Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nam Trà My khơi dậy mạch nguồn văn hóa từ cộng đồng

(QNO) - Những năm gần đây, các giá trị văn hóa truyền thống gắn với đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông ở huyện Nam Trà My đang được gìn giữ và phát huy sinh động nhờ sự chủ động của cộng đồng và cách làm linh hoạt của chính quyền địa phương.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam21/04/2025

3(3).jpg
Nghi lễ cúng máng nước của đồng bào Ca Dong làng Tăk Nầm (thôn 3, xã Trà Don) được gìn giữ nhiều đời nay. Ảnh: PHAN VINH

Đánh thức văn nghệ dân gian

Tại lễ ra mắt Đội văn nghệ dân gian xã Trà Don, già làng Trần Văn Út (nóc Làng Lê, thôn 2) không giấu được niềm xúc động khi chứng kiến lớp trẻ say mê luyện tập từng điệu múa, tiếng chiêng. Ông Út chia sẻ, có một thời gian dài người trẻ không mặn mà với văn hóa truyền thống, khiến những già làng rất trăn trở.

“Trước đây, chỉ một vài người trong làng biết múa chiêng, hát ting ting hay thực hành nghi lễ, chỉ dịp cúng lễ mới làm. Già làng như tôi thấy rất buồn. Giờ có đội văn nghệ, lớp trẻ được học chiêng, học múa, học nghi lễ... Mình cũng có cơ hội truyền dạy, thấy văn hóa làng như sống lại mỗi ngày” - ông Út bộc bạch.

5.jpg
Lễ ra mắt Đội văn nghệ dân gian thôn 2, xã Trà Don. Ảnh: PHAN VINH

Cùng với Trà Don, nóc Tăk Pổ (thôn 1, xã Trà Tập) là địa phương thứ hai trên địa bàn huyện thành lập đội văn nghệ dân gian, với gần 30 thành viên. Trong đó, lực lượng nòng cốt là các nghệ nhân biết đánh chiêng, múa truyền thống, hát ting ting, thực hành nghi lễ cúng máng nước, mừng lúa mới… Đây là 2 mô hình điểm được huyện triển khai trong năm 2024, thuộc Đề án 06 của Dự án 6 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo Phòng Văn hoá - Khoa học & Thông tin huyện Nam Trà My, việc khôi phục và duy trì các đội văn nghệ dân gian cấp thôn không chỉ là hoạt động văn hóa đơn lẻ mà còn là giải pháp bảo tồn di sản phi vật thể một cách bền vững, mang tính kế thừa rõ nét. Mỗi đội được hỗ trợ trang phục truyền thống, đạo cụ biểu diễn (chiêng, trống...), kinh phí tập huấn, qua đó tạo điều kiện để duy trì sinh hoạt định kỳ, gắn kết với lễ hội, sự kiện văn hóa cộng đồng tại địa phương.

Ông Hồ Văn Níp - Chủ tịch UBND xã Trà Tập cho biết, mô hình đội văn nghệ dân gian có sức lan tỏa mạnh. Trước đây, mỗi khi tổ chức lễ hội, xã phải nhờ cậy nghệ nhân lớn tuổi. Nay có đội văn nghệ chính quy, lớp trẻ tham gia ngày càng đông, công tác tổ chức, bảo tồn văn hóa sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

[VIDEO] - Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Phòng Văn hoá - Khoa học & Thông tin huyện Nam Trà My chia sẻ về nỗ lực bảo tồn văn hoá của huyện:

Gìn giữ văn hóa từ gốc

Xác định văn hóa phải được bảo tồn ngay trong chính cộng đồng, thời gian qua, huyện Nam Trà My đã chuẩn hóa và công bố bộ trang phục truyền thống đặc trưng của 3 dân tộc Ca Dong, Xê Đăng và Mơ Nông. Không chỉ là biểu tượng bản sắc, bộ trang phục này còn được khuyến khích sử dụng trong các dịp lễ hội, hoạt động trường học, sự kiện cộng đồng…

4(1).jpg
Truyền dạy điệu múa truyền thống cho thế hệ trẻ ở thôn 1, xã Trà Tập. Ảnh: HỒ QUÂN

Tại một số trường học ở Trà Don, Trà Cang, học sinh được vận động mặc trang phục truyền thống vào sáng thứ Hai hằng tuần. Cùng với đó, các câu lạc bộ trống chiêng, hát ting ting trong nhà trường cũng được thành lập, giúp học sinh tiếp cận và hình thành ý thức giữ gìn văn hóa từ sớm.

Cạnh đó, nhiều nghi lễ cổ truyền như lễ cúng máng nước, lễ mừng lúa mới, lễ cúng lúa kho… được lồng ghép tổ chức trong các hoạt động văn hóa cộng đồng tại cấp xã, với sự tham gia chủ động của người dân và vai trò dẫn dắt của các già làng, nghệ nhân. Huyện cũng đầu tư phục dựng mô hình cây nêu truyền thống tại một số địa phương trọng điểm, mỗi cây được thiết kế đúng nghi thức, đầu tư khoảng 90 triệu đồng từ nguồn vốn dự án, do các già làng trực tiếp hướng dẫn.

2(4).jpg
Nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa (thôn 3, xã Trà Cang, Nam Trà My) tham gia biểu diễn, hướng dẫn hát ting ting cho bà con trong làng. Ảnh: HỒ QUÂN

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Phòng Văn hoá - Khoa học & Thông tin huyện Nam Trà My cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung số hóa một phần di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, ưu tiên ghi hình, biên soạn và phổ biến các clip hướng dẫn thực hành văn hóa truyền thống như đánh chiêng, múa dân gian, nghi lễ đặc trưng... phục vụ việc giảng dạy tại trường học, nhà văn hóa, câu lạc bộ văn nghệ thôn.

“Bảo tồn phải gắn với phát huy, mà muốn phát huy thì văn hóa phải đi vào đời sống. Chúng tôi đang nỗ lực tạo không gian để văn hóa truyền thống được thực hành thường xuyên, có người truyền - người học - cộng đồng sử dụng, chứ không chỉ biểu diễn trong các hội thi hay dịp lễ hội” – bà Hạnh chia sẻ.

[VIDEO] - Nghi thức trống chiêng truyền thống được bà con Xê Đăng ở nóc Lâng Loan (xã Trà Cang) bảo tồn, gìn giữ:

Nguồn: https://baoquangnam.vn/nam-tra-my-khoi-day-mach-nguon-van-hoa-tu-cong-dong-3153294.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm