Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những câu chuyện ngày giải phóng

Việt NamViệt Nam01/05/2025


do-hong-chap.jpg
Ông Đỗ Hồng Chấp ở xã Thanh Tân (Thanh Hà) từng chứng kiến thời khắc lịch sử trong Dinh Độc Lập

Nhân chứng thời khắc lịch sử

Vào sáng 30/4/1975, sau Chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc, các cánh quân giải phóng tiến công mạnh mẽ vào trung tâm Sài Gòn. 10 giờ 45, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 của Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2, đã húc đổ cánh cổng sắt chính của Dinh Độc Lập – trụ sở của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ.

Ngay sau đó, bộ đội ta ào vào trong dinh. Ông Đỗ Hồng Chấp (sinh năm 1948, quê ở xã Thanh Thuỷ, nay là xã Thanh Tân, Thanh Hà) khi đó thuộc Đại đội 15, Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 512, Sư đoàn 571 tham gia chiến đấu cùng tiến vào Dinh Độc Lập đã chứng kiến thời khắc lịch sử trọng đại ấy.

“Tôi và các đồng chí lên tầng 2. Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các đang ngồi chờ sẵn. Tổng thống Dương Văn Minh nói: Chúng tôi đã biết quân giải phóng tiến vào nội đô và đang chờ quân giải phóng vào để bàn giao. Sau khi nghe Dương Văn Minh nói như vậy, anh Phạm Xuân Thệ giọng đanh thép nói: Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không bàn giao gì cả. Sau câu nói đó, Dương Văn Minh và tùy tùng lùi lại và ngồi im ở ghế trong", ông Chấp kể.

Tiến vào Dinh Độc lập với khí thế hừng hực của đoàn quân giải phóng, ông Chấp cùng đồng đội không có suy nghĩ gì khác là giành được chính quyền, giải phóng miền Nam bất chấp hiểm nguy.

“Khi tiến vào Sài Gòn, chứng kiến cảnh lính thua trận trà trộn trong dân, bộ đội ta không đánh đập, kỳ thị mà hướng dẫn họ đầu hàng. Rồi cả những tài sản của sĩ quan, quân nhân bỏ lại, bộ đội ta cũng không tơ hào. Tất cả giữ nghiêm kỷ luật quân đội, không tơ hào dù chỉ là cái kim sợi chỉ”, ông Chấp nói.

Niềm vui nối tiếp

vu-dinh-dai.jpeg
Ông Vũ Đình Đại và vợ ở phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) xem lại kỷ vật chiến trường

Sau Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975, ông Vũ Đình Đại (sinh năm 1948, thuộc biên chế Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2) cùng đồng đội tăng cường cho Sư đoàn 320 trực tiếp chiến đấu giải phóng TP Buôn Mê Thuột. “Là đơn vị bộ binh bước vào trận chiến được đánh hợp đồng với binh chủng xe tăng và pháo binh, anh em phấn khởi lắm và tin tưởng chắc chắn thắng, ai cũng khí thế hừng hực, đánh chiếm hết mục tiêu này đến mục tiêu khác. Người này ngã xuống, người kia lại đứng lên, ai cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Đại nhớ lại.

Quyết định táo bạo của Trung ương và Bộ Quốc phòng đánh vào Buôn Mê Thuột làm cho cả quân đoàn Tây Nguyên của địch sụp đổ, tan vỡ tháo chạy hỗn loạn xuống đồng bằng.

Sau khi giải phóng Tây Nguyên, đơn vị của ông Đại tiếp tục được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn. Mục tiêu chính là căn cứ Đồng Dù - Củ Chi, căn cứ này được coi là cánh cửa thép của Tây Bắc Sài Gòn. Cứ điểm kiên cố này có gần 30 lớp hàng rào dây thép gai, công sự, lô cốt đều làm bằng bê tông cốt thép, lại được phủ đất lên cao như một con đê bao quanh hết cứ điểm.

Với tinh thần thần tốc, táo bạo, quyết thắng, đơn vị của ông Đại hành quân suốt ngày đêm, nhanh chóng đến mục tiêu đúng giờ cấp trên quy định. Ngày 28/4, pháo binh khai hỏa, bộ binh mở cửa hàng rào. Nhưng do địa hình trống trải, hỏa lực của địch bắn rất mạnh suốt cả đêm, hàng rào vẫn chưa được mở.

Ngày 29/4, địch lại tăng viện quân đánh úp vào bên sườn của đội hình, cùng một lúc bộ đội ta phải đánh cả quân địch ở bên trong và bên ngoài của căn cứ.

Sáng 30/4, hàng rào đã được phá thông, quân ta tiến vào đánh chiếm căn cứ của địch. Quân địch tháo chạy, quân ta làm chủ căn cứ.

“Chúng tôi truy kích địch đến cầu Công Lý (cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất) thì có lệnh dừng lại không đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất nữa, vì đã có đặc công và đơn vị bạn chiếm lĩnh rồi. Tất cả vỡ òa sung sướng khi nghe tin thông báo Sài Gòn đã giải phóng, Chính phủ của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đã đầu hàng. Thế là từ đây đất nước đã thanh bình, hoàn toàn được giải phóng”, ông Đại xúc động kể.

Vỡ oà cảm xúc chiến thắng

nguyen-van-khanh.jpg
Ông Nguyễn Văn Khánh (bên phải) ở xã Thúc Kháng (Bình Giang) ôn lại kỷ niệm ngày đại thắng trên vùng đất Huế vừa giải phóng

“Nghe tin Sài Gòn giải phóng, khắp các ngả đường ở Huế cờ đỏ sao vàng rực trời, người dân đổ ra đường hát vang bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng. Bài hát vừa sáng tác nhưng đã lan truyền rộng rãi mà ai ai cũng thuộc, khắp nơi vang lên điệp khúc Việt Nam - Hồ Chí Minh, Việt Nam - Hồ Chí Minh… đầy tự hào”, ông Nguyễn Văn Khánh sinh năm 1940, quê ở xã Thúc Kháng (Bình Giang) nhớ lại.

Thời khắc lịch sử 30/4/1975, ông Khánh làm lái xe vận chuyển vũ khí, lương thực tham gia đoàn quân giải phóng đang dừng tại Huế.

tran-van-mich.jpg
Ông Trần Văn Mích nhớ lại ở quê nhà từng cùng toàn dân nô nức mừng chiến thắng trong nhiều ngày liền

Tại quê nhà Thúc Kháng khi ấy, ông Trần Văn Mích (sinh năm 1940) đang tham gia Đảng uỷ xã, làm Trưởng Ban Tổ chức. Ông nghe tin Sài Gòn giải phóng trên đài, từ cấp trên truyền về, rồi nhân dân truyền tin cho nhau. Trong không khí vui mừng phấn khởi, ngay trong ngày 30/4/1975, địa phương tổ chức mít tinh trọng thể ở UBND xã với sự tham gia của đông đảo người dân. "Đồng chí Trưởng ban tuyên giáo đã đọc thông tin từ huyện uỷ đưa về là chúng ta đã giành được chính quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, niềm vui vỡ oà trong nhân dân. Ngay sau lễ mít tinh, nhân dân tay cầm cờ đỏ sao vàng, chiêng trống diễu hành khắp các đường làng ngõ xóm hô vang khẩu hiệu chiến thắng…”, ông Mích kể.

Trong những năm tháng ấy, xã Thúc Kháng là điển hình của huyện chi viện cho chiến trường miền Nam. Mỗi năm, địa phương tuyển quân 3 lần, đóng góp cho chiến trường 300 tấn thịt lợn, 600 tấn thóc, luôn vượt chỉ tiêu cấp trên giao. Hợp tác xã Minh Tân của xã Thúc Kháng khi đó là lá cờ đầu của tỉnh trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao, tạo nguồn lực cho tiền tuyến.

Trong ngày vui giải phóng, Hợp tác xã Minh Tân còn mổ trâu, mổ lợn chia cho người dân ăn mừng ...

Tại các làng quê Hải Dương, tin chiến thắng được truyền đi nhanh chóng, mang theo niềm hân hoan khôn tả. Người dân tụ tập tại các sân đình, nhà văn hóa để nghe tin tức, chia sẻ niềm vui. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên khắp các con đường, biểu tượng cho sự đoàn kết và chiến thắng của dân tộc.

NGÂN HẠNH


Nguồn: https://baohaiduong.vn/nhung-cau-chuyen-ngay-giai-phong-409719.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh
TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm