Ngày nào cũng vậy, cứ 6 giờ sáng, bà Phùng Thị Hòe, xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) bắt đầu vệ sinh nhà cửa, tưới cây trong vườn và vệ sinh đoạn đường xung quanh nhà.
Bà Hòe cho biết: Từ khi xây dựng nông thôn mới (NTM), nhất là khi địa phương được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh, người dân đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; dọc các tuyến đường ngõ, xóm được trồng nhiều cây xanh tạo không gian sống xanh. Ngoài ra, các gia đình đã chủ động phân loại lá cây, rau xanh hỏng... để ủ với men vi sinh làm phân bón; những loại rác khó phân hủy như chai nhựa, lon bia, lon nước ngọt... được thu gom để tham gia chương trình “Biến rác thải thành tiền”.
Để tạo môi trường sống xanh - sạch - đẹp, xã Ngũ Kiên đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã ra mắt mô hình phân loại rác thải, mô hình làn nhựa đi chợ nhằm giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon; ký hợp đồng vận chuyển, thu gom, xử lý rác thải; vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom vào bể chứa đặt ở các vị trí thuận lợi trên bờ ruộng, sau đó đưa đi xử lý theo quy định; phát động phong trào thi đua, xây dựng các mô hình gắn với NTM như “5 không 3 sạch”, “Đoạn đường tự quản về vệ sinh môi trường", “Ngày thứ 7 xanh", "Ngày Chủ nhật xanh”…
Hiện nay, toàn xã có hơn 80% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn; 100% gia đình thực hiện thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt qua hệ thống bể biogas, bể phốt trước khi chảy vào hệ thống thoát nước thải chung của xã... Nhờ đó, cảnh quan môi trường trên địa bàn xã ngày càng trong lành, trở thành vùng quê đáng sống.
Trước đây, trên tuyến đường chính dẫn vào khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo và các khu di tích lịch sử văn hóa tâm linh của xã Trung Mỹ (Bình Xuyên) bắt gặp nhiều rác thải. Các gia đình ở thôn Thanh Lanh đều mang rác thải sinh hoạt bỏ trước cổng nhà mà không thu gom, dọn dẹp hằng ngày nên đã nảy sinh nhiều bất cập, gây ô nhiễm môi trường.
Trước thực trạng trên, người dân thôn Thanh Lanh đã có sáng kiến làm kệ rác. Ban đầu, kệ rác được làm từ cây gỗ nhưng do để ngoài trời, không chịu được mưa nắng nên kệ nhanh hỏng. Do đó, người dân đã thống nhất tự nguyện đóng góp kinh phí làm kệ sắt. Hiện nay, thôn Thanh Lanh có hơn 40 kệ rác, trung bình 5 - 6 hộ chung nhau 1 kệ. Tất cả các tuyến ngõ, xóm đều được đặt kệ làm nơi tập kết rác của nhân dân trong thôn.
Từ ngày có kệ rác, ý thức trách nhiệm trong công tác vệ sinh môi trường của hộ dân trong thôn có sự thay đổi; rác được phân loại ngay tại hộ gia đình, để đúng nơi quy định. Sáng kiến của nhân dân thôn Thanh Lanh trong việc bảo vệ môi trường đang được chính quyền xã Trung Mỹ nhân rộng ra các khu dân cư toàn xã, góp phần giữ gìn hình ảnh làng quê văn minh, sạch - đẹp, thu hút du khách thập phương đến với Trung Mỹ. Đây chính là động lực để xã đăng ký hoàn thành xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2025.
Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với sự tăng trưởng mạnh về kinh tế đã tác động đến môi trường. Tổng lượng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 920 tấn/ngày, trong đó ở khu vực đô thị khoảng 350 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 570 tấn/ngày. Rác thải sinh hoạt hiện nay phần lớn được chôn lấp tạm thời hoặc đổ thành bãi lộ thiên, phần còn lại được xử lý bằng các lò đốt quy mô nhỏ, không đảm bảo vệ sinh.
Để bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn hướng dẫn người dân phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, nhất là hạn chế sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng 1 lần; xây dựng tuyến phố, tuyến đường, tổ dân phố, khu dân cư tự quản, văn minh “sáng - xanh - sạch - đẹp”; duy trì và đẩy mạnh phong trào “phân loại rác thải tại nguồn” trong các cơ quan, trường học, hộ gia đình và cơ sở kinh doanh; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Hết năm 2024, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị được thu gom, xử lý đạt khoảng 97% và khu vực nông thôn đạt khoảng 80%; có hơn 600 mô hình bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp. Các địa phương đã xây dựng được 4.755 tuyến đường kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp. Riêng năm 2024, 9/9 huyện, thành phố đã hoàn thành 1.637 tuyến đường kiểu mẫu với hơn 322 km tại các xã, phường, thị trấn.
Qua đó không chỉ thay đổi, nâng cấp diện mạo, cảnh quan môi trường mà còn góp phần hạn chế các tụ điểm rác thải gây mất mỹ quan, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, hành động của người dân theo hướng tích cực, hình thành nếp sống văn hóa, văn minh.
Mai Liên
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/127673/Moi-truong-xanh---sach---dep-bat-dau-tu-y-thuc-cua-moi-nguoi-dan
Bình luận (0)