Tất cả các khu chợ truyền thống ở Việt Nam đều có bán cá tươi phục vụ người VIệt ăn cá hằng ngày - Ảnh: NHÃ XUÂN
Bài viết của tác giả người Úc Ray Kuschert, đã sống ở Việt Nam hơn 10 năm. Tuổi Trẻ Online biên tập lược dịch.
Ẩm thực Việt Nam đích thực rất khác với những gì người ta biết đến ở phương Tây. Phở là món ăn Việt Nam nổi tiếng nhất trên thế giới, điều này không cần bàn cãi. Nhưng thực tế, cá và hải sản cũng như những món nặng mùi khác cũng là một phần không thể thiếu trong ẩm thực Việt Nam.
Điều đáng tiếc là những món ăn này chưa được công nhận xứng đáng trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Với đường bờ biển dài 3.260km và khoảng 4.000 hòn đảo, cùng các hệ thống sông lớn như sông Hồng, sông Hương, sông Sài Gòn và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phần lớn dân số Việt Nam sinh sống gần bờ biển hoặc sông ngòi.
Thế nhưng khi tìm hiểu sâu hơn về ẩm thực Việt, bạn sẽ thấy cảnh người ta khéo léo vẽ từng cái xương khi ăn cá hấp nguyên con, hay ăn những loại nước chấm có mùi “nồng nàn” cực kỳ khó quên.
Cá rất phổ biến trong bữa cơm gia đình Việt - Ảnh: NHÃ XUÂN
Người Việt ăn cá toàn xương!
Ở phương Tây, cá nhỏ nhiều xương không được ưa chuộng vì khó ăn và tiềm ẩn nguy cơ hóc xương.
Còn ở Việt Nam, chỉ cần bước vào các khu chợ truyền thống, bạn sẽ thấy hải sản còn tươi sống trong chậu nước có sục khí, đảm bảo cua, tôm, cá, mực luôn tươi ngon khi đến tay người mua, giúp họ có những bữa ăn vừa tươi vừa ngon trong ngày.
Một trong những món ăn có thể ví dụ cho tài ăn cá nhiều xương của người Việt mà tôi cực ấn tượng là lẩu cá kèo. Với người phương Tây, đây là một thử thách thực sự. Loài cá này dài cỡ một chiếc ống hút, mình mỏng và đầy xương!
Cách ăn lẩu cá kèo
Đây không phải là kiểu lẩu bình thường. Đúng theo phương châm “cá ngon là cá tươi”, cá kèo tươi còn giãy đành đạch được thả thẳng vào nồi lẩu đang sôi sùng sục luôn!
Một cảnh tượng đáng chiêm ngưỡng. Phản ứng dữ dội ngay lập tức nhưng chỉ kéo dài vài giây vì nồi nước lẩu ngay lập tức nấu chín cá. Sau đó, trong vòng một hoặc hai phút, chúng được bày ra đĩa để bạn thưởng thức. Thực sự không có món cá nào tươi hơn thế!
Nhưng tới đây thì công đoạn ăn mới là thử thách thật sự. Với cả con cá nguyên vẹn trên dĩa, làm sao vẽ thịt đây? Bụng cá thì đắng, mình cá lại đầy xương nhỏ. Đây hẳn không phải là bữa ăn mà có thể vội vàng ăn cho xong.
Mắm nặng mùi mà ngon!
Nước mắm là gia vị phổ biến trong ẩm thực Việt Nam, cũng như tương cà đối với hamburger vậy.
Loại nước chấm từ cá muối này có vị mặn và đậm đà. Dù được sản xuất theo những phương pháp truyền thống từ hàng trăm năm, nước mắm ở mỗi vùng lại có hương vị đặc trưng khiến người dân địa phương luôn tự hào.
Bữa cơm Việt làm sao thiếu chén mắm ớt - Ảnh: NHÃ XUÂN
Ngoài ra, ở Việt Nam còn có một loại nước chấm nổi tiếng làm từ tôm là mắm tôm. Hỗn hợp có mùi nồng nặc và màu nâu đỏ này dễ khiến người mới thử lần đầu cảm thấy kinh hãi, thậm chí buồn nôn luôn.
Tuy nhiên khi bạn đã quen với mùi của mắm tôm và biết cách dùng nó với liều lượng phù hợp trong món ăn, nó sẽ mang lại một trải nghiệm vị giác tuyệt vời.
Một trong những món yêu thích của tôi là bún đậu mắm tôm. Món ăn này có sự cân bằng giữa rau sống, thịt và đậu hũ, chấm với mắm tôm pha quất, ớt và đường.
Tôi thích mặn và cay nên thường không bỏ đường. Thật thú vị khi ngồi cùng bạn bè, cuốn đủ loại thức ăn rồi chấm vào chén mắm tôm nồng nặc, cho vào miệng rồi cảm nhận vị mặn, cay và tươi mát hòa quyện. Đây là một trong những món tôi thích nhất ở Việt Nam.
Mắm tôm - hương vị không thể thiếu khi ăn bún đậu - Ảnh: GIA TIẾN
Tôi vẫn yêu thích bánh beef pie và hamburger đấy, nhưng tôi cũng đã thực sự phải lòng những hương vị “nặng mùi biển cả” vốn đặc trưng riêng biệt của Việt Nam.
Những hương vị ấy đại diện cho vùng miền, lịch sử và tinh thần của người Việt. Chúng xứng đáng được trân trọng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nguoi-viet-an-ca-nhieu-xuong-an-mam-nang-mui-hay-the-20250417175645889.htm
Bình luận (0)