Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát huy mô hình, cách làm hay từ Ðề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao

Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao (CLC), phát thải thấp (PTT) gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (Đề án) đã mang lại nhiều kết quả tích cực sau một năm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Đề án vẫn còn gặp không ít khó khăn và trở ngại. Do vậy, cùng với việc tiếp tục phát huy các mô hình, giải pháp và cách làm hay để đẩy mạnh thực hiện Đề án, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) cùng với các cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương cũng quan tâm hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp và các bên có liên quan kịp thời tháo gỡ các khó khăn.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ19/04/2025

Mô hình canh tác lúa CLC và PTT được thực hiện trong vụ đông xuân 2024-2025 tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Kết quả tích cực

Qua một năm triển khai, Đề án đã khẳng định tính đúng đắn, cần thiết và bước đầu mang lại những kết quả rất đáng ghi nhận trong việc chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thói quen trong sản xuất lúa gạo của bà con nông dân đã dần thay đổi theo hướng tăng giá trị, giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Đề án được các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển quan tâm, đồng hành, hỗ trợ về kỹ thuật, tín dụng và phát triển thị trường. Các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và bà con nông dân đã chú trọng hơn đến liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển đổi sang quy trình canh tác bền vững (như quản lý nước tưới tiên tiến, sử dụng phân bón hợp lý, xử lý rơm rạ…) và được áp dụng ngày càng rộng rãi, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam gắn với CLC, PTT và bảo vệ môi trường.

Để có mô hình nhằm làm điểm nhân rộng thực hiện Đề án, từ vụ hè thu 2024, Bộ NN&MT đã phối hợp cùng địa phương và các bên có liên quan triển khai 7 mô hình thí điểm cấp trung ương tại 5 tỉnh, thành gồm TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang. Kết quả, đã mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế và môi trường. Theo Bộ NN&MT, các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2% đến 24,2% nhờ giảm 30-50% lượng giống, tiết kiệm 30-70kg phân bón/ha, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và cắt giảm 30-40% lượng nước tưới. Đồng thời, năng suất tăng 2,4-7%, thu nhập của nông dân tăng 12-50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống. Nông dân được doanh nghiệp bao tiêu mua lúa với giá cao hơn bên ngoài. Mô hình đã giúp giảm phát thải khí nhà kính, với mức giảm từ 2-12 tấn CO₂ tương đương/ha.

Với những kết quả tích cực mang lại, các mô hình thí điểm đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ nông dân, HTX và các bên liên quan. Trên cơ sở đó, Bộ NN&MT đã thống nhất chủ trương với các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình ra khắp 12 tỉnh, thành tham gia đề án, hướng tới mục tiêu xây dựng nền sản xuất lúa CLC, thân thiện môi trường và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế. Theo đó, 5 địa phương có mô hình thí điểm của trung ương đã chủ động mở rộng, triển khai 53 mô hình, với diện tích 3.653ha trong vụ đông xuân 2024-2025. Còn các tỉnh chưa có mô hình của trung ương (như Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang và Bạc Liêu) cũng triển khai xây dựng 48 mô hình thực hiện đề án, với diện tích hơn 865ha…

Tiếp tục phát huy

Tại TP Cần Thơ, Bộ NN&MT vừa tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Đề án nhằm rà soát, đánh giá những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc và định hướng các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để đạt được mục tiêu đã đề ra của đề án. Tại hội nghị này, nhiều đại biểu cho rằng, dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực ban đầu nhưng quá trình triển khai đề án vẫn còn các khó khăn, trở ngại cần được tháo gỡ  kịp thời để đảm bảo tiến độ và hiệu quả triển khai. Các cơ quan chức năng cần quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn cho nông dân và các bên liên quan. Hỗ trợ và khuyến khích nông dân, doanh nghiệp, HTX tăng cường liên kết theo chuỗi để triển khai các mô hình, dự án và cách làm hay nhằm sớm đạt được mục tiêu có 1 triệu héc-ta lúa  CLC và PTT gắn với sản phẩm gạo có thương hiệu.

Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Tiến Thuận ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho rằng: “Để nhân rộng mô hình, nông dân rất cần Nhà nước có hỗ trợ thêm về vốn để đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng và máy móc, công nghệ phục vụ sản xuất lúa và thu gom, xử lý rơm rạ. Từ vụ hè thu 2024, HTX đã tham gia thực hiện mô hình thí điểm với diện tích 50ha và đã duy trì thực hiện trong các vụ lúa thu đông 2024 và đông xuân 2024-2025. Hiệu quả mang lại ngoài sức tưởng tượng, nông dân đã giảm 50% lượng sử dụng giống, giảm mạnh lượng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới… mà năng suất, chất lượng lúa lại được nâng cao, đồng thời gia tăng thu nhập từ việc đưa rơm ra khỏi đồng trồng nấm rơm và làm phân bón hữu cơ”. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&MT, nhận thức về đề án giữa các địa phương chưa đồng đều. Dù đề án đã bước đầu được triển khai mang lại hiệu quả nhưng có địa phương vẫn chưa thực sự hiểu rõ nội dung cốt lõi và phương thức triển khai đề án nên còn lúng túng. Một số địa phương tập trung quá nhiều vào tín chỉ carbon mà chưa chú trọng đến sản xuất bền vững, giảm chi phí. Hạ tầng thủy lợi tại nhiều nơi chưa được đầu tư đồng bộ để áp dụng tốt giải pháp kỹ thuật canh tác lúa theo Đề án. Nhận thức của doanh nghiệp và nông dân còn hạn chế, liên kết sản xuất còn yếu. Nguồn lực đầu tư cho Đề án còn hạn chế, chủ yếu từ ngân sách địa phương, doanh nghiệp và một phần từ Trung ương, việc huy động thêm các nguồn tài chính bổ sung còn gặp khó.

Cần Thơ đã được Bộ NN&MT chọn thực hiện mô hình thí điểm đầu tiên triển khai Đề án với diện tích 50ha tại Vĩnh Thạnh từ vụ hè thu 2024. Đến vụ đông xuân 2024-2025, thành phố đã triển khai 6 mô hình nhân rộng tại 3 huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai, với diện tích 170ha. Các mô hình đều giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải, tăng lợi nhuận cho nông dân… Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, năm 2025, thành phố tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng vùng thực hiện Đề án, mở rộng lên diện tích khoảng 35.000ha. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể huy động các nguồn lực thực hiện đề án giai đoạn 2026-2030. Để thực hiện đề án đạt hiệu quả, Cần Thơ kiến nghị Bộ NN&MT và các bộ, ngành sớm và tiếp tục quan tâm triển khai dự án đầu tư hạ tầng của Đề án, đây là cơ sở giúp người trồng lúa có điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quản sản xuất.

Ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ NN&MT đề nghị các địa phương khẩn trương phê duyệt Đề án, dự án của địa phương mình kèm theo các chính sách hỗ trợ theo thẩm quyền và khả năng của địa phương để hỗ trợ bà con nông dân, các doanh nghiệp, HTX sớm mở rộng diện tích tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa để đạt được mục tiêu như đã đăng ký với Bộ NN&MT và với Chính phủ. Các doanh nghiệp, HTX liên kết chặt chẽ với các địa phương và bà con nông dân để hình thành các chuỗi liên kết bền vững từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp và nông dân để triển khai Đề án…

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nguồn: https://baocantho.com.vn/phat-huy-mo-hinh-cach-lam-hay-tu-e-an-1-trieu-hec-ta-chuyen-canh-lua-chat-luong-cao-a185574.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm