Phải giảm thất nghiệp, mở rộng ngành hàng giảm thuế VAT
Trong báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế quý II/2025, Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã nhấn mạnh rằng cuộc chiến thuế quan đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động và hoạt động tiêu dùng trong nước.
Hiện nay, thị trường lao động Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn do sự suy giảm của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hoạt động xuất khẩu. Các doanh nghiệp có vốn FDI hiện đóng góp tới 35% tổng số việc làm trong nước, và con số thực tế có thể còn cao hơn do tác động lan tỏa sang nhiều doanh nghiệp nội địa.
Bên cạnh đó, theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), có tới 54% việc làm trong nước phụ thuộc trực tiếp vào hoạt động xuất khẩu. Vì vậy, việc dòng vốn FDI và kim ngạch xuất khẩu suy giảm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động, đặc biệt ở các ngành xuất khẩu chủ lực như máy móc thiết bị điện, dệt may và gỗ – những lĩnh vực xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ.
KBSV nhận định, sự suy giảm này không chỉ tạo áp lực lên việc làm mà còn tác động tiêu cực đến niềm tin tiêu dùng, vốn chưa phục hồi hoàn toàn sau những biến động kinh tế trước đó. Trước tình hình này, việc đưa ra những giải pháp chính sách kịp thời để hỗ trợ tiêu dùng trong nước là hết sức cần thiết.
Một trong những biện pháp quan trọng là tập trung giảm mạnh tỷ lệ thất nghiệp, bởi khi số lượng người có việc làm tăng, sức mua trong nền kinh tế cũng sẽ được cải thiện. Để đạt được mục tiêu này, chính sách quản lý cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Nếu để tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, người tiêu dùng sẽ ưu tiên chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu, trong khi các sản phẩm khác dù có giảm giá sâu cũng khó tiêu thụ được.
Liên quan đến giải pháp hỗ trợ tiêu dùng, tại phiên họp ngày 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua đề xuất của Chính phủ về việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện đang áp dụng mức thuế suất 10% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ cụ thể nêu trong dự thảo nghị quyết). Thời gian áp dụng dự kiến từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn việc giảm thuế VAT cần được triển khai sớm hơn, thay vì chờ đến tháng 7/2025, để nhanh chóng “kích hoạt” sức mua của thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng kiến nghị nên mở rộng phạm vi ngành hàng được hưởng ưu đãi thuế suất.
Xét về danh mục cụ thể, hồi đầu tháng 4/2025, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất bổ sung các sản phẩm kim loại vào diện được giảm thuế VAT. Theo VCCI, sản phẩm kim loại là đầu vào thiết yếu cho nhiều ngành sản xuất, từ đồ gia dụng đến vật liệu xây dựng, công nghiệp và tiêu dùng, nên việc không giảm thuế cho nhóm này có thể ảnh hưởng đến sản xuất, xây dựng cũng như nỗ lực kích cầu tiêu dùng.
Hơn nữa, trong khi các sản phẩm khoáng sản như than đá đã được đưa vào diện giảm thuế, thì việc loại trừ sản phẩm kim loại gây ra nhiều thắc mắc. Ngoài ra, VCCI cũng chỉ ra thực tế rằng việc phân loại sản phẩm chịu mức thuế suất 10% hay 8% hiện nay đang rất phức tạp và khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong nhiều trường hợp, do đặc thù lý – hóa riêng biệt của sản phẩm hoặc sự khác biệt trong cách hiểu của các cơ quan quản lý như hải quan và thuế, doanh nghiệp gặp khó khăn khi xác định đúng thuế suất áp dụng, dù đã có 5 năm triển khai chính sách. Các cơ quan chức năng hiện chủ yếu chỉ đưa ra hướng dẫn chung, mang tính tham khảo, không thể dùng làm căn cứ pháp lý rõ ràng, dẫn đến rủi ro truy thu thuế trong tương lai đối với doanh nghiệp.
Với những bất cập đó, việc hoàn thiện và đơn giản hóa quy định về giảm thuế VAT là rất cần thiết để kích thích tiêu dùng và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Giữ vững niềm tin của người tiêu dùng
Nhiều doanh nghiệp than phiền: việc xác định thuế suất 8% hay 10% đã khiến họ tốn kém chi phí, phát sinh thêm rủi ro trong kinh doanh. Thậm chí, không ít doanh nghiệp buộc phải thuê thêm kế toán chỉ để điều chỉnh hóa đơn, sổ sách cho phù hợp với mức thuế mới.
Không dừng lại ở đó, nhiều thương vụ mua bán đã đổ vỡ ngay trước khi ký hợp đồng, chỉ vì các bên không thống nhất được mức thuế suất. Khi sản lượng, chất lượng, giá cả đều đã xong xuôi, thì vướng mắc về thuế lại khiến đôi bên quay lưng.
Trong bối cảnh sức mua còn èo uột, việc kích cầu cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn: đẩy mạnh du lịch, giữ mặt bằng lãi suất thấp, thúc đẩy đầu tư công... và đặc biệt, phải tránh tình trạng chính sách "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".
Du lịch – một trụ cột quan trọng – đang chứng minh sức ảnh hưởng lớn. Quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ; riêng nhóm du lịch, lưu trú, ăn uống tăng mạnh từ 12,5% đến 18,3%. Việt Nam cũng đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, mức cao nhất từ trước tới nay.
Nhưng song hành với thành tích, những hiểm họa cũng lộ rõ. Theo chuyên gia Daisy Kanagasapapathy, mạng xã hội – đặc biệt là Facebook – đang tràn ngập các chiêu trò lừa đảo du lịch: quảng cáo lưu trú giả, đại lý "ma", ưu đãi "siêu hời" nhưng đầy rủi ro. Những cú lừa này không chỉ lấy đi tiền bạc, mà còn làm xói mòn lòng tin vào ngành du lịch Việt Nam.
Muốn bảo vệ uy tín, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả các nền tảng công nghệ, cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Dù không thể triệt tiêu hoàn toàn nạn lừa đảo, nhưng bằng những biện pháp mạnh tay, hoàn toàn có thể hạn chế và kiểm soát chúng.
Muốn "kích hoạt" sức mua, không chỉ cần các biện pháp hỗ trợ, mà trên hết, chính sách và hệ thống quản lý phải đồng bộ, nhất quán. Chừng nào còn cảnh "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", chừng đó niềm tin thị trường vẫn còn mong manh.
Nguồn: https://baodaknong.vn/tang-suc-mua-can-dong-bo-tranh-trong-danh-xuoi-ken-thoi-nguoc-250713.html
Bình luận (0)