BHG - Sau 3 năm triển khai, Dự án “Xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học” tại một số huyện vùng Cao nguyên đá Hà Giang đang mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân, giúp tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường bền vững.
Giai đoạn 2022 - 2024, từ nguồn vốn Khuyến nông Trung ương, Trung tâm Khuyến nông Hà Giang đã triển khai mô hình vỗ béo bò thịt, thương hiệu đặc sản bò Vàng Hà Giang và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học, với tổng quy mô trên 270 con bò ở các huyện Mèo Vạc, Yên Minh, Đồng Văn. Đối với 50 hộ dân tham gia dự án được hỗ trợ hoàn toàn thuốc tẩy nội, ngoại ký sinh trùng, đảm bảo 1 liều/con; thức ăn hỗn hợp đạt độ đạm 16%, tương đương 270 kg/con. Với hình thức “cầm tay chỉ việc”, Trung tâm đã tổ chức 6 lớp đào tạo, tập huấn; xây dựng 5 điểm trình diễn; đưa 180 lượt hộ dân đi tham quan mô hình để nắm vững kỹ thuật chọn bò phù hợp để vỗ béo, thực hiện chăm sóc đúng quy trình, tẩy ký sinh trùng trước khi nuôi và xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Giang hướng dẫn người dân xã Hữu Vinh (Yên Minh) kiểm tra trọng lượng của bò thịt. |
Anh Ly Mí Sình, thôn Nà Tậu, xã Hữu Vinh (Yên Minh) chia sẻ: “Trước kia, tôi chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, ít quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hay tẩy giun định kỳ cho đàn bò. Sau khi tham gia mô hình, tôi đã tuân thủ quy trình vỗ béo khoa học, giúp đàn bò tăng trọng từ 260 kg/con lên 330kg/con chỉ sau 3 tháng. Ngoài ra, tôi còn chủ động cắt thêm cỏ ngọt đem trộn cùng tinh bột ngô, đảm bảo nguồn thức ăn dồi dào cho gia súc”.
Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí và thu được hơn 350 tấn phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng theo hướng an toàn sinh học. Với tính hiệu quả cao, dù dự án đã kết thúc, song nhiều hộ dân vẫn duy trì mô hình để phát triển kinh tế. Hiện nay, Hợp tác xã Cát Lý (Vị Xuyên) vẫn tiếp tục thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con và mở rộng hợp tác với 807 hộ tại 22 xã trên địa bàn tỉnh để chăn nuôi hơn 2.700 con bò thịt vỗ béo, xây dựng xưởng chế biến thịt bò, nhà hàng bày bán các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách.
Đồng chí Phạm Thị Thoa, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Giang cho biết: “Từ quy mô ban đầu, thấy được hiệu quả từ việc nuôi vỗ béo bò thịt, gắn với xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học đã có thêm 80 hộ dân chủ động áp dụng nhân rộng mô hình trên 150 con bò. Với những kết quả đạt được, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, dự án khuyến nông để thay đổi tư duy sản xuất của người dân, kịp thời đưa những tiến bộ kỹ thuật mới vào phát triển chăn nuôi, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng”.
Theo báo cáo, đến cuối năm 2024, tổng đàn bò Vàng Hà Giang đạt hơn 130.500 con. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng toàn tỉnh ước đạt 4.863 tấn, riêng tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá chiếm 3.809 tấn. Bò vàng là giống bò bản địa lâu đời, gắn liền với đời sống, phong tục, tập quán của đồng bào vùng cao. Ngoài nuôi lấy thịt, người dân còn sử dụng bò trong canh tác nông nghiệp. Giống bò này có sức đề kháng tốt, thích nghi với khí hậu khắc nghiệt, chịu được điều kiện chăn nuôi kham khổ. Bò có thể đạt trọng lượng trung bình từ 300 - 500 kg, cho sản lượng thịt cao, mềm, ngọt, giàu dinh dưỡng, được thị trường ưa chuộng. Với giá trị đặc trưng, sản phẩm thịt bò Vàng Hà Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chỉ dẫn địa lý từ năm 2019.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202503/nhan-rong-mo-hinh-vo-beo-bo-thit-va-xu-ly-chat-thai-bang-che-pham-sinh-hoc-370763d/
Bình luận (0)