BHG - Xác định phát triển kinh tế là vấn đề cốt lõi nâng cao chất lượng cuộc sống, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Mậu Duệ (Yên Minh) không chỉ là đại diện quyền, lợi ích, phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới mà còn thành lập các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, góp phần tích cực trong phong trào giảm nghèo của địa phương.
Hội LHPN Mậu Duệ hiện có 17 chi hội với tổng số 1.456 hội viên, chủ yếu là người dân tộc Tày, Mông. Những năm qua, được sự quan tâm sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các hội viên luôn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do tỉnh, huyện và địa phương phát động, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về bình đẳng giới… Bên cạnh đó, tổ chức hiệu quả các cuộc vận động và chiến dịch truyền thông như: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”, “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”, Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mậu Duệ thăm mô hình chăn nuôi của hội viên Nguyễn Thị Huế, thôn Nà Ngoa. |
Chia sẻ về các chương trình, phong trào thi đua, Chủ tịch Hội LHPN xã Mậu Duệ Nguyễn Thị Phương cho biết: Mậu Duệ là xã còn nhiều khó khăn nên chúng tôi luôn có những nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với thực tiễn của các chi hội. Các dự án, chương trình hầu hết được tổ chức tuyên truyền bằng hình thức trực tiếp là chủ yếu, có những nơi để nâng cao hiệu quả, chị em trong Hội chia nhau đến từng nhà vận động, sân khấu hóa bằng tiểu phẩm tại các thôn bản để người dân dễ dàng tiếp nhận thông tin, bên cạnh đó tuyên truyền qua các buổi họp chi hội thôn để cán bộ cũng như người dân nắm bắt được định hướng, cách thức thực hiện hiệu quả.
Nổi bật trong các cuộc vận động, tuyên truyền trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc số và miền núi là Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Năm 2024, Hội LHPN tổ chức chiến dịch truyền thông phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại tình dục ở trẻ em được 5 cuộc có 300 người nghe, tổ chức chiến dịch truyền thông chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em được 5 cuộc có 250 người nghe; chi gói đẻ được 3 trường hợp, đối thoại chính sách được 2 cuộc với 120 người tham gia; chiến dịch phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được 5 cuộc với 30 người tham gia.
Theo báo cáo, xã Mậu Duệ, hiện có 264 phụ nữ nghèo, trong đó có 54 hộ do phụ nữ làm chủ, để nâng cao quyền năng cho phụ nữ, hội viên phụ nữ vận động giúp nhau bằng ngày công, vốn, cây, con giống các loại; nhân rộng các mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản, chăn nuôi trâu, chuyển đổi cây ngô kém hiệu quả sang chăn nuôi, trồng cây ăn quả… Điển hình mô hình chăn nuôi của gia đình chị Nguyễn Thị Huế, thôn Nà Ngoa, chị Huế cho biết: Tôi tham gia hội phụ nữ đến nay được 35 năm, thông qua việc tham gia các phong trào thi đua và mô hình phát triển kinh tế hay đã tạo điều kiện rất nhiều trong việc phát triển kinh tế gia đình. Vợ chồng tôi kết hợp nấu rượu, nuôi 20 con lợn/lứa và nuôi cá, gà trung bình một năm thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Thực hiện chăn nuôi theo mô hình vườn, ao, chuồng không chỉ đảm bảo vệ sinh, xử lý chất thải thuận tiện mà còn cho gia đình có nguồn thu nhập ổn định. Gia đình tôi được công nhận là “Gia đình 5 không, 3 sạch” đến nay đã được 10 năm.
Có thể thấy rằng, những đóng góp của Hội LHPN xã Mậu Duệ không chỉ làm thay đổi tư tưởng, đời sống của người phụ nữ vùng cao mà còn thúc đẩy, phát triển làm kinh tế gia đình, nâng cao đời sống người dân địa phương.
Bài, ảnh: NHƯ QUỲNH
Nguồn: https://baohagiang.vn/khu-vuc/202504/hoi-lien-hiep-phu-nu-mau-due-dong-hanh-voi-hoi-vien-f983423/
Bình luận (0)