nghiệp; trồng rau thủy canh theo mô hình nông nghiệp xanh…
Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục các chương trình hỗ trợ kết nối thị trường, để không chỉ đưa sản phẩm trí tuệ của người Việt gắn với các giải pháp công nghệ xanh ra thị trường thế giới mà còn tạo ra tác động lan tỏa trong việc ứng dụng giải quyết các bài toán về nước sạch, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Nguồn: https://nhandan.vn/giai-phap-xu-ly-o-nhiem-nguon-nuoc-post876966.html
Bình luận (0)