Sáng ngày 18/4, tại Hội trường Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học "50 năm văn học, nghệ thuật Đồng Tháp sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025); những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển" (Hội thảo). Đồng chí Trần Trí Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh dự và phát biểu khai mạc. Ban Biên tập Trang Thông tin điện tử Tuyên giáo và Dân vận Đồng Tháp trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát biểu khai mạc của đồng chí Trần Trí Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh.
Đồng chí Trần Trí Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh phát biểu khai mạc Hội thảo
Kính thưa: Các vị đại biểu, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ!
Thực hiện Kế hoạch số 390-KH/BTGTW ngày 15/11/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025), Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Kế hoạch số 224-KH/TU ngày 31/01/2024 về tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm văn học, nghệ thuật Đồng Tháp sau ngày đất nước thống nhất. Hội thảo khoa học hôm nay là một trong các chuỗi hoạt động của Tỉnh gắn với kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thay mặt lãnh đạo Tỉnh, tôi gửi đến các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Học viện Chính trị khu vực IV, các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ và quý đại biểu lời chúc sức khoẻ và lời chào mừng nồng nhiệt nhất!
Thưa quý vị đại biểu!
Đồng Tháp sở hữu hệ thống sông ngòi và nguồn nước phong phú, được bao bọc bởi sông Tiền và sông Hậu - hai nhánh lớn của hệ thống sông Mê Kông, diện tích tự nhiên 3.384 km2, gồm 03 thành phố và 09 huyện. Đồng Tháp được xem là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với các sản phẩm: Lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái, hoa kiểng..., là địa phương có bề dày về truyền thống lịch sử - văn hoá, từ đó có nhiều di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia, cấp Tỉnh, nhiều di sản văn hoá phi vật thể được công nhận như: Hò Đồng Tháp, làng nghề dệt chiếu Định Yên, làng nghề đóng xuồng Long Hậu, làng nghề dệt khăn choàng Long Khánh, làng nem Lai Vung… với những yếu tố tự nhiên và yếu tố lịch sử - văn hoá đã tạo điều kiện thuận lợi cho Tỉnh khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, ngày 17/02/2023, Tỉnh uỷ Đồng Tháp đã ban hành Chương trình hành động số 48-CTr/TU đề ra mục tiêu phát triển đến năm 2030 các chỉ số phát triển kinh tế chủ yếu xếp trong nhóm 05 địa phương dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đạt trên mức trung bình của cả nước. Xếp trong nhóm dẫn đầu vùng về chuyển đổi số và một số lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế. Phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ với tốc độ tăng trưởng cao và làm đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển toàn diện thuộc nhóm khá của cả nước. Hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Mục tiêu phát triển đến năm 2030 là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Đồng Tháp phát triển cân bằng, toàn diện và bền vững.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này (2020 - 2025), Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá XI ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 31/12/2021 về xây dựng văn hoá và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Quan điểm, mục tiêu của tỉnh Đồng Tháp là xây dựng văn hoá và con người Đồng Tháp vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, thống nhất trong đa dạng, kế thừa, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc và mang bản sắc, đặc trưng Đồng Tháp. Tỉnh xác định những giá trị chuẩn mực con người Đồng Tháp trong giai đoạn hiện nay: "Yêu nước, đoàn kết, trung thực, tự lực, chăm chỉ, hợp tác, nghĩa tình, năng động, sáng tạo". Đó là, những kết tinh từ lịch sử, văn hoá, con người Đồng Tháp đang được gìn giữ, bổ sung và phát triển.
- Thưa quý đại biểu!
Trong sự nghiệp đổi mới và phát triển quê hương, Đồng Tháp khai thác hiệu quả lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, dấu ấn nổi bật là công cuộc chinh phục, khai phá thành công Đồng Tháp Mười, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ vùng đất ngập sâu, nhiễm phèn, hoang hoá, trở thành vùng đất trù phú; đồng lúa từ sản xuất lúa mùa 01 vụ sang sản xuất lúa 03 vụ chất lượng cao, sản lượng lúa đạt trên 3,3 triệu tấn (cuối năm 2024), đứng thứ ba khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực và xuất khẩu có giá trị sản xuất ước đạt 17.572 tỷ đồng, tăng 11,8%. Hạ tầng giao thông, đô thị được quan tâm, tạo điều kiện kết nối giao thương đi lại của người dân. Bộ mặt đô thị nông thôn có chuyển biến tích cực, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân hàng năm đạt 6,44%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt trên 77,55 triệu đồng. Là địa phương đi đầu cả nước về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 16 năm liên tiếp tỉnh Đồng Tháp nằm trong nhóm 05 địa phương có năng lực cạnh tranh cao nhất nước. Năm 2024, Đồng Tháp vinh dự là 01 trong 03 Tỉnh xuất sắc trên toàn quốc nhận danh hiệu "Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp". Tỉnh thay đổi tư duy mới chuyển từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp", đã triển khai 161.000 ha, tham gia thực hiện Đề án 01 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải và tiếp tục tiên phong nghiên cứu xây dựng Đề án tổng thể "Xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" nhằm phát triển mạnh chuỗi giá trị ngành hàng, áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, chuyển đổi số tạo ra nền nông nghiệp sinh thái bền vững, minh bạch, trách nhiệm và thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với phát triển nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
Kính thưa quý đại biểu !
Từ những ngày đầu sau giải phóng, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, những người nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ đã vượt qua khó khăn, cầm bút, cầm đàn, để ghi lại những hình ảnh thực chất nhất về cuộc sống, về con người Đồng Tháp - Một vùng đất không chỉ nổi tiếng với những cánh đồng lúa xanh mướt, những vườn trái cây nặng trĩu, những dòng sông uốn lượn, mà còn là nơi lưu giữ giá trị văn hoá truyền thống phong phú.
Trong suốt 50 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của văn học nghệ thuật Đồng Tháp. Những tác tác phẩm văn học, những bức tranh, những bản nhạc đã phản ánh sâu sắc tâm tư tình cảm của người dân nơi đây. Từ những bài thơ giản dị nhưng đầy chất thơ của các nhà thơ, đến những tác phẩm văn học mang đậm văn hoá vùng miền, tất cả đều góp phần tạo nên một bức tranh đa sắc màu về cuộc sống, con người Đồng Tháp.
Chúng ta không thể không nhắc đến những tên tuổi lớn đã gắn bó với văn học nghệ thuật Đồng Tháp. Họ là những người đã dành trọn tâm huyết, thời gian và sức lực để cống hiến cho nghệ thuật. Những tác phẩm của họ không chỉ là sản phẩm của sự sáng tạo, mà còn là những thông điệp sâu sắc về tình yêu quê họ, khát vọng sống, và niềm tin vào tương lai. Họ đã chạm đến trái tim bao thế hệ, khắc sâu vào tâm trí người đọc và người thưởng thức.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại, khi mà văn hóa và nghệ thuật đang đối mặt với nhiều thách thức, chúng ta càng phải nỗ lực hơn nữa để bảo tồn và phát triển những giá trị đặc sắc của quê hương. Chúng ta cần khuyến khích sự sáng tạo, tạo điều kiện cho các tài năng trẻ được phát triển, đồng thời kết nối với các văn hoá khác để làm phong phú thêm cho văn học nghệ thuật Đồng Tháp.
Tôi tin rằng với sự đồng lòng, quyết tâm của tất cả chúng ta, Văn học nghệ thuật Đồng Tháp sẽ tiếp tục vươn xa, không chỉ trong nước mà còn ra thế giới. Chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng môi trường sáng tạo, nơi mà các ý tưởng mới mẻ được chào đón, nơi mà các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ có thể tự do thể hiện bản thân và cống hiến cho đời sống văn hoá nghệ thuật.
Nhân dịp này, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến cấp lãnh đạo, các tổ chức, cá nhân đã đồng hành và hỗ trợ cho sự phát triển của Văn học nghệ thuật Đồng Tháp trong suốt 50 năm qua. Sự quan tâm và đầu tư của quý vị chính là động lực để chúng tôi tiếp tục phấn đấu, sáng tạo và cống hiến.
Cuối cùng, tôi xin chúc cho văn học nghệ thuật Đồng Tháp ngày càng phát triển, gặt hái được nhiều thành công hơn trong tương lai. Chúc cho các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ luôn tràn đầy cảm hứng sáng tạo, mang đến cho đời sống văn học nghệ thuật những tác phẩm ý nghĩa và giá trị.
Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo và lãnh đạo Tỉnh, Tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo.
Chân thành cảm ơn Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong và ngoài Tỉnh đã dành những tình cảm đặc biệt đối với tỉnh Đồng Tháp. Kính chúc các đồng chí luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!
Ban Biên tập Trang Thông tin điện tử Tuyên giáo và Dân vận Đồng Tháp
Nguồn: https://btg.dongthap.gov.vn/web/btg/chi-tiet-bai-viet/-/asset_publisher/1mOzUrGkrdAE/content/id/23398849?plidlayout=6888
Bình luận (0)