Diện mạo nông thôn mới ở bản Suối Tút.
Với khả năng chống chịu được thời tiết khắc nghiệt, cây ngô - giống cây bảo đảm an ninh lương thực cho người dân vùng cao, bám lấy những triền đồi, sườn núi hệt như tấm thảm xanh non nuôi sống những bản làng. Đều đặn cứ đến mùa, người dân trong huyện cùng nhau tra hạt, vun xới rồi thu ngô về phơi vàng góc sân. Khi người dân địa phương ý thức được muốn nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững phải đổi mới tư duy sản xuất. Cùng với ngô, các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây dược liệu... có giá trị kinh tế cao đã bén rễ trên nhiều vùng đồi của huyện.
Trong ngôi nhà to nhất bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, ông Phan Văn Liều tự hào cho biết mình là một trong những người đầu tiên ở Mường Lát đưa cây cam từ Lào về trồng. Năm 2015, ông sang Lào ăn cưới người quen thì được thưởng thức cam bản địa. Ông ấn tượng bởi vị ngọt thanh, thơm mát của cam Lào. Ông liền hỏi han, tìm cách mang giống cam này về trồng. Ông nghĩ, xã Quang Chiểu chỉ cách biên giới nước bạn Lào hơn 10km, thổ nhưỡng, khí hậu tương đối giống nhau. Giống cam trồng ở Lào chắc chắn cũng sẽ sinh trưởng, phát triển tốt ở bên kia biên giới. Sau 7 năm miệt mài nhân giống, chăm sóc, cuối cùng những cây cam đầu tiên cũng đơm hoa, kết trái. Từ vài chục gốc cam trồng thử nghiệm, gia đình ông đã có 2.000 gốc, trong đó hơn 700 cây đang cho thu hoạch. Ngoài trồng cam, gia đình ông còn chăn nuôi 10 con bò, trồng lúa trên nương. Sản xuất hiệu quả đã giúp gia đình ông Liều có nguồn thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo.
Nhờ sự tiên phong của ông Liều, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã lan rộng trong bản Suối Tút. Cả bản hiện có hơn 30ha cam. Nguồn thu nhập từ trồng cam đã giúp cho bao hộ dân bản Suối Tút có cuộc sống khấm khá hơn. Tính hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của bản đạt 37 triệu đồng. Từ 100% hộ nghèo cách đây gần 10 năm, giờ bản hiện chỉ còn 3/28 hộ nghèo. Trưởng bản Tặng Văn Lai cho biết: "Thu nhập của bà con tăng từng ngày, nhiều hộ dân đủ ăn rồi tiến lên khá giả. Con em của các gia đình đều đi học, không như trước kia nữa. Đầu năm 2025, bản đã về đích NTM và phấn đấu trở thành bản kiểu mẫu trong tương lai”.
Nguồn thu từ cây cam đã giúp cho nhiều hộ dân ở bản Suối Tút có cuộc sống khấm khá hơn.
“Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm được giống cây phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đã mở ra sinh kế lâu dài cho người dân, góp phần vào công cuộc giảm nghèo của huyện”, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mường Lát Trần Văn Thắng khẳng định. Căn cứ điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, phong tục tập quán, trình độ sản xuất của người dân, Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã định hướng, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện Mường Lát được phân thành 4 khu vực.
Nằm ở vùng 3, ngoài cây cam Lào, xã Quang Chiểu và Mường Chanh còn có nhiều điều kiện để phát triển cây lúa nếp Cay Nọi. Trong đó, xã Quang Chiểu đã dành 300ha trong tổng 400ha đất nông nghiệp để trồng lúa nếp Cay Nọi. Dù chỉ trồng 1 vụ trong năm nhưng giống lúa này lại có giá bán khá cao, mang lại cho người dân các địa phương nguồn thu nhập ổn định. Sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân lợi nhuận đạt hơn 42 triệu đồng/ha/vụ. Vì thế, lúa nếp Cay Nọi được xem là cây lương thực chủ lực của Mường Lát.
Xuôi về xã Trung Lý, Pù Nhi, cấp ủy, chính quyền địa phương đang tổ chức triển khai cho người dân tập trung trồng măng tre bát độ, trẩu. Có 10ha đất rừng sản xuất, nhiều năm qua gia đình anh Thao Văn Cụa ở bản Kéo Té, xã Nhi Sơn loay hoay với câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì. Năm 2024, khi huyện Mường Lát có chủ trương hỗ trợ trồng rừng sản xuất từ nguồn vốn xã hội hóa, gia đình anh đã mạnh dạn đăng ký trồng gần 3ha cây trẩu và gần 200 gốc măng tre bát độ. Anh Cụa hy vọng, trẩu sẽ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Nhi Sơn và cho hiệu quả kinh tế cao. Bởi cây trẩu có khả năng thích nghi cao, chịu được hạn, kể cả trên diện tích đất cằn cỗi, độ dốc lớn. Mặt khác, đây là cây tạo được nguồn sinh thủy, có tác dụng cải thiện môi trường, phòng hộ hiệu quả. Vì thế, Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Lát đang tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về việc phát triển cây trẩu trên địa bàn. Theo kế hoạch, năm 2025 huyện Mường Lát sẽ trồng 500ha cây trẩu trên diện tích đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại 8/8 xã, thị trấn.
Ông Phan Văn Liều là một trong những người đầu tiên ở huyện Mường Lát đưa cây cam từ đất nước Lào về trồng.
Dù còn bộn bề khó khăn, nhưng với quyết tâm cao của cấp ủy đảng, chính quyền và ý chí tự lực cánh sinh vươn lên thoát nghèo từ đồng bào các dân tộc địa phương, tin rằng không có rặng núi, ngọn đồi nào mà họ không thể vượt qua. Một tương lai tươi đẹp sẽ không còn xa với người dân trên mảnh đất biên cương Mường Lát.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/noi-ay-dau-chi-co-nuong-ngo-245705.htm
Bình luận (0)