Từ nguồn vốn vay của Tổ chức TCVM Thanh Hóa, chị Lê Thị Hưng đã mở rộng mô hình phát triển kinh tế, mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình và tạo việc làm cho lao động địa phương.
Không sinh ra tại Đông Phú, nhưng số phận đã gắn bó chị Lê Thị Hưng (30 tuổi) với vùng đất này như một cái duyên. Những năm đầu lập nghiệp, chị lựa chọn công việc làm đá - ngành nghề lao động nặng nhọc, thu nhập bấp bênh, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sau nhiều đắn đo, nghĩ ngợi, chị Hưng quyết định tạm dừng công việc làm đá và tìm hướng đi mới.
Sau khi tham khảo nhiều mô hình kinh tế khác nhau, chị Hưng quyết định xây dựng mô hình nuôi lươn, ếch không bùn. Đây là mô hình nông nghiệp không đòi hỏi quá nhiều chi phí đầu tư, dễ chăm sóc, nhu cầu của thị trường cao. Nhận thấy mô hình có nhiều tiềm năng phát triển, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cá nhân, chị Hưng mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở nuôi thủy sản Đông Phát.
Năm 2023, chị Hưng tiếp cận với nguồn vốn vay từ Tổ chức TCVM Thanh Hóa. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển kinh tế của chị. Chị Hưng xúc động chia sẻ: “Nguồn vốn vi mô đến đúng lúc tôi cần mở rộng cơ sở nuôi. Điều tôi ấn tượng là thủ tục vay nhanh gọn, không yêu cầu tài sản thế chấp. Cán bộ tín dụng lại rất thân thiện, tư vấn nhiệt tình và hướng dẫn thêm kỹ năng quản lý tài chính”.
Nhờ số vốn được vay, chị Hưng đầu tư thêm bể nuôi, hệ thống lọc nước, mở rộng sang nuôi lươn và ếch. Đặc biệt, chị còn tham gia khóa học online về quản lý tài chính và phát triển doanh nghiệp trong khuôn khổ Dự án “Tăng trưởng doanh nghiệp của tôi”, từ đó nâng cao kỹ năng quản trị và điều hành mô hình một cách bài bản.
Hiện nay, sản phẩm của cơ sở không chỉ tiêu thụ mạnh tại địa phương mà còn có đơn hàng xuất sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh lươn sống, chị Hưng còn phát triển các món ăn chế biến sẵn từ lươn như: lươn xào sả ớt, lươn om chuối, lươn rim tiêu... được khách hàng ưa chuộng và đặt mua thường xuyên.
Trên hành trình vươn lên phát triển kinh tế, chị Hưng còn tạo việc làm cho nhiều phụ nữ ở địa phương, góp phần giúp họ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Mô hình của chị đang được xem là hình mẫu phát triển kinh tế hộ gia đình tiêu biểu tại xã Đông Phú, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp sạch và chế biến thực phẩm.
Trường hợp của chị Hưng là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của vốn vay vi mô khi được sử dụng đúng cách và đi kèm với sự hỗ trợ chuyên môn. Với nguồn vốn vay của Tổ chức TCVM Thanh Hóa, nhiều phụ nữ yếu thế tại nông thôn đã có cơ hội khởi nghiệp, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm chủ kinh tế gia đình.
Bài và ảnh: Hoàng Linh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/phat-trien-mo-hinh-kinh-te-tu-nguon-von-vay-tai-chinh-vi-mo-thanh-hoa-247628.htm
Bình luận (0)