Cập nhật ngày: 18/04/2025 10:10:26
ĐTO - Sếu đầu đỏ - loài chim quý hiếm có giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học, từng gắn bó mật thiết với hệ sinh thái đất ngập nước Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim, biểu tượng sinh thái của tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, do tác động của biến đổi khí hậu và suy giảm sinh cảnh, loài chim này dần vắng bóng. Bằng quyết tâm khôi phục và bảo tồn loài Sếu đầu đỏ, tỉnh Đồng Tháp chủ động triển khai Đề án Bảo tồn và Phát triển Sếu đầu đỏ tại VQG Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032. Trong đó, việc đưa Sếu từ Thái Lan về Tràm Chim, đánh dấu một bước đi tiên phong, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong công tác bảo tồn thiên nhiên và định hướng phát triển bền vững.
Tiến sĩ Trần Triết - Giám đốc Bảo tồn sếu Đông Nam Á, Hội Sếu Quốc tế phát biểu tại Chương trình công bố Đề án Bảo tồn và Phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032
Với vai trò là người đồng hành với Đề án, Tiến sĩ Trần Triết - Giám đốc Bảo tồn sếu Đông Nam Á, Hội Sếu Quốc tế dành cho Báo Đồng Tháp cuộc trao đổi về ý nghĩa, kỳ vọng và định hướng của Đề án đặc biệt này.
Phóng viên: Với góc nhìn của một chuyên gia nghiên cứu về Sếu đầu đỏ trong nhiều năm, ông đánh giá như thế nào về vai trò sinh thái của VQG Tràm Chim trong mạng lưới sinh cảnh tự nhiên của loài chim quý hiếm này tại khu vực Đông Nam Á?
Tiến sĩ Trần Triết: VQG Tràm Chim từng là nơi có nhiều sếu nhất của toàn vùng hạ lưu sông Mekong. Do vậy, đây vẫn là nơi rất quan trọng cho đàn Sếu đầu đỏ của cả Campuchia và Việt Nam. Sinh cảnh tự nhiên như của VQG Tràm Chim hiện không còn nhiều trong khu vực. Trong 3 năm gần đây, công tác phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên trong vùng lõi VQG Tràm Chim được tiến hành, dẫn đến nhiều kết quả rất khả quan, thể hiện ở việc phục hồi đồng cỏ, gia tăng số lượng nhiều loài chim. Một số cá thể Sếu đầu đỏ cũng đã quay về dọ thám. Với đà phục hồi này, nếu Đồng Tháp tiếp tục làm tốt công tác quản lý hệ sinh thái, tôi tin rằng đàn sếu tự nhiên cũng sẽ quay trở lại Tràm Chim trong tương lai gần.
Sếu đầu đỏ ở Vườn Quốc gia Tràm Chim (Ảnh tư liệu: Thanh Phong)
Phóng viên: Việc Đồng Tháp đưa Sếu đầu đỏ từ Thái Lan về VQG Tràm Chim nhằm phục hồi quần thể và sinh cảnh sinh sản mang ý nghĩa ra sao trong công tác bảo tồn loài, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu, thưa ông?
Tiến sĩ Trần Triết: Phân loài Sếu đầu đỏ Phương đông của Campuchia và Việt Nam hiện có số lượng rất ít (chưa đến 200 cá thể), lại đang bị suy giảm với tốc độ rất nhanh, có nguy cơ bị tuyệt chủng. Đề án phục hồi đàn sếu ở VQG Tràm Chim có tác động trực tiếp đưa thêm các cá thể sếu vào tự nhiên, đồng thời hy vọng gầy nên một đàn sếu có thể sống định cư quanh năm ở Việt Nam. Như vậy sẽ góp phần làm giảm nguy cơ tuyệt chủng của phân loài này.
Hệ sinh thái, thảm cỏ xanh khu vực bên trong chuồng nuôi Sếu đầu đỏ được tái dựng tương tự với điều kiện tự nhiên bên ngoài
Các tác động khác của Đề án bao gồm việc phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên trong vùng lõi VQG Tràm Chim và xây dựng vùng sản xuất lúa sinh thái, giảm phát thải trong vùng đệm sẽ đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phóng viên: Từ góc độ phát triển bền vững, ông nhận định như thế nào về tiềm năng kết hợp giữa bảo tồn Sếu đầu đỏ và phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Tháp, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục môi trường, du lịch sinh thái và xây dựng thương hiệu địa phương?
Tiến sĩ Trần Triết: Đề án phục hồi đàn Sếu đầu đỏ thực tế đã và đang hỗ trợ rất lớn cho công tác giáo dục môi trường. Nhiều hoạt động quảng bá của tỉnh Đồng Tháp đã lan tỏa những thông điệp về bảo tồn sếu, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước. Ngoài tác dụng giáo dục, các chương trình quản bá này còn trực tiếp nâng cao hình ảnh, uy tín, kể cả việc phổ biến các thương hiệu của địa phương. Tất nhiên, du lịch sinh thái sẽ là một trong những ngành kinh tế được hưởng lợi.
Phóng viên: Trong quá trình thực hiện Đề án, theo ông, đâu là những thuận lợi và khó khăn mà Đồng Tháp cần được nhận diện để xây dựng các giải pháp phù hợp?
Tiến sĩ Trần Triết: Hiện nay, Đề án phục hồi đàn sếu đầu đỏ đang được dư luận quần chúng rất quan tâm và ủng hộ. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã và đang có nhiều đóng góp trực tiếp. Đề án cũng nhận được sự hợp tác rất tốt từ đối tác Thái Lan và các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp rất quan tâm và chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Đó là những thuận lợi rất lớn, đóng góp vào thành công lâu dài của Đề án.
Sếu đầu đỏ tại tỉnh Buriram, Thái Lan (chụp ngày 9/4/2025 - Tiến sĩ Trần Triết)
Một trong những khó khăn đó là khả năng hợp tác quốc tế của VQG Tràm Chim còn hạn chế, cần được nhanh chóng hỗ trợ để nâng cao. Việc phát triển vùng lúa sinh thái trong vùng đệm cần được quan tâm triển khai để có thể theo kịp tiến độ phát triển đàn sếu. Ngoài ra, chúng ta cần nhận thức rõ rằng, phục hồi đàn Sếu đầu đỏ là quá trình lâu dài và cần được thực hiện liên tục, không gián đoạn. Thái Lan đã thực hiện chương trình hơn 30 năm và vẫn còn đang triển khai rốt ráo hàng năm. Chúng ta hợp tác với Thái Lan đã tiết kiệm được 20 năm học hỏi và gầy dựng đàn sếu của bạn. Tuy nhiên, đây vẫn phải là quá trình tiến hành lâu dài.
Phóng viên: Với vai trò là người cố vấn và đồng hành chuyên môn, ông sẽ hỗ trợ Đồng Tháp như thế nào trong việc xây dựng một mô hình bảo tồn Sếu đầu đỏ hiệu quả, bền vững, có khả năng lan tỏa ở cấp khu vực và quốc tế?
Tiến sĩ Trần Triết: Hội Sếu Quốc tế và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh nơi tôi công tác luôn cam kết đồng hành cùng Đồng Tháp triển khai Đề án bảo tồn Sếu đầu đỏ. Ngoài chuyên môn về phục hồi và quản lý hệ sinh thái đất ngập nước và sinh cảnh sống của sếu, tôi cũng sẽ đảm trách làm “cầu nối” giữa VQG Tràm Chim với các cơ quan Thái Lan và Hội Sếu Quốc tế cũng như các tổ chức bảo tồn thiên nhiên khác nhằm cung cấp những tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cần thiết.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mỹ Lý (thực hiện)
Nguồn: https://baodongthap.vn/moi-truong/hoi-sinh-seu-dau-do-o-tram-chim-buoc-di-tien-phong-trong-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-130803.aspx
Bình luận (0)