Mở đầu chuỗi hoạt động giáo dục STEAM trọng điểm trong năm 2025, trong không khí sôi nổi, sáng tạo và đầy cảm hứng, ngày 13/4, Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên-ICTU (thuộc Trường đại học Thái Nguyên) tổ chức "Ngày hội STEAM năm 2025" dành cho học sinh trung học phổ thông toàn tỉnh Thái Nguyên.
Là một trong ba trường đại học chuyên về công nghệ thông tin và truyền thông lớn nhất Việt Nam, Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên (có quy mô sinh viên lớn nhất trong lĩnh vực này, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực trên nền tảng số) được tỉnh Thái Nguyên giao đăng cai tổ chức "Ngày hội STEAM năm 2025" dành cho học sinh trung học phổ thông nên có ý nghĩa lan tỏa lớn trên địa bàn toàn tỉnh.
Với phương châm đào tạo ứng dụng, triết lý “Make things-Make in Thái Nguyên-Nói đi đôi với làm”, thời gian qua Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên không ngừng nỗ lực để dạy sinh viên tạo ra sản phẩm thực tiễn ngay trong quá trình học tập, nổi bật nhất gần đây là hệ thống học tập thông minh iBLS tích hợp AI vừa đạt hai giải thưởng Sao Khuê 2025 (sẽ trao giải vào ngày 19/4); phim điện ảnh 3D “Dế mèn - Cuộc phiêu lưu tới xóm lầy lội” sẽ công chiếu toàn quốc vào 30/5; hệ thống blockchain xác thực văn bằng, định danh NFT phục vụ du lịch tỉnh Thái Nguyên.
Tại ngày hội, các thầy, cô giáo, các em học sinh trực tiếp trải nghiệm xe điện tự chế và hệ thống trải nghiệm STEM ảo; dự các tọa đàm, chia sẻ về xu hướng STEAM toàn cầu mà diễn giả là các chuyên gia và cộng đồng STEAM toàn quốc; hoạt động giao lưu, truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng cộng đồng STEAM bền vững giữa các trường, các thế hệ học sinh.
Trong khuôn khổ ngày hội, tỉnh Thái Nguyên phát động 3 cuộc thi STEM lớn, gồm: Robot: Đường tới Tân Cương-Thái Nguyên; Thiết kế 3D “Nông cụ xanh” - Gắn với phát triển nông nghiệp bền vững và Aimazing - Ứng dụng trí tuệ nhân tạo quảng bá du lịch Thái Nguyên dành cho học sinh trung học phổ thông toàn tỉnh với tổng giá trị giải thưởng lên đến gần 300 triệu đồng, trong đó có 2 giải đặc biệt trị giá 100 triệu và 30 triệu đồng cho cuộc thi Aimazing. Với các cuộc thi này, tỉnh Thái Nguyên khuyến khích học sinh trung học phổ thông có tư duy làm ra sản phẩm, bắt đầu từ những việc nhỏ thì hoàn toàn có thể nhận lại những thành quả lớn.
![]() |
Trường đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên tập huấn giảng dạy STEM cho giáo viên một số trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh. |
Qua ngày hội, 3 giải thưởng và chuỗi hoạt động sắp tới trên địa bàn tỉnh, các trường học, các em học sinh sẽ không chỉ có cơ hội học hỏi, khám phá, mà còn được chạm tay vào công nghệ, được khơi dậy đam mê và gieo mầm cho hành trình sáng tạo trong tương lai, thúc đẩy mạnh mẽ giáo dục STEM trên địa bàn.
Theo đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, triển khai giáo dục STEAM, tỉnh Thái Nguyên hướng tới đào tạo nguồn nhân lực phục vụ 3 lĩnh vực công nghiệp chiến lược là đồ họa máy tính, nghệ thuật số; tự động hóa công nghiệp và trí tuệ nhân tạo.
Hiện thực hóa mục tiêu này, ngày 18/2/2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND triển khai giáo dục STEM trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh năm 2025, xác định ngay trong năm 2025 sẽ hình thành cộng đồng Thái Nguyên Maker với 100 thành viên nòng cốt để lan tỏa giáo dục STEAM/STEM trên toàn tỉnh.
Từ năm 2025 (định kỳ hằng năm) tỉnh Thái Nguyên tổ chức "Ngày hội Thái Nguyên Open STEAM/STEM", phát động 3 cuộc thi lần lượt là: 3D Design Challenge, Robotics Challenge và AI Challenge nhằm cụ thể hóa 3 lĩnh vực công nghệ chiến lược mà Thái Nguyên xác định tập trung nghiên cứu, phát triển là đồ họa máy tính, nghệ thuật số; tự động hóa công nghiệp và trí tuệ nhân tạo.
Kế hoạch số 31/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên và các hoạt động trong năm 2025 của tỉnh nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhằm nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là cho cán bộ quản lý và giáo viên ngành giáo dục về vị trí, vai trò và ý nghĩa của giáo dục STEM trong các trường phổ thông.
Đến hết năm 2025, 100% trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên triển khai giáo dục STEM, trong đó mỗi trường xây dựng và thực hiện được ít nhất 1 bài học STEM/môn học (nhóm môn học)/khối lớp trong năm học, 10% số trường phổ thông tổ chức Ngày hội STEM, 70% số trường cấp trung học phổ thông có dự án tham gia Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh; phấn đấu có ít nhất 1 dự án đạt giải trong Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia.
Với việc ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND, tỉnh Thái Nguyên xác định phát triển giáo dục STEM trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng dạy học, khuyến khích tư duy sáng tạo, phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cho học sinh phổ thông; tận dụng tiến bộ của công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Đến hết năm 2025, 100% trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên triển khai giáo dục STEM, trong đó mỗi trường xây dựng và thực hiện được ít nhất 1 bài học STEM/môn học (nhóm môn học)/khối lớp trong năm học, 10% số trường phổ thông tổ chức Ngày hội STEM, 70% số trường cấp trung học phổ thông có dự án tham gia Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh; phấn đấu có ít nhất 1 dự án đạt giải trong Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia.
100% giáo viên các môn liên quan đến STEM (cấp trung học phổ thông: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ; cấp trung học cơ sở: Toán, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học; cấp tiểu học: Toán, Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Tin học) được tập huấn, có năng lực giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục STEM.
Xây dựng phòng thực hành giáo dục STEM tại 9 trường phổ thông làm điểm, tổ chức cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật đối với cấp huyện và cấp tỉnh; xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Cuộc thi Robocon cấp tỉnh vào những năm tiếp theo.
Ủy ban nhân nhân tỉnh Thái Nguyên yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các trường phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh và trong cộng đồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục STEM đối với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung, đổi mới giáo dục phổ thông nói riêng. Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền về giáo dục STEM cho học sinh phổ thông qua ngày hội STEM; các hoạt động giao lưu của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh với các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân.
Các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch giáo dục các môn học lựa chọn hoặc nhóm môn học để tổ chức dạy bài học STEM phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh; giáo viên thiết kế các bài học STEM để triển khai trong quá trình dạy học các môn học hoặc nhóm môn học theo hướng tiếp cận tích hợp nội môn hoặc tích hợp liên môn.
Học sinh thực hiện bài học STEM được chủ động nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu học tập để tiếp nhận và vận dụng kiến thức thông qua các hoạt động: lựa chọn giải pháp giải quyết vấn đề; thực hành thiết kế, chế tạo, thử nghiệm mẫu thiết kế; chia sẻ, thảo luận, hoàn thiện hoặc điều chỉnh mẫu thiết kế dưới sự hướng dẫn của giáo viên và tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM để tạo hứng thú, động lực học tập cho học sinh.
Nguồn: https://nhandan.vn/thai-nguyen-trien-khai-giao-duc-steam-nham-phat-trien-nhan-luc-cong-nghe-post872221.html
Bình luận (0)