Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nông dân tiên phong ứng dụng công nghệ ở Lý Sơn

(Baoquangngai.vn)- Hiểu rõ những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do điều kiện tự nhiên ở huyện Lý Sơn, ông Nguyễn Thành Dũng (52 tuổi) ở thôn Đông An Vĩnh đã tìm cách vượt khó, ứng dụng khoa học công nghệ để trồng hành, tỏi hiệu quả. Đồng thời, giúp hơn 200 hộ dân khác có nước sản xuất và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Báo Quảng NgãiBáo Quảng Ngãi04/05/2025

(Baoquangngai.vn)- Hiểu rõ những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do điều kiện tự nhiên ở huyện Lý Sơn, ông Nguyễn Thành Dũng (52 tuổi) ở thôn Đông An Vĩnh đã tìm cách vượt khó, ứng dụng khoa học công nghệ để trồng hành, tỏi hiệu quả. Đồng thời, giúp hơn 200 hộ dân khác có nước sản xuất và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
 
Tiên phong đầu tư hệ thống tưới hiện đại
 
Ông Nguyễn Thành Dũng có hơn 20 sào đất nông nghiệp chuyên sản xuất hành, tỏi. Trước đây, ông cũng tưới nước cho cây theo phương pháp truyền thống là sử dụng ống mềm, kéo lê trên mặt ruộng để tưới.
 
Cách làm này vừa tốn thời gian, tốn sức lao động. Mặt ruộng hành, tỏi không được tưới nước đều, chỗ thừa nước, chỗ lại thiếu do việc tưới nước đều được làm thủ công. Nguồn nước ở Lý Sơn không dồi dào, nhất là mùa nắng nóng, người nông dân phải đi mua nước để tưới cây với giá từ 70 - 100 nghìn đồng/giờ.
 
Ông Nguyễn Thành Dũng là một trong những nông dân đi tiên phong trong đầu tư hệ thống tưới nước hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp ở huyện Lý Sơn.
Ông Nguyễn Thành Dũng là một trong những nông dân tiên phong đầu tư hệ thống tưới nước hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp ở huyện Lý Sơn.
 
Từ cái khó này, ông Dũng đã quyết tâm cải tạo hệ thống tưới hiệu quả hơn. Cách đây 10 năm, khi việc sử dụng hệ thống béc phun trong tưới tiêu vẫn còn lạ lẫm ở huyện đảo, ông Dũng là người tiên phong đầu tư hệ thống này.
 
“Tôi vào đất liền, đi học hỏi cách làm ở nhiều cánh đồng hoa màu có sử dụng béc phun và thấy rõ hiệu quả của hệ thống mới mang lại. Khi trở lại Lý Sơn, tôi đã quyết định đầu tư 4 - 5 triệu đồng/sào để thuê người lắp đặt hệ thống béc phun trên diện tích đất trồng hành, tỏi của gia đình. Lúc bấy giờ, ai cũng nói tôi làm vậy là phí tiền vô ích”, ông Dũng kể lại. 
 
Mặc cho nhiều người ngăn cản, ông Dũng vẫn làm theo cách mới, đặt ống phun cách nhau từ 2 - 2,5m, đảm bảo khi tưới, nước phun giáp nhau, để hành, tỏi được nhận nước tưới đều. Phương pháp này cung cấp nguồn nước tưới cho cây kịp thời, không bị úng, cũng không bị thiếu nước.
 
Nhờ có hệ thống tưới tiện ích, diện tích trồng hành, tỏi của gia đình ông Dũng thường xuyên cho năng suất cao.
Nhờ có hệ thống tưới tiện ích, diện tích trồng hành, tỏi của gia đình ông Dũng thường xuyên cho năng suất cao.
 
“Tưới béc phun giúp cây trồng có điều kiện phát triển tốt hơn, bộ rễ mọc đều xung quanh, hút nhiều dinh dưỡng và giúp hành, tỏi đứng vững, không đổ ngã như phương pháp tưới truyền thống. Khi tưới, chỉ cần vài động tác đơn giản, sẽ thực hiện hoàn tất các khâu cần thiết để tưới, hiệu quả kinh tế rõ ràng”, ông Dũng chia sẻ. 
 
Từ thành công bước đầu của ông Dũng, nhiều hộ nông dân khác đã đến học hỏi và đầu tư hệ thống tưới nước mới. Hiện 100% diện tích nông nghiệp ở Lý Sơn đều được tưới tiêu bằng béc phun. Không còn quá vất vả như trước đây, việc trồng hành, tỏi ở Lý Sơn ngày nay đã nhàn nhã hơn nhiều từ kỹ thuật tưới phun hiện đại và tiện ích. Nhờ đó, không những năng suất, sản lượng hành, tỏi tăng mà còn tạo lợi nhuận do giảm chi phí nhân công, lao động; tiết kiệm điện, nước.
 
Chủ động tìm nguồn nước ổn định để sản xuất
 
Ông Dũng tâm sự, ở Lý Sơn phần lớn thanh niên trai tráng đều chọn nghề biển - nghề truyền thống của cư dân vùng biển. Từng một thời ra khơi trên những con tàu gỗ lớn, nhưng làm ăn không thuận lợi, ông đổi hướng về quê làm nông và gắn bó với nghề hơn 30 năm nay.
 
Từ 1 - 2 sào đất nông nghiệp ban đầu, ông Dũng đã mở rộng trồng hơn 20 sào hành, tỏi và thu hoạch về hàng chục tấn sản phẩm mỗi năm.
Từ 1 - 2 sào đất nông nghiệp ban đầu, ông Dũng đã mở rộng trồng hơn 20 sào hành, tỏi và thu hoạch về hàng chục tấn sản phẩm mỗi năm.
 
Lúc mới bắt đầu, ông chỉ trồng hành, tỏi trên diện tích 1 - 2 sào đất. Nhưng càng gắn bó với cây hành, cây tỏi, ông lại càng đam mê, yêu thích sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của quê hương và muốn lan tỏa, giới thiệu thương hiệu hành, tỏi Lý Sơn rộng khắp trong và ngoài tỉnh.
 
Ông vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm từ thực tế, từ internet và áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất cây trồng. Hiểu rõ sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn, điều khó khăn nhất chính là thiếu nguồn nước tưới, cách đây 15 năm, ông Dũng đã mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng để khoan giếng, bắt mạch nước ngầm để tưới cây.
 
Với hơn 20 sào đất nông nghiệp hiện tại, mỗi năm ông Dũng thu hoạch hơn 20 tấn hành và 3 - 4 tấn tỏi. Đây là một trong những hộ nông dân sản xuất trên diện tích đất lớn nhất và đạt hiệu quả cao ở huyện Lý Sơn. 
 
Để cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho gia đình và hơn 200 hộ dân ở Lý Sơn, ông Dũng đã đầu tư giếng khoan, chủ động tìm nguồn nước ổn định.
Để cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho gia đình và hơn 200 hộ dân ở Lý Sơn, ông Dũng đã đầu tư giếng khoan, chủ động tìm nguồn nước ổn định.
 
Ngoài việc đảm bảo nguồn nước sản xuất cho gia đình, hiện ông Dũng đang cung cấp nước tưới cho hơn 200 hộ dân ở Lý Sơn. Giữa thời tiết nắng gắt, nhiều khu vực ở Lý Sơn thiếu nước sản xuất, khu vực giếng khoan của ông Dũng vẫn dồi dào đủ cung cấp tưới cây cho những ruộng hành, tỏi. 
 
Ông Trần Kim Bửu ở thôn Đông An Vĩnh cho biết, gia đình tôi có 3 sào trồng hành, tỏi. Vì chi phí đầu tư giếng khoan lớn nên tôi không làm mà nhờ ông Dũng cho thuê giếng, hỗ trợ nước tưới. Nhờ vậy, tôi không bị thiếu nước trong sản xuất.
 
Ông Nguyễn Thành Dũng tạo việc làm cho 3 - 5 lao động với thu nhập khá.
Ông Nguyễn Thành Dũng đang tạo việc làm cho 3 - 5 lao động với thu nhập khá.
 
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, ông Dũng còn tạo việc làm cho 3 - 5 lao động địa phương. Bà Phạm Thị Tùng hơn 60 tuổi, ở thôn Đông An Vĩnh chia sẻ, 5 năm qua, bà làm các công việc thời vụ cho gia đình ông Dũng như: Làm đất, xuống giống hành, tỏi, nhổ cỏ, bón phân, thu hoạch,… “Tôi được ông Dũng tạo việc làm đều đặn quanh năm, tiền công 300 nghìn đồng/ngày. Với mức thu nhập này, tôi có đủ tiền để trang trải các chi phí hàng ngày, nên cuộc sống đỡ vất vả”, bà Tùng bộc bạch.
 
Bản lĩnh, không ngại áp dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, ông Dũng không chỉ tạo thu nhập tốt cho gia đình mà còn giúp nhiều hộ dân ở địa phương cùng phát triển kinh tế.
 
Bài, ảnh: T.PHƯƠNG – K.NGÂN
 

 

Nguồn: https://baoquangngai.vn/kinh-te/nong-nghiep/202505/nong-dan-tien-phong-ung-dung-cong-nghe-o-ly-son-66c066d/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạp chí danh tiếng tiết lộ những điểm đến đẹp nhất Việt Nam
Rừng Tà Kóu tôi đi
Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm