Nhìn lại loại hình âm nhạc truyền thống đặc trưng của Nam bộ, PGS-TS Lâm Nhân (Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) cho rằng: "Đờn ca tài tử có lịch sử phát triển lâu đời, gắn bó với đời sống người dân, được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, thực trạng bảo tồn đờn ca tài tử đang gặp phải một số vấn đề: không gian biểu diễn cho loại hình nghệ thuật này vẫn còn hạn chế; còn nhiều khó khăn trong việc thu hút sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là giới trẻ". Mặc dù đã có những chương trình giao lưu, biểu diễn nhằm quảng bá đờn ca tài tử, nhưng phạm vi tiếp cận vẫn còn hạn chế và chưa tạo được sức hút mạnh mẽ đối với công chúng trẻ. Phần lớn các nghệ nhân hiện nay đều đã cao tuổi. Họ không chỉ gặp khó khăn về sức khỏe mà còn đối diện áp lực kinh tế, khi thu nhập từ hoạt động nghệ thuật không đủ trang trải cuộc sống. PGS-TS Lâm Nhân đề nghị: "Để bảo tồn và phát huy đờn ca tài tử tại TP.HCM, chúng tôi cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ nhằm mở rộng không gian biểu diễn, đào tạo và thu hút thế hệ trẻ, cũng như đổi mới phương thức tiếp cận để phù hợp với thị hiếu của công chúng hiện đại".
Nhiều nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý văn hóa và đội ngũ văn nghệ sĩ tham dự chương trình
Ảnh: QUỲNH TRÂN
Dù TP.HCM là nơi có hoạt động văn hóa - nghệ thuật sôi động nhất nước, nhưng TS Hồ Bá Thâm, nguyên Vụ trưởng - Giám đốc NXB Chính trị quốc gia, Chi nhánh tại TP.Cần Thơ, hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, băn khoăn khi những năm gần đây khó tìm ra những tác phẩm văn học nghệ thuật hay, gây tiếng vang lớn trong dư luận, được bạn đọc sôi nổi bàn tán, báo chí phê bình hay khen ngợi trong đời sống văn nghệ thành phố. "Nếu nói khó khăn ở phía người nghệ sĩ là không đúng. Chúng ta đều biết sáng tác là hoạt động cá nhân, tính độc lập rất cao, không phải là câu chuyện đói, no hay có nhiều tiền mới sáng tác hay. Phải chăng người nghệ sĩ đang hài lòng hay đang cần tìm một đòn bẩy nào đó? Phải chăng vì văn nghệ sĩ kém từng trải, kém gần gũi với quần chúng nhân dân, cùng đau khổ, sướng vui, trầm tư, trăn trở, hứng khởi, kém tầm cao tầm xa rộng, tầm sâu tư tưởng để đột phá tư duy, cảm thức để sáng tạo lớn, độc đáo tạo nên dư chấn trong đời sống văn hóa, văn học, nghệ thuật?", TS Hồ Bá Thâm đặt vấn đề.
Một số ý kiến cho rằng việc phát triển công nghiệp văn hóa tại TP.HCM là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay, không chỉ thúc đẩy sự phát triển văn hóa trong tư cách là một trong những trụ cột quan trọng của đời sống mà còn nhằm phát triển kinh tế mạnh mẽ, trong bối cảnh bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nguồn: https://thanhnien.vn/phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-tai-tphcm-la-nhiem-vu-quan-trong-185250416213333698.htm
Bình luận (0)