Hỏi: Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo quy định những vấn đề gì và có những thay đổi nào để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới sáng tạo?
Đáp: Dự thảo của Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ đang có hiệu lực. Tuy nhiên, bên cạnh việc quy định việc triển khai, thực hiện hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, dự thảo luật này còn đề ra những biện pháp và công tác quản lý nhằm bảo đảm sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đối tượng áp dụng mà dự thảo luật hướng đến là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này ở trong và ngoài nước, nhưng có quyền và nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.
Mục đích của việc xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh, an toàn quốc gia; đồng thời đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực để hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Nội dung của dự thảo luật gồm 8 chương, 95 điều (sửa đổi lớn 26 điều, bổ sung 23 điều và tăng 14 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ). Dự thảo luật cũng bám sát các nội dung của Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 3/8/2024 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng luật tháng 7/2024.
Nội dung dự thảo luật được trình bày theo các vấn đề, nhóm vấn đề, gồm: Quy định chung; tổ chức thực hiện, đầu tư tài chính, hạ tầng, thông tin, hợp tác quốc tế, trách nhiệm quản lý nhà nước, nhân lực hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Ngoài ra, có thêm nội dung về đổi mới sáng tạo và một số điểm mới so với Luật Khoa học và Công nghệ, như: Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học-công nghệ; miễn áp dụng đấu thầu đối với phần kinh phí khoán; ưu đãi doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng đề xuất thành lập quỹ đổi mới sáng tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, điều này chưa có trong Luật Khoa học và Công nghệ.
Hỏi: Những hạn chế nào của Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành cần được khắc phục qua việc sửa đổi và bổ sung?
Đáp: Để đáp ứng xu thế chuyển đổi số mang tính toàn cầu, Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng việc đẩy mạnh phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hơn nữa, việc phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ đòi hỏi cần phải có những quy định pháp luật mới, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Do vậy, Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ra đời trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ là yêu cầu cấp thiết góp phần hoàn thiện chủ trương, chính sách; đồng thời tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển khoa học, công nghệ...
Luật Khoa học và Công nghệ ra đời năm 2013, trải qua hơn 10 năm, nhiều nội dung của luật đã bộc lộ hạn chế, không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của khoa học, công nghệ.
Cụ thể, nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội với mô hình tăng trưởng dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao và yếu tố động lực của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng thể hiện rõ; nhưng cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì ngược lại.
Vấn đề tập trung nguồn lực cho các chương trình khoa học, công nghệ trọng điểm nhằm tạo ra tri thức nhưng chưa bố trí đủ nguồn lực cho các chương trình ứng dụng tri thức.
Một số vấn đề mới của khoa học-công nghệ hiện chưa được cập nhật vào các nội dung, quy định của luật, như: Công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT), công nghệ thực tế ảo (Virtual reality), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud computing)…
Sự xuất hiện của những xu hướng công nghệ mới như Chat GPT, Deepseek… phát triển, lan tỏa mạnh mẽ đã tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời kèm theo không ít thách thức.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quốc Anh, Viện trưởng Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, việc sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ là kịp thời và rất cần thiết; bởi quá trình sửa đổi luật này nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế từ khi luật có hiệu lực đến nay, đồng thời sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho các nhà khoa học, tổ chức khoa học-công nghệ hoạt động. Hơn nữa, dự thảo luật có thêm nội dung về đổi mới sáng tạo. Cùng với khoa học, công nghệ, chuyển đổi số thì đổi mới sáng tạo là một trong ba trụ cột quan trọng được khẳng định trong Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, để sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ và dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, trước tiên cần bảo đảm sự đồng bộ trong việc thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 03-NQ/CP của Chính phủ với các văn bản pháp luật liên quan. Có các cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực trong xã hội (nhân lực, tài chính,…); đồng thời sớm nhận diện những khó khăn, vướng mắc và tháo gỡ các “nút thắt” để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nghiên cứu quy định miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với những trường hợp nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới. Xây dựng khung pháp lý mới, cập nhật xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của các nước phát triển.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ và các luật liên quan đấu thầu, đầu tư, giáo dục, viên chức… phải mang tính toàn diện bởi một số điều, khoản giữa các luật có sự xung đột về nội dung. Ngoài ra, cần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và có cơ chế hỗ trợ chuyển giao công nghệ nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Nguồn: https://nhandan.vn/nen-tang-phap-ly-cho-su-phat-trien-post877068.html
Bình luận (0)