Tuy mới thành lập, nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khu vực 14 đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đồng thời, công khai lãi suất cho vay bình quân, thông tin các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm ngân hàng để khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay. Qua đó, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
TÍN DỤNG TĂNG TRƯỞNG
Theo NHNN khu vực 14, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động VND duy trì ở mức thấp, độ hấp dẫn thấp hơn so với các kênh sinh lời khác, huy động vốn toàn khu vực tính đến tháng 3/2025 đạt hơn 289.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng tỉnh Bạc Liêu trong quý 1/2025, tổng huy động vốn của các ngân hàng đạt 32,5 ngàn tỷ đồng, tăng 1,92% so với cùng kỳ. Đồng thời, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã đầu tư cho phát triển sản xuất - kinh doanh (SX-KD) với tổng dư nợ cho vay đạt 45.600 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh tại BIDV Bạc Liêu. Ảnh: K.T
Nhìn chung, tín dụng đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời vốn phục vụ SX-KD của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, không để phát sinh dự án, phương án đủ điều kiện vay vốn không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng, các cơ chế, chính sách tín dụng, các động lực tăng trưởng của địa phương. Tổng dư nợ toàn khu vực tính đến tháng 3/2025 đạt hơn 387.000 tỷ đồng, tăng 0,42% so với cuối năm 2024, chiếm 32,08% tổng dư nợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long và chiếm 2,46% tổng dư nợ nền kinh tế.
Riêng tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên được quan tâm, chú trọng như: cho vay nông nghiệp, nông thôn dư nợ đạt gần 166.000 tỷ đồng, chiếm 25,2% tổng dư nợ nông nghiệp, nông thôn của vùng; doanh nghiệp nhỏ và vừa dư nợ đạt trên 69.000 tỷ đồng, chiếm 41,3% tổng dư nợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa của vùng; xuất khẩu dư nợ đạt trên 30.000 tỷ đồng, chiếm 55,1% tổng dư nợ xuất khẩu của vùng. Tín dụng chính sách xã hội tiếp tục tăng trưởng khá (tăng 1,03% so với cuối năm 2024, đạt trên 22,3 ngàn tỷ đồng, chiếm 34,2% tổng dư nợ tín dụng chính sách của vùng…
TIẾP TỤC KẾT NỐI NGÂN HÀNG VÀ DOANH NGHIỆP
Nhằm tăng cường nguồn lực cho nền kinh tế, NHNN khu vực 14 chỉ đạo các TCTD của khu vực tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả chính sách tiền tệ và các giải pháp tiền tệ, tín dụng, ngân hàng của NHNN năm 2025 phù hợp với tình hình địa phương và diễn biến thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cả nước, đặc biệt là lãi suất, tỷ giá và tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, đảm bảo tăng trưởng huy động vốn, tín dụng phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo vốn tín dụng phục vụ SX-KD, tập trung cho vay lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các thế mạnh của tỉnh, của vùng. Tiếp tục đẩy mạnh kết nối ngân hàng - DN, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình huy động vốn và diễn biến lãi suất trên địa bàn, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay theo chủ trương, định hướng chung của Chính phủ và NHNN Việt Nam. Kiểm soát tốt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động của TCTD. Triển khai thực hiện các phương án, kế hoạch cơ cấu lại, xử lý nợ xấu theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng phát triển hệ thống các TCTD đã được phê duyệt…
Ngoài ra, NHNN khu vực 14 đề nghị các Vụ, Cục liên quan sớm hoàn thiện các hướng dẫn nghiệp vụ do có sự thay đổi sắp xếp bộ máy, tạo điều kiện để NHNN khu vực ổn định hoạt động. Đối với UBND các tỉnh, thành phố trong khu vực tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành phối hợp triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động của NHNN khu vực 14 nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung.
KIM TRUNG
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/kinh-te/ngan-hang-nha-nuoc-khu-vuc-14-tang-cuong-dau-tu-von-cho-phat-trien-san-xuat-kinh-doanh-100247.html
Bình luận (0)