16:58, 17/04/2025
BHG - Chiều 17.4, Tỉnh ủy Hà Giang và Tỉnh ủy Tuyên Quang tổ chức họp trực tuyến Ban Chỉ đạo hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang. Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì tại điểm cầu tỉnh Hà Giang. Đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa 15 tỉnh Tuyên Quang, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang. Cùng dự họp tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cùng các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, thành viên Ban chỉ đạo, tổ giúp việc tỉnh Hà Giang.
Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh phát biểu kết luận buổi làm việc tại điểm cầu tỉnh Hà Giang |
Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hà Thị Nga phát biểu tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang |
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang đã xem xét và cho ý kiến vào dự thảo đề án hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang; dự thảo phương án sơ bộ bố trí, sắp xếp chỗ làm việc, chỗ ở cho lãnh đạo, công chức, viên chức, nhân viên sau khi sáp nhập 2 tỉnh.
Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang |
Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang |
Theo đó, đến thời điểm hiện tại dự thảo đề án hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang đã cơ bản hoàn thành được một số nội dung, đó là: Căn cứ chính trị, pháp lý và sự cần thiết sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; lịch sử hình thành; hiện trạng về vị trí địa lý, diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính trực thuộc, các chỉ tiêu cơ bản về phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2024, các chính sách đặc thù hiện hưởng của tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang; phương án, kết quả sau sắp xếp, hợp nhất, cơ sở và lý do đề xuất phương án, lựa chọn tên gọi và trung tâm hành chính chính trị tỉnh Tuyên Quang sau sắp xếp; việc đánh giá tác động các mặt về quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công. Các đại biểu đều thống nhất, việc xây dựng đề án sắp xếp tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang là cần thiết nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính, phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển, đồng thời bảo đảm yếu tố lịch sử của hai tỉnh; bảo đảm bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tạo liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển, củng cố, tăng cường quốc phòng- an ninh, góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Việc sắp xếp tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang đã đảm bảo thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn tại địa phương.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn thảo luận tại điểm cầu Hà Giang |
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Minh Tiến thảo luận tại điểm cẩu tỉnh Hà Giang |
Cùng với đó, các đại biểu cũng đóng góp vào phương án sơ bộ bố trí, sắp xếp chỗ làm việc, chỗ ở cho lãnh đạo, công chức, viên chức, nhân viên sau khi sáp nhập 2 tỉnh; thống nhất nội dung, hình thức, thời gian lấy ý kiến nhân dân, cử tri. Tuy nhiên, thành viên Ban chỉ đạo đề nghị: Tiếp tục bổ sung thêm số liệu, câu từ và đánh giá chính xác các tác động, khó khăn, thách thức về quốc phòng - an ninh, kinh tế - xã hội để hoàn thiện đề án; làm rõ có hay không, và nếu có thì tỷ lệ phần trăm số cán bộ, công chức, viên chức sẽ ở lại Hà Giang thực hiện nhiệm vụ; tên đề án cần thống nhất tên gọi, cách diễn giải vừa để chặt chẽ hơn vừa đảm bảo người dân, cử tri hiểu rõ khi được lấy ý kiến.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long thảo luận tại điểm cầu tỉnh Hà Giang |
Tổng Biên tập Báo Hà Giang Nguyễn Trung Thu thảo luận tại điểm cầu tỉnh Hà Giang |
Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Hà Giang, đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Trưởng Ban chỉ đạo đánh giá cao công tác phối hợp giữa 2 tỉnh trong thực hiện đề án. Đề nghị Ban Chỉ đạo tiếp tục cập nhật các văn bản hướng dẫn của Trung ương để bổ sung vào đề án cũng như phải đánh giá chính xác, đầy đủ các tác động. Điều này cần các tổ giúp việc tăng cường phối hợp làm việc để hoàn thiện đề án với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Về bố trí lực lượng cán bộ, công chức để lại tỉnh Hà Giang thực hiện nhiệm vụ trong thời gian nhất định, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hầu A Lềnh khẳng định cần thiết phải có, nhưng các cơ quan, ban, ngành 2 tỉnh phải tiếp tục làm việc để tính toán rồi báo cáo Ban chỉ đạo. Về chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức đề nghị UBND 2 tỉnh cần làm rõ, chi tiết để báo cáo BTV Tỉnh ủy. Cùng với đó, việc lấy ý kiến nhân dân cần tổ chức linh hoạt và tổ chức cùng thời điểm lấy ý kiến về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Phát biểu kết luận tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hà Thị Nga thống nhất cao với những ý kiến phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hầu A Lềnh, đồng thời phấn khởi khi thấy hai tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang có sự đồng thuận cao trong việc xây dựng đề án. Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo, tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo tỉnh Tuyên Quang tiếp thu những ý kiến thảo luận của tỉnh Hà Giang và tiếp tục cập nhật thông tin, phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo, tổ công tác giúp việc tỉnh Hà Giang để hoàn thiện đề án.
Theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, dự kiến hợp nhất hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang lấy tên là tỉnh Tuyên Quang, trung tâm chính trị, hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay |
Tin, ảnh: VĂN NGHỊ
Nguồn: https://baohagiang.vn/sap-xep-to-chuc-bo-may-tinh-gon-manh-hieu-luc-hieu-qua/202504/hop-ban-chi-dao-hop-nhat-don-vi-hanh-chinh-tinh-tuyen-quang-va-tinh-ha-giang-b3a2f23/
Bình luận (0)