Diện tích trồng bưởi toàn tỉnh tăng từ 2.308ha (năm 2015) lên 5.593ha (năm 2023), vượt mục tiêu đề ra của đến năm 2025
Những năm qua, thực hiện Kết luận số 121-KL/TU ngày 21/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Ngành Nông nghiệp Phú Thọ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đưa cây bưởi phát triển theo hướng tập trung, nâng cao năng suất và chất lượng. Đến nay, diện tích trồng bưởi của tỉnh đã có sự tăng trưởng ngoạn mục. Từ 2.308ha vào năm 2015, đến hết năm 2023, diện tích bưởi toàn tỉnh đã đạt 5.593 ha, tăng 140% và vượt mục tiêu đề ra cho năm 2025 (5.500 ha). Sản lượng bưởi ước tính đạt 18.000 tấn/năm.
Cùng với sự gia tăng về diện tích, tỉnh đã hình thành được 161 vùng sản xuất bưởi tập trung với tổng diện tích 2,65 nghìn ha, đạt 135% mục tiêu đề ra. Điều này cho thấy sự chuyển dịch rõ rệt trong phương thức sản xuất, từ nhỏ lẻ, manh mún sang tập trung, quy mô lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Toàn tỉnh có 162 cơ sở với 1.742ha bưởi được cấp mã số vùng trồng
Để đạt được những thành quả trên, Ngành Nông nghiệp đã chủ động chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Công tác quy hoạch vùng sản xuất tập trung được chú trọng, đến nay toàn tỉnh đã có 162 cơ sở với 1.742ha bưởi được cấp mã số vùng trồng, trong đó có 18 mã (366,1ha) phục vụ xuất khẩu. Điều này không chỉ giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà còn mở ra cơ hội đưa bưởi Phú Thọ vươn ra thị trường quốc tế.
Đặc biệt, việc đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại những chuyển biến tích cực về năng suất và chất lượng bưởi. Nhiều giống bưởi mới có năng suất, chất lượng cao, thời gian chín khác nhau đã được đưa vào trồng thử nghiệm và nhân rộng, góp phần kéo dài vụ thu hoạch, giảm áp lực về thời vụ. Các quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICP được khuyến khích áp dụng, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn tỉnh đã có 978,1 ha bưởi đạt chứng nhận VietGAP, 20 ha đạt GlobalGAP và 6 ha đạt chứng nhận hữu cơ.
Toàn tỉnh đã hình thành 161 vùng sản xuất bưởi tập trung
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, Phú Thọ đã từng bước định hướng, hỗ trợ các vùng bưởi xây dựng nhãn hiệu thông qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đến nay, toàn tỉnh đã có 10 Hợp tác xã, cơ sở sản xuất bưởi đạt chứng nhận OCOP với sản lượng đăng ký trên 15.000 tấn/năm. Các sản phẩm bưởi OCOP ngày càng được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng. Công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm, nhiều sự kiện lớn như lễ hội bưởi Đoan Hùng, hội chợ OCOP và nông sản Phú Thọ, tuần lễ nông sản... đã được tổ chức thành công, tạo cơ hội quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại các khu vực trung tâm, khu du lịch.
Quả bưởi đặc sản và các sản phẩm từ bưởi được quản bá rộng rãi, đa dạng hình thức, phương thức
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy thương mại điện tử và thương mại số trong lĩnh vực nông nghiệp đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Hàng triệu tem truy xuất nguồn gốc đã được hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản. Thông tin, sản phẩm bưởi được đăng tải trên các sàn thương mại điện tử của tỉnh và các nền tảng khác, thu hút hàng triệu lượt truy cập. Phần mềm chuyển đổi số Ngành Nông nghiệp được xây dựng và phát triển, số hóa 100% hồ sơ sản phẩm OCOP, giúp công tác quản lý, tra cứu thông tin trở nên thuận tiện và chuyên nghiệp. Tính năng “Bản đồ nông sản số” trên phần mềm đã tạo cầu nối giữa người sản xuất, kinh doanh với các kênh tiêu thụ trực tuyến. Công tác thông tin, tuyên truyền cũng được đẩy mạnh trên các phương tiện truyền thông, báo chí và các kênh mạng xã hội, giúp người dân nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất, quy trình kỹ thuật và các mô hình sản xuất hiệu quả. Các lớp đào tạo, tập huấn về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi số, quản lý sản xuất, an toàn thực phẩm được tổ chức thường xuyên, nâng cao năng lực cho người sản xuất và cán bộ nông nghiệp các cấp.
Để cây bưởi phát triển bền vững, Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hướng dẫn đẩy mạnh trồng, sản xuất bưởi theo hướng thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm; rà soát, xây dựng các vùng trọng điểm; tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức kỹ thuật, định hướng thị trường cho người dân. Đồng thời nhân rộng các mô hình vườn bưởi mẫu áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các biện pháp cắt tỉa cành, thụ phấn bổ sung, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi lượng.
Bên cạnh đó, Ngành Nông nghiệp tăng cường quản lý, phát triển thương hiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm bưởi Phú Thọ; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện logo, tem nhãn, bao bì cho các sản phẩm bưởi OCOP, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu trên đa nền tảng. Khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân tham gia xây dựng thương hiệu tập thể, cá thể cho các sản phẩm bưởi tại các vùng trọng điểm. Tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm mang thương hiệu, phân cấp, phân loại sản phẩm rõ ràng. Chú trọng công tác bảo vệ thương hiệu, tìm kiếm, mời gọi các doanh nghiệp có năng lực thu mua lớn, phát triển hệ thống bán hàng online.
Mặt khác, cần nhân rộng các mô hình chế biến các sản phẩm từ bưởi, khuyến khích chế biến các sản phẩm phụ từ bưởi như: Tinh dầu bưởi, mứt bưởi, chè bưởi, rượu bưởi... Đây là hướng đi mới, có tiềm năng lớn, giúp tăng giá trị cho cây bưởi và tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân.
Hoàng Giang
Nguồn: https://baophutho.vn/phat-trien-kinh-te-ben-vung-tu-cay-buoi-231027.htm
Bình luận (0)