Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Học bằng ngân sách nhà nước phải bồi hoàn chi phí ra sao?

Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ tăng thời gian bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo đối với người được hưởng học bổng và chi phí đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước mà không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên05/04/2025

Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14 năm 2013 của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo đối với những người đi học bằng ngân sách nhà nước để lấy ý kiến góp ý.

Tăng thời hạn hoàn trả chi phí

Theo Bộ GD-ĐT, sau khi tổng kết 10 năm thi hành Nghị định 143 và tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình thực tế triển khai thực hiện nghị định này, Bộ nhận thấy còn một số hạn chế, vướng mắc.

Cụ thể, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định chưa bao quát hết được các trường hợp được cử đi học bằng ngân sách nhà nước. Ví dụ các trường hợp học tại các trường thuộc công an, quân đội hoặc được quân đội cử đi học tại các trường ngoài quân đội; các trường hợp đi học chương trình đào tạo trong nước bằng ngân sách nhà nước mà không thuộc Đề án đặt hàng đào tạo do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Học bằng ngân sách nhà nước phải bồi hoàn chi phí ra sao? - Ảnh 1.

Sinh viên ngành sư phạm học bằng ngân sách nhà nước nên sẽ thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo

ẢNH: NHẬT THỊNH

Bên cạnh đó, thời gian để người học thực hiện bồi hoàn quá ngắn, gây khó khăn cho người học trong việc thực hiện trách nhiệm bồi hoàn, làm hạn chế tính khả thi của việc triển khai thực hiện Nghị định. Ngoài ra, việc quy định phải hoàn trả kinh phí trong một lần cũng gây khó khăn cho người học.

Nghị định cũng chưa có quy định về các trường hợp được miễn, giảm chi phí bồi hoàn. Vì vậy chưa bảo đảm tính nhất quán, thống nhất với các văn bản pháp luật về bồi hoàn khác, đồng thời, phần nào gây khó khăn cho những trường hợp người học gặp khó khăn về kinh tế, sức khỏe…

Chính vì vậy, dự thảo bổ sung thêm đối tượng áp dụng là "người học được tham gia chương trình đào tạo ở trong nước bằng nguồn ngân sách nhà nước".

Về thời hạn trả và thu hồi chi phí bồi hoàn, Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng thời hạn phải hoàn trả chi phí bồi hoàn từ 60 ngày lên 120 ngày. Cụ thể, chậm nhất trong thời hạn 120 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người học hoặc gia đình người học ở Việt Nam có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn.

Trong đó, chi phí bồi hoàn bao gồm học phí, học bổng và các khoản chi phí khác phục vụ cho khóa học đã được ngân sách nhà nước cấp.

Một số trường hợp được miễn giảm chi phí bồi hoàn

Để bảo đảm tính nhất quán, thống nhất với các văn bản pháp luật về bồi hoàn khác, trên nguyên tắc hỗ trợ các trường hợp người học gặp khó khăn về sức khỏe, kinh tế, đồng thời, vẫn bảo đảm người học phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với nhà nước và phòng ngừa các trường hợp lạm dụng chính sách, dự thảo Nghị định đề xuất quy định miễn, giảm chi phí bồi hoàn đối với một số trường hợp.

Thứ nhất là người học mắc bệnh hiểm nghèo không đủ khả năng lao động hoặc từ trần: Đề nghị miễn chi phí bồi hoàn do người học không có khả năng, điều kiện để thực hiện việc bồi hoàn.

Thứ hai là người học thuộc hộ nghèo. Thực tế trong trường hợp này người học có đủ điều kiện để thực hiện sự điều động làm việc của nhà nước nhưng lại không thực hiện nên về nguyên tắc người học phải thực hiện trách nhiệm bồi hoàn. Tuy nhiên, để thống nhất với chính sách chung của nhà nước về hỗ trợ đối với hộ nghèo, dự thảo Nghị định đề xuất giảm 20% chi phí bồi hoàn để hỗ trợ cho người học.

Ai phải thực hiện bồi hoài học bổng, chi phí đào tạo?

Người học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi học tập ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả chương trình giáo dục theo Hiệp định ký kết với nhà nước Việt Nam); người học được tham gia chương trình đào tạo ở trong nước bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc theo các Đề án đặt hàng đào tạo do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nếu không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày người học được công nhận tốt nghiệp sẽ phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.

Trường hợp sau khi tốt nghiệp, nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tiếp tục học tập, thì thời hạn 12 tháng tính từ ngày được công nhận tốt nghiệp khóa học tiếp theo.

Về thời gian điều động: Người học theo học trình độ ĐH, CĐ sau khi tốt nghiệp phải chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gấp 2 lần thời gian được hưởng chi phí đào tạo.

Người học theo học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ sau khi tốt nghiệp phải chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gấp 3 lần thời gian được hưởng chi phí đào tạo.

Nếu đã làm việc theo điều động của nhà nước nhưng không chấp hành thời gian trên, tự ý bỏ việc cũng phải bồi hoàn chi phí.

Nguồn: https://thanhnien.vn/hoc-bang-ngan-sach-nha-nuoc-phai-boi-hoan-chi-phi-ra-sao-185250405142342321.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đoàn kết quốc tế - Nguồn sức mạnh cho Việt Nam chiến thắng
Diện mạo TPHCM sau 50 năm thống nhất đất nước
Lịch trình 24 giờ ăn chơi ở Bắc Ninh
Nồng nhiệt đón chào những bóng hồng diễu binh, diễu hành đến Biên Hòa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm