Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những thành tựu qua 50 năm phát huy tinh thần đại thắng mùa xuân năm 1975

Việt NamViệt Nam30/04/2025


Sau 50 năm sau ngày giải phóng, tỉnh Bình Định từng bước vươn lên, phát triển về mọi mặt, từng bước trở thành một trong những trung tâm phát triển kinh tế-xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

1. Sau 28 ngày đêm, từ ngày 4 - 31.3.1975, với sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và phối hợp với Sư đoàn 3, quân và dân Bình Định dồn dập liên tục tiến công, đã đánh sụp, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ ngụy quyền, ngụy quân từ xã đến tỉnh, giải phóng hoàn toàn các địa phương trong tỉnh. 

Đông đảo đồng bào tham dự mít tinh mừng giải phóng tỉnh Bình Định. Ảnh tư liệu

Kết quả, ta thu hơn 20.000 súng các loại, có 47 pháo hạng nặng, 40 máy bay (có 20 máy bay phản lực), 200 xe quân sự (có 16 xe tăng và xe bọc thép); làm hơn 72.000 lính ngụy bị bị loại khỏi vòng chiến đấu; làm tan rã Sư đoàn 22, một thiết đoàn xe tăng và xe bọc thép, 6 tiểu đoàn pháo binh, 1 trung đoàn không quân; 20 tiểu đoàn địa phương của ngụy, 25 đại đội bảo an, biệt kích và cảnh sát; 6 đại đội, 420 trung đội dân vệ, và những người tham gia, phòng vệ dân sự bị tan rã hoàn toàn; ta đã bức rút, bức hàng 469 chốt, trong đó có 180 chốt do lực lượng quần chúng nhân dân trực tiếp tiến công.

Ngay sau khi giải phóng toàn tỉnh, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo các lực lượng lập tức động viên quân dân các địa phương khẩn trương, tích cực đóng góp nhân tài, vật lực phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam. 

Hàng trăm thanh niên trong tỉnh hăng hái lên đường bổ sung cho Sư đoàn 3 và tiến thẳng vào mặt trận phía Nam. Cảng Quy Nhơn đón hàng chục tàu chở các đơn vị của Quân đoàn II. Hàng trăm xe quân sự, xe vận tải, xe ca và hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, xăng dầu được huy động kịp thời cung cấp cho Quân đoàn II thần tốc hành quân vào Nam. 

Bình Định trở thành hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam Việt Nam, chi viện cho các chiến dịch để phát triển thế tiến công chiến lược của quân và dân ta, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30.4.1975. 

2. Phát huy tinh thần đại thắng mùa xuân năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị về bỏ khu, hợp tỉnh, từ tháng 11.1975 đến tháng 7.1989, là thời kỳ Bình Định và Quảng Ngãi hợp nhất thành tỉnh Nghĩa Bình. 

Quy hoạch xác định xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung. Ảnh: N.D

Trong 10 năm đầu (1975-1985), nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình là lãnh đạo tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội trên địa bàn Bình Định và Quảng Ngãi. Sau ba năm (1986-1989), triển khai thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong bước chuyển đi lên, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng. 

Chặng đường gần 40 năm tiếp theo (1989-2024) là thời kỳ Đảng bộ tỉnh Bình Định được tái lập, Đảng bộ Bình Định luôn lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị. Đó là:

Qua 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ năm 1986 đến nay, trải qua 8 kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh đã kiên định thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội từng bước được hiện thực hóa trên mảnh đất Bình Định. 

Từ khi tái lập tỉnh (tháng 7.1989) đến nay, Đảng bộ tỉnh đã kịp thời ban hành những chủ trương và quyết sách sát đúng, phù hợp với thực tiễn của địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh từng bước đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu; khai thác tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của tỉnh; đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa được nhiều kết quả toàn diện, nổi bật. 

Chính quyền các cấp trong tỉnh liên tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và thực hiện tinh giản biên chế; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực, đặc biệt là kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho cán bộ, công chức. Công tác cải cách hành chính, thực thi công vụ và đạo đức công vụ được đẩy mạnh, cùng với các giải pháp cải thiện thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PAR Index và SIPAS của tỉnh; không ngừng nâng cao sự hài lòng của người dân, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Sau ngày quê hương Bình Định toàn thắng, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo từ một tỉnh nghèo, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội lạc hậu, đời sống người dân khó khăn, thiếu thốn; đến nay, Bình Định đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển. 

Bình Định đã xây dựng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiên trì tổ chức thực hiện 5 trụ cột tăng trưởng và 3 khâu đột phá để phát triển kinh tế của tỉnh. Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XX của Đảng bộ tỉnh, kinh tế của tỉnh đã đạt nhiều thành tựu đáng kích lệ, quy mô nền kinh tế của tỉnh từ vị trí thứ 7/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đầu nhiệm kỳ, đến cuối năm 2024 đã vươn lên thứ 5/14 địa phương và hiện xếp thứ 25/63 địa phương cả nước; thu ngân sách năm 2024 đạt trên 16.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,78%; xếp thứ 26/63 địa phương cả nước, thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 2/5 địa phương tiểu vùng Trung Trung bộ. 

Đảng bộ tỉnh Bình Định xác định tăng trưởng kinh tế là động lực cơ bản thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội. Đến nay, an sinh xã hội của người dân được đảm bảo, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo bền vững và các vấn đề xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đời sống văn hóa, thông tin - truyền thông, thể dục - thể thao của của người dân ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2024 còn 1,01%, giảm 2,12% so với cùng kỳ, thấp hơn mức bình quân cả nước (1,93%). 

Giáo dục được đổi mới, chất lượng nâng cao, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,13%. Khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu của tỉnh hiện nay đã trở thành động lực phát triển của tỉnh, hệ sinh thái khởi nghiệp, tinh thần khởi nghiệp bằng đổi mới sáng tạo được thúc đẩy mạnh mẽ. Khu đô thị Khoa học Quy Hòa với nòng cốt là Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành  trở thành điểm đến tin cậy của các nhà khoa học trong và ngoài nước; Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ từng bước hình thành. 

Thành tựu sau 50 năm ngày giải phóng, Bình Định đã xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc; quan hệ hợp tác giữa tỉnh với các tổ chức, các địa phương trong nước, trong khu vực và trên thế giới đạt được nhiều kết quả. Các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường, giao lưu văn hóa, hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hóa và con người Bình Định được tăng cường. 

3. Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp cách mạng do Đảng bộ tỉnh Bình Định lãnh đạo trong 50 năm qua là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng bộ, của quân và nhân dân Bình Định. 

Trong 5 trụ cột phát triển, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0.

- Trong ảnh: Các tập đoàn, DN nước ngoài tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định. Ảnh: TIẾN SỸ

Thời gian đến, Đảng bộ tỉnh Bình Định tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch, kết luận, quy định của Trung ương về phát triển kinh tế-xã hội, tinh gọn bộ máy, nhất là công tác tổ chức xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp, phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành một trong những trung tâm phát triển kinh tế-xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

TS. NGUYỄN HUỲNH HUYỆN



Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=1&mabb=355171

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh
TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm