Đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân
Chiến thắng 30-4 là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Trong suốt chặng đường đã qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu không ngừng nỗ lực, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Quy mô kinh tế ngày càng phát triển, tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-2024 tăng bình quân 6,74%/năm; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người năm 2024 đạt 70,66 triệu đồng/năm... Phát triển công nghiệp, trọng tâm là năng lượng tái tạo đã đạt nhiều kết quả quan trọng, duy trì hoạt động sản xuất 8 dự án điện gió với sản lượng đạt khoảng 1.358 triệu kWh. Ngành du lịch cũng được phục hồi và phát triển khá. Hiện toàn tỉnh có 12 điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long, được công nhận là tỉnh có nhiều điểm du lịch nhất trong các tỉnh, thành phố của khu vực...
Thời gian tới, Bạc Liêu tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, xây dựng để trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, thích ứng với biến đổi khí hậu; trở thành trung tâm năng lượng sạch của quốc gia; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, xã hội phát triển hài hòa, đời sống nhân dân được nâng cao... Để hiện thực hóa tầm nhìn này, đến năm 2030, tỉnh sẽ tập trung vào các mục tiêu trọng tâm: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,5-10,5%/năm; thu nhập bình quân đạt khoảng 187 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng 17-18%/năm; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 2 tỷ USD; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 1%/năm.
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam thăm, động viên các khối tham gia diễu binh, diễu hành luyện tập tại Trường Quân sự Quân khu 7. Ảnh: VĂN HIẾU |
----------------------------------------------
Tiếp bước truyền thống cha anh
Ngày 3-2-1975, ngay khi đặt chân đến Tây Nguyên, Sư đoàn 316 nhận lệnh nhanh chóng chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng tham gia Chiến dịch Tây Nguyên-chiến dịch mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, với sức đột kích dũng mãnh, cách đánh táo bạo, linh hoạt, bất ngờ, Sư đoàn đã nhanh chóng làm chủ chiến trường, tiêu diệt địch, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Trong 5 cánh quân thần tốc của Chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 316 nằm trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn 3 tiến về Sài Gòn, cùng với các cánh quân làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 316 đã loại khỏi vòng chiến đấu 6.715 tên địch; đánh tan lực lượng cảnh sát, bảo an dân vệ, giải phóng nhiều ấp, xã từ Tây Ninh đến Phước Mỹ, bắn rơi 4 máy bay, thu và phá hủy nhiều vũ khí và trang bị của địch. Có thể khẳng định, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sư đoàn 316 đã từng bước trưởng thành, liên tục chiến đấu và chiến thắng.
Kế thừa và phát huy tinh thần Chiến thắng 30-4, trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng; mài sắc ý chí sẵn sàng chiến đấu; dân chủ, đoàn kết, kiên cường, sáng tạo, quyết thắng trong xây dựng, huấn luyện, học tập và công tác. Luôn tích cực đi đầu trong giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Qua đó góp phần viết tiếp những chiến công và thành tích mới, tô thắm thêm trang sử truyền thống vẻ vang “Trung thành-tự lực-đoàn kết-kiên cường-sáng tạo-chiến thắng” của Sư đoàn 316 anh hùng.
----------------------------------------------
Chú trọng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Những năm qua, Sư đoàn 968 đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, sinh hoạt chính trị tư tưởng, giúp cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về giá trị lịch sử, tầm vóc vĩ đại của Chiến thắng 30-4, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, những chiến công hiển hách và sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh.
Sư đoàn luôn chú trọng đa dạng hình thức tuyên truyền, kết hợp chặt chẽ giữa học tập chính trị tập trung với các hoạt động sinh động, như: Nói chuyện truyền thống, giao lưu với nhân chứng lịch sử, chiếu phim tư liệu, trưng bày, triển lãm tranh, ảnh; tổ chức các buổi tọa đàm, diễn đàn thanh niên... Bên cạnh đó, Sư đoàn tổ chức các phong trào thi đua cao điểm, kết hợp giáo dục với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy. Từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã huy động hàng nghìn ngày công, phương tiện, giống cây trồng, vật nuôi giúp các địa phương xây dựng nông thôn mới, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân, đối tượng chính sách, gia đình khó khăn... qua đó góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân dân. Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp trên, nhận thức chính trị của cán bộ, chiến sĩ không ngừng được nâng cao. Qua khảo sát nội bộ, 100% cán bộ, chiến sĩ đều hiểu rõ ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng 30-4, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều đồng chí đã phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong công tác, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; đơn vị luôn đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
----------------------------------------------
Huấn luyện bộ đội làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại
Là một trong những lực lượng được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ưu tiên xây dựng tiến thẳng lên hiện đại, những năm qua, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nói chung và Hải đoàn 21 nói riêng được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện tàu, thuyền, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đơn vị thường xuyên làm tốt công tác huấn luyện bộ đội sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị kỹ thuật được biên chế, tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp. Mặt khác, các tàu, thuyền của Hải đoàn có sự đa dạng về chủng loại, trang bị nên đơn vị đã áp dụng hình thức huấn luyện đổi nhiệm để bộ đội không chỉ nắm trang bị, phương tiện của tàu mình mà còn nắm được trang bị, phương tiện của các chủng loại tàu thuyền trong đơn vị, để khi có nhiệm vụ gấp có thể tăng cường thực hiện nhiệm vụ được ngay.
Bên cạnh đó, đơn vị còn tiếp nhận, tổ chức huấn luyện thuần thục và đưa vào sử dụng các trang thiết bị mới, hiện đại như ra-đa, hệ thống quan sát mục tiêu ngày đêm, thiết bị nhận dạng mục tiêu; thiết bị máy bay không người lái trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến thuật vòng tổng hợp và bắn đạn thật trên biển để nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vùng biển, vùng trời Tổ quốc. Với những thành tích và kết quả đạt được, Hải đoàn 21 vinh dự được Cảnh sát biển Việt Nam tặng thưởng Danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” năm 2023, Bộ Quốc phòng tặng Cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi” năm 2023; nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng trong phong trào thi đua của các cấp, các ngành và của đơn vị.
----------------------------------------------
Nỗ lực mang lại cuộc sống ấm no cho người dân
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Thuận Châu (Sơn La) không ngừng đẩy mạnh phát triển kinh tế, chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Chỉ đạo kịp thời các đơn vị, phòng, ban chuyên môn bám sát cơ sở hỗ trợ nông dân, đồng thời đẩy mạnh triển khai hiệu quả các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, huyện tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo chuỗi giá trị. Đến nay, đã dần hình thành một số vùng chuyên canh, như: Vùng chè tập trung ở các xã Chiềng Pha, Phổng Lái, Mường É, Phổng Lập; trồng cà phê tại các xã Nậm Lầu, Bản Lầm, Chiềng Bôm, Phổng Lái, Chiềng Pha; trồng xoài tại xã Mường Khiêng, Bó Mười, Liệp Tè...
Trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, qua rà soát, năm 2025, huyện Thuận Châu có 385 nhà ở của các hộ nghèo, cận nghèo cần được xây mới và sửa chữa với tổng kinh phí thực hiện hơn 21 tỷ đồng. Đến ngày 1-4, toàn huyện đã hoàn thành xây, sửa 359/385 ngôi nhà bảo đảm nền cứng, khung cứng, mái cứng. Huyện phấn đấu hoàn thành công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trước ngày 30-4, đưa Thuận Châu thoát khỏi huyện nghèo trong năm 2025.
QĐND
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/phat-huy-y-nghia-gia-tri-cua-chien-thang-30-4-826036
Bình luận (0)