Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kịch bản tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp: Nhà đầu tư tích cực, tỉnh kịp thời

Năm 2024, tăng trưởng ngành nông nghiệp tỉnh đạt 1,74%. Đầu năm 2025, ngành đề ra mục tiêu phấn đấu mức tăng trưởng đạt 4,2%. Tuy nhiên, theo Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 24/2/2025 của UBND tỉnh về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, tỉnh Lào Cai giao mức tăng trưởng nông - lâm - thủy sản đạt từ 4,5 đến 5%.

Báo Lào CaiBáo Lào Cai18/04/2025

bao-thang-40.jpg
Mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp và môi trường trong năm 2025 đạt 5,18%.

Với mục tiêu phấn đấu đưa nông nghiệp trở thành ngành kinh tế có sự đóng góp lớn trong sự phát triển chung của tỉnh, năm 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã đề ra chỉ tiêu tăng trưởng đạt 5,18%, cao hơn định mức của tỉnh 0,68%. Đây là mục tiêu lớn, quan trọng, đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực của ngành nông nghiệp và môi trường mà còn của các cấp chính quyền, các ngành có liên quan.

z6516687613738-0bba96a15cdaafbbdb6a5a086bad0fd7-1.jpg
Mặt bằng dự án chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Đầu tư chăn nuôi công nghệ cao Gia Hưng tại xã Thái Niên.

Nhà đầu tư tích cực, tỉnh kịp thời

Tháng 6/2024, Công ty TNHH Đầu tư chăn nuôi công nghệ cao Gia Hưng (gọi tắt là Công ty Gia Hưng) có trụ sở tại Hà Nội được UBND tỉnh Lào Cai ký Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án trang trại chăn nuôi lợn sinh sản công nghệ cao khép kín tại xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng. Quy mô dự án đầu tư thực hiện trên diện tích 13,36 ha, năng lực sản xuất duy trì 2.400 lợn nái sinh sản, mỗi năm sinh 2 lứa, nếu trung bình một lợn nái sinh 12 con/lứa thì hằng năm cơ sở có thể xuất chuồng 57.600 con lợn giống. Đặc biệt, đây là dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa hoàn toàn các khâu bảo ôn chuồng nuôi kín (chuồng lạnh) và tự động khâu cho ăn, uống. Dự án có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do cấp có thẩm quyền ban hành, sản phẩm đầu ra đảm bảo sạch bệnh, cao sản.

z6427525671248-b2a1108f6a66981a9a1d0a883a8b8f70.jpg
Dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Tân An, huyện Văn Bàn có diện tích 17,26 ha.

Theo bà Đặng Thu Trang, Giám đốc Công ty Gia Hưng, khó khăn khi triển khai dự án là điểm thực hiện cách xa đường giao thông chính, nơi đây chưa có đường điện sản xuất, hệ thống cấp nước, khối lượng san gạt mặt bằng, đào đắp lớn và bị chậm 2 tháng do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3/2024. Tuy nhiên, đến tháng 3/2025, dự án đã hoàn tất mọi thủ tục và mặt bằng để có thể khởi công trong tháng 4/2025, phấn đấu đến quý I/2026, dự án hoàn thành xây dựng, đi vào sản xuất. Trước đó, tháng 2/2024, Công ty Gia Hưng được UBND tỉnh Lào Cai chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Tân An, huyện Văn Bàn với diện tích 17,26 ha, năng lực xuất chuồng 2 lứa lợn/năm, sản lượng 30.000 con lợn thịt.

z6427525695741-e94b5a43dd8da578fb4f5a2eaaa0f833.jpg
Dự kiến cuối năm 2025, Dự án chăn nuôi tại xã Tân An sẽ đi vào hoạt động.

Đây cũng là dự án chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa hoàn toàn khâu kiểm soát nhiệt độ (chuồng kín, lạnh) và cho ăn, uống nước. Trong 1 năm qua, Công ty Gia Hưng tập trung hoàn thiện các thủ tục như ký quỹ đầu tư, đóng tiền trồng rừng, tiền phát triển quỹ đất, thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, giải phóng mặt bằng. Đến nay, công ty đang tập trung cao độ đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng, đảm bảo hoàn thành xây dựng trang trại trước cao điểm mùa mưa để đưa dự án vào chăn nuôi trong năm 2025.

z6427529608209-4bdf8ad11dd3fa10fcc1265e7217cb30.jpg
Việc phân cấp chứng nhận đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện đã tạo thuận rất lớn cho doanh nghiệp.

Bà Đặng Thu Trang, Giám đốc Công ty Gia Hưng cho hay, sau khi doanh nghiệp khảo sát tại Lào Cai và xin chấp thuận chủ trương đầu tư, chỉ sau thời gian ngắn đã nhận được quyết định của UBND tỉnh. “Chúng tôi nhận được sự ủng hộ, đồng thuận rất cao từ chính quyền các cấp và ngành chuyên môn. Thường trực UBND tỉnh còn thường xuyên quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhờ đó, chúng tôi rất bất ngờ bởi từ khi nhận được chấp thuận chủ trương đến khi triển khai dự án chỉ vài tháng”.

img-8813.jpg
Một trang trại chăn nuôi tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng có quy mô gần 2.000 con lợn.

Ông Trần Minh Sáng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Ngoài các dự án đang triển khai thuận lợi, sở tích cực tham mưu để UBND tỉnh xác định rõ danh mục các dự án, chương trình, kế hoạch còn vướng mắc cần tháo gỡ. Tại Kế hoạch số 102 của UBND tỉnh, các đồng chí Thường trực UBND tỉnh được giao nhiệm vụ đã trực tiếp đôn đốc, vào cuộc chỉ đạo gỡ điểm nghẽn từng dự án, chương trình, nội dung cụ thể nhằm tạo xung lực phát triển cho ngành nông nghiệp và môi trường. Điển hình như dự án Nhà máy chế biến chè Ô Long tại xã Cao Sơn, huyện Mường Khương; chương trình phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm nông - lâm nghiệp tập trung tại huyện Bảo Yên; Nhà máy chế biến gỗ MDF tại huyện Bảo Yên; dự án Nhà máy sản xuất sợi dệt và tinh bột chuối Musa Golden Lào Cai; dự án chế biến tinh dầu quế tại xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà...

img-7389.jpg
Gà thả vườn của một HTX chăn nuôi quy mô lớn tại Bảo Thắng.

Khai thác dư địa 3 lĩnh vực chủ lực

Theo ông Trần Minh Sáng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, thực hiện nội dung Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 24/2/2025 của UBND tỉnh về mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, sở đã tập trung rà soát, nghiên cứu và xác định rõ những lĩnh vực còn nhiều dư địa phát triển, đó là lâm nghiệp, chăn nuôi và các ngành hàng chủ lực theo Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

060a1635.jpg
Vườn cam trái mùa tại xã Phúc Khánh (Bảo Yên).

Với lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp và môi trường tập trung phát triển quy mô, nâng cao chất lượng ngành, chuẩn bị các điều kiện cho xuất khẩu sản phẩm, thanh toán một số bệnh dịch để đón lõng cơ hội khi thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang Trung Quốc được khai thông. Ngành cũng tiếp tục ưu tiên phát triển gia súc nhỏ, gia cầm theo hướng bền vững, tích cực tham gia chuỗi sản phẩm toàn cầu ở những vùng trọng điểm và phát triển chăn nuôi bản địa, sản phẩm đặc sản tại khu vực vùng cao. Dự ước chăn nuôi sẽ có giá trị tăng thêm gần 200 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010). Riêng với lĩnh vực mũi nhọn lâm nghiệp, ngành chuyên môn dự kiến giá trị tăng thêm khoảng 134 tỷ đồng nhờ các giải pháp về đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó vùng thấp phát triển rừng trồng tập trung cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến lâm sản; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào phát triển rừng thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích về đất đai, tín dụng, thị trường. Đối với khu vực vùng cao, tỉnh nghiên cứu lựa chọn các loại cây trồng bản địa, cây đa mục đích, cây cho lâm sản ngoài gỗ; phát huy tối đa các dịch vụ lâm nghiệp, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái, tín chỉ các-bon rừng... để tạo nguồn thu, tái đầu tư cho phát triển.

5-9840.png
Áp dụng cơ giới hóa vào phòng trừ sâu bệnh cho vùng chè tại Bảo Thắng.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, toàn tỉnh đã thu hút đầu tư mới và nâng quy mô đầu tư 34 dự án (22 dự án mới) về lĩnh vực sản xuất nông - lâm - thủy sản. Chất lượng các vùng trồng tập trung được nâng lên, mở ra dư địa phát triển lớn, trong đó có 8.600 ha chè, 4.300 ha dược liệu, 2.400 ha chuối, hơn 2.300 ha dứa, hơn 60.000 ha quế; chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục có nhiều thành công.

Ngoài 3 ngành mũi nhọn, Sở Nông nghiệp và Môi trường dự ước giá trị sản xuất năm 2025 tăng thêm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, nâng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 9.700 tỷ đồng. Qua đó góp phần đảm bảo GRDP toàn tỉnh trong năm 2025 đạt 87.000 tỷ đồng, quan trọng hơn là ổn định, nâng cao mức sống của đại bộ phận người dân khu vực nông thôn.

Nguồn: https://baolaocai.vn/kich-ban-tang-truong-linh-vuc-nong-nghiep-nha-dau-tu-tich-cuc-tinh-kip-thoi-post400423.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm