Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hợp tác là chìa khóa cải thiện văn hóa an toàn thực phẩm tại Việt Nam

Dự án SAFEGRO hợp tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam nhằm mục đích nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm, nông sản và thực phẩm an toàn và có lợi thế cạnh tranh cho người dân địa phương.

VietnamPlusVietnamPlus09/04/2025

Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế là một trong những giải pháp Việt Nam đang tích cực thực hiện để cải thiện an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, trong bối cảnh các nguy cơ liên quan đến an toàn thực phẩm gia tăng trong những năm gần đây.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sỹ Brian Bedard, chuyên gia từ Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO) do Canada tài trợ.

SAFEGRO hợp tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam với mục đích nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm, nông sản và thực phẩm an toàn và có lợi thế cạnh tranh cho người dân địa phương.

- Thưa ông, đâu là những vấn đề cấp bách nhất trong an toàn thực phẩm tại Việt Nam hiện nay, và SAFEGRO đóng vai trò gì trong việc giải quyết những vấn đề này?

Tiến sỹ Brian Bedard: Dự án SAFEGRO được tài trợ bởi Bộ Các Vấn đề Toàn cầu Canada (trực thuộc Chính phủ Canada) và Alinea International, đơn vị tư vấn phát triển nơi tôi đang công tác. Chúng tôi triển khai dự án này cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Bộ Y tế và Bộ Công Thương.

Một trong các hoạt động của dự án là chia sẻ kinh nghiệm quốc tế với các đối tác Việt Nam, bao gồm các phương thức hiện đại để giúp Việt Nam đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ cho tiêu dùng trong nước mà còn cho mục đích xuất khẩu.

Việt Nam ngày càng giữ vị trí quan trọng trong thương mại quốc tế, và an toàn thực phẩm là yêu cầu cấp thiết trong lĩnh vực này.

Những thách thức mà chúng tôi nhận thấy chủ yếu liên quan đến các chợ, gồm chợ bán lẻ và chợ bán buôn, và vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm từ trang trại và từ các cơ sở sản xuất.

Thách thức này xuất phát từ các trang trại, từ việc đảm bảo nông dân tuân thủ thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ ở mức tối thiểu, và sử dụng nguồn nước an toàn.

Những việc này nhằm đảm bảo an toàn nguồn thực phẩm đưa vào thị trường ngay từ khâu ban đầu. Tiếp đó là khâu xử lý, chế biến và phân phối thực phẩm đến người tiêu dùng.

Chúng tôi hợp tác với các đối tác từ chính phủ, các cơ sở sản xuất và chế biến, nhà hàng, trường học cũng như những đơn vị khác. Chúng tôi xem xét các khía cạnh có nguy cơ cao nhằm giúp phía Việt Nam xây dựng các chương trình, nguyên tắc và quy định, và quan trọng hơn là thực thi các quy định đó.

- Các chính sách và quy định an toàn thực phẩm hiện hành của Việt Nam có phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế không, và SAFEGRO đang thực hiện những hoạt động nào để cải thiện khía cạnh này?

Tiến sỹ Brian Bedard: Một trong những hoạt động đầu tiên của dự án là đánh giá lại các quy định và chính sách cùng với các nhà tài trợ khác để xác định các lỗ hổng và thiếu sót.

Tiếp đó, chúng tôi làm việc với phía Việt Nam để giải quyết vấn đề, ví dụ như quy định nào là cần thiết, các tiêu chuẩn cần áp dụng đối với thị trường, các phòng thí nghiệm và các bên khác trong chuỗi giá trị. Chúng tôi xem xét nhiều khía cạnh để giúp phía Việt Nam đưa ra các quy định thực tế và khả thi.

Doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để có thể tiếp cận các thị trường nước ngoài. Do đó, họ hiểu rất rõ các yêu cầu tại các quốc gia khác và quốc tế để đảm bảo hoạt động xuất khẩu.

Tuy nhiên, vấn đề cấp thiết là làm thế nào để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước.

Việt Nam đã ban hành một số luật và quy định đúng đắn, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng cũng giống như các quốc gia khác, có rất nhiều khó khăn trong khâu thực thi.

vnp-an-toan-thuc-pham-resize.jpg
Học sinh mầm non tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) thực hành an toàn thực phẩm trong khuôn khổ hoạt động giáo dục do SAFEGRO triển khai. (Nguồn: SAFEGRO)

Thách thức lớn nhất không nằm ở việc hoạch định chính sách đúng đắn mà ở việc làm thế nào để thực thi hiệu quả, và đảm bảo rằng doanh nghiệp, nông dân, các bên cung ứng thực phẩm và tất cả những người tham gia trong chuỗi giá trị đều tuân thủ theo quy định và yêu cầu.

- Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng trong những năm gần đây. Thưa ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn tới những trường hợp này và người dân nên làm gì để bảo vệ sức khỏe của mình?

Tiến sỹ Brian Bedard: Chúng tôi nhận thấy các trường hợp này phần lớn là do thực phẩm bị nhiễm khuẩn, không phải do thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hay ô nhiễm hóa học.

Nguyên nhân thường xuất phát từ việc vệ sinh kém, xử lý thực phẩm không đúng cách, không rửa tay, không đảm bảo bề mặt chế biến sạch sẽ và không khử trùng thiết bị, dụng cụ. Vấn đề này không chỉ diễn ra tại các cửa hàng hay quầy thực phẩm mà còn cả các nhà ăn và bếp ăn gia đình.

Thực hiện chia tách thực phẩm theo các phương pháp hợp vệ sinh có thể giúp giảm thiểu tình trạng nhiễm khuẩn, vốn là nguyên nhân chính của phần lớn các vụ ngộ độc tại Việt Nam, theo quan sát của chúng tôi.

- Việt Nam có thể áp dụng và điều chỉnh những chiến lược truyền thông nào để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân về an toàn thực phẩm?

Tiến sỹ Brian Bedard: Chúng tôi nhận thấy rằng truyền thông là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cần phải đảm bảo truyền thông rõ ràng để người tiêu dùng hiểu rõ được các yếu tố, tiêu chí an toàn thực phẩm cũng như nơi bán và cách chế biến thực phẩm an toàn.

Quan trọng hơn là khi xảy ra ngộ độc như các trường hợp kể trên, cần có một hệ thống để đảm bảo rằng người tiêu dùng nhận thức được những nguy cơ liên quan và liệu loại thực phẩm đó có cần được thu hồi hay không.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy các cơ quan đảm nhiệm vấn đề an toàn thực phẩm đang chủ động hơn để thực hiện những việc họ cần làm.

Chúng tôi rất hoan nghênh hợp tác giữa các chính phủ trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, thương mại và coi an toàn thực phẩm là một phần quan trọng trong công việc của họ.

- Xin cảm ơn Tiến sỹ./.

(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/hop-tac-la-chia-khoa-cai-thien-van-hoa-an-toan-thuc-pham-tai-viet-nam-post1026633.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm