BHG - Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định phát triển hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá. Ngày 22.12.2021, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 22 về đột phá kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 (Nghị quyết 22).
Theo Nghị quyết 22, giai đoạn 2021 – 2025, tập trung, ưu tiên các nguồn lực nâng cấp các tuyến đường tỉnh ĐT.176, ĐT.176B, ĐT.177, ĐT.178, ĐT.183, phấn đấu trong giai đoạn này hoàn thành tối thiểu 170 km đường cấp IV; đầu tư, hoàn thành nâng lên đường tỉnh tuyến đường kết nối thành phố Hà Giang - Kim Ngọc (Bắc Quang) nối với Quốc lộ 279, dài 55 km đạt tiêu chuẩn đường cấp IV; đầu tư các tuyến đường ra cửa khẩu để phát triển kinh tế biên mậu; đầu tư các tuyến đường tránh qua trung tâm thành phố Hà Giang, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang), thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên); quan tâm xây dựng các cầu lớn vượt sông để kết nối giao thông khu vực, khu kinh tế cửa khẩu, mở rộng đô thị.
Các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1). |
Đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, thực hiện Nghị quyết 22, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 191/KH-UBND chỉ đạo các sở, ngành chức năng và các đơn vị chủ đầu tư dự án triển khai quyết liệt các nội dung của nghị quyết. Tỉnh cũng đã xác định các dự án trọng điểm để xây dựng kế hoạch thực hiện, ưu tiên tuyến giao thông liên tỉnh, liên kết vùng, xử lý những điểm đen trên các tuyến quốc lộ; có kế hoạch cụ thể trong việc huy động nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông… Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 22, tỉnh ta đã đạt được những kết quả khả quan.
Thực hiện Kế hoạch số 191, toàn tỉnh triển khai 44 công trình giao thông trọng điểm trong giai đoạn 2021-2025. Đến nay, 43/44 dự án đã được khởi công, gồm các tuyến đường bộ, cầu vĩnh cửu, đường thủy nội địa... Nhiều công trình đã trở thành “mạch máu” giao thông kết nối những vùng sâu, vùng xa với trung tâm tỉnh, tạo điều kiện phát triển KT -XH và bảo đảm QP - AN.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua địa phận tỉnh với chiều dài hơn 27 km, quy mô hai làn xe, dự án đã giải ngân 100% kinh phí được cấp, đang thi công theo tiến độ. Giai đoạn hoàn chỉnh bốn làn xe đang nghiên cứu. Đây được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá mạnh mẽ trong kết nối vùng và thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường Bắc Quang - Xín Mần (ĐT.177) đưa vào khai thác góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội. |
Cùng đó, nhiều tuyến quốc lộ và đường tỉnh đã được cải tạo, nâng cấp như QL.279, QL.2, các tuyến ĐT.176, ĐT.177, ĐT.178, ĐT.183,... góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trục ngang - trục dọc của tỉnh. Một số tuyến bị sạt lở nghiêm trọng do thiên tai như QL.4C, QL.34 cũng đã được khắc phục nhanh chóng để đảm bảo lưu thông an toàn.
Không chỉ tập trung vào các tuyến quốc lộ hay cao tốc, tỉnh đặc biệt chú trọng đầu tư hệ thống giao thông nông thôn. Trong giai đoạn 2021-2025, 24 dự án đường huyện với tổng chiều dài gần 376 km được triển khai, trong đó 86,7 km đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các tuyến đường trục xã, trục thôn, nội đồng... đã được cứng hóa với tổng chiều dài đạt 1.438 km – vượt 50 km so với chỉ tiêu đề ra.
Việc đảm bảo 100% thôn biên giới có đường đạt chuẩn Nông thôn mới đến năm 2025 là mục tiêu đầy ý nghĩa, cả về kinh tế và quốc phòng. Tính đến nay, 85% số thôn biên giới đã có đường giao thông đạt chuẩn.
Tại các đô thị, tỉnh đầu tư 6 dự án đường giao thông, trong đó có đường Phùng Hưng đã hoàn thành. Các dự án còn lại đang trong quá trình điều chỉnh thiết kế, giải phóng mặt bằng và sẽ tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.
Đặc biệt, dự án cầu cứng và Đập dâng nước thành phố Hà Giang đang được triển khai với nhiều hạng mục đang được thi công đồng bộ như đê quây, đập tràn, tháp van cho đến hệ thống điện, trạm biến áp… Dự án này kỳ vọng sẽ cải thiện cảnh quan đô thị, điều tiết nguồn nước và phục vụ phát triển du lịch sinh thái.
Tuy nhiên, tỉnh vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ở một số nơi chưa đáp ứng được tiến độ do một bộ phận người dân chưa đồng thuận; việc xác định nguồn gốc đất tại một số khu vực cũng gặp vướng mắc do yếu tố lịch sử để lại. Ngoài ra, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là mưa, lũ kéo dài, ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ thi công tại nhiều công trình. Việc cạn kiệt nguồn vật liệu xây dựng tại một số mỏ đá cũng làm gián đoạn nguồn cung phục vụ các dự án.
Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, tỉnh ta đặt ra những định hướng rõ ràng, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền; huy động toàn xã hội tham gia thực hiện; đẩy mạnh tuyên truyền và phát huy vai trò người đứng đầu trong công tác chỉ đạo. Bên cạnh đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, siết chặt quản lý hành lang giao thông và kịp thời tháo gỡ các khó khăn phát sinh. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong khai thác, quản lý giao thông vận tải, góp phần hiện đại hóa hệ thống hạ tầng, tạo bước phát triển bền vững, toàn diện trong những năm tới.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202505/nhung-thanh-qua-trong-thuc-hien-dot-pha-ve-ket-cau-ha-tang-giao-thong-daa557c/
Bình luận (0)