Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thế khó của Đại học Harvard khi đối đầu Tổng thống Mỹ Donald Trump

(Dân trí) - Cuộc đối đầu căng thẳng giữa Đại học Harvard (Mỹ) với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể khiến trường đại học giàu nhất nước Mỹ rơi vào cơn lao đao.

Báo Dân tríBáo Dân trí19/04/2025

Đại học Harvard có thể mất gần 500 triệu USD/năm vì bị tước đặc quyền miễn thuế

Mới đây, Chủ tịch Đại học Harvard - ông Alan Garber - tuyên bố nhà trường sẽ không tuân theo một số yêu cầu mới mà nhà chức trách Mỹ đưa ra đối với trường, vì lo sợ nhà trường sẽ mất đi quyền tự chủ, độc lập trong việc đưa ra các quyết định.

Đáp lại, chính phủ Mỹ nhanh chóng đóng băng khoản tài trợ trị giá 2,2 tỷ USD và 60 triệu USD rót vào các hợp đồng ký kết với Đại học Harvard.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump còn yêu cầu Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) xóa bỏ đặc quyền được miễn thuế của Đại học Harvard. Nếu điều này thực sự xảy ra, hậu quả đối với Đại học Harvard sẽ rất nghiêm trọng.

Trước đó, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ - bà Kristi Noem - đã yêu cầu Đại học Harvard cung cấp hồ sơ liên quan đến một số sinh viên nước ngoài bị cho là tham gia những hoạt động "bất hợp pháp và có tính chất bạo lực", hạn chót để trường cung cấp thông tin là ngày 30/4.

"Nếu Đại học Harvard không chứng minh được họ đang tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ báo cáo với nhà chức trách, nhà trường sẽ mất quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế", bà Noem tuyên bố.

Phát ngôn viên của Đại học Harvard xác nhận đã nhận được thư của bà Noem và cho biết trường "sẽ không từ bỏ quyền đưa ra các quyết định độc lập", đồng thời trường cũng vẫn cam kết tuân thủ pháp luật Mỹ.

Ông Bruce Kimball - giảng viên triết học và lịch sử giáo dục tại Đại học bang Ohio (Mỹ) - chia sẻ với hãng tin CNBC (Mỹ) rằng, việc được miễn thuế giúp Đại học Harvard không phải đóng thuế thu nhập từ các hoạt động đầu tư. Đồng thời, các nhà tài trợ hợp tác với ngôi trường này cũng được khấu trừ thuế.

Tờ tạp chí tài chính Bloomberg (Mỹ) ước tính lợi ích từ việc được miễn thuế đưa về cho Đại học Harvard khoản lợi nhuận lên tới hơn 465 triệu USD trong năm 2023.

Tại Mỹ, các tổ chức có thể bị tước đặc quyền miễn thuế nếu IRS xác định họ tham gia vào các hoạt động thể hiện quan điểm phe phái chính trị cực đoan, hoặc tạo ra quá nhiều thu nhập từ các hoạt động không liên quan đến sứ mệnh chính.

Rất ít trường đại học tại Mỹ từng bị tước đặc quyền miễn thuế. Một trường hợp hiếm hoi là Đại học Bob Jones từng bị thu hồi đặc quyền miễn thuế hồi năm 1983 do có cách vận hành thể hiện sự phân biệt chủng tộc.

Người phát ngôn Nhà Trắng - ông Harrison Fields - chia sẻ với truyền thông Mỹ rằng IRS đã bắt đầu điều tra Đại học Harvard từ trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Đại học Harvard nên bị đánh thuế.

Hiện tại, người phát ngôn của Đại học Harvard khẳng định với truyền thông Mỹ rằng Chính phủ "không có cơ sở pháp lý" để thu hồi đặc quyền miễn thuế của trường.

"Chính phủ Mỹ từ lâu đã miễn thuế cho các trường đại học để hỗ trợ sứ mệnh giáo dục của họ. Việc xóa bỏ chính sách miễn thuế đối với Đại học Harvard sẽ gây khó khăn cho khả năng thực hiện sứ mệnh giáo dục của chúng tôi.

Chúng tôi có thể sẽ phải cắt giảm hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên, ngừng các chương trình nghiên cứu y tế quan trọng, thậm chí đánh mất cơ hội đổi mới giáo dục. Việc sử dụng sai mục đích công cụ đánh thuế có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với tương lai giáo dục đại học của nước Mỹ", thư trả lời phỏng vấn của Đại học Harvard gửi tới hãng tin CNBC cho hay.

Thế khó của Đại học Harvard khi đối đầu Tổng thống Mỹ Donald Trump - 1

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Sở Thuế vụ Mỹ xóa bỏ đặc quyền được miễn thuế của Đại học Harvard (Ảnh minh họa: CNBC).

Có quỹ tài trợ lên tới 52 tỷ USD, nhưng Đại học Harvard không dễ "đập heo đất"

Không dừng lại ở đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đe dọa Đại học Harvard có thể mất quyền tuyển sinh viên nước ngoài, nếu không thực hiện trách nhiệm báo cáo những thông tin cần thiết đối với nhà chức trách.

Sinh viên quốc tế hiện chiếm hơn 25% tổng số sinh viên Đại học Harvard. Tuy nhiên, khác với nhiều trường khác, Đại học Harvard ít phụ thuộc tài chính vào sinh viên quốc tế, vì trường vốn được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ tài chính.

Đại diện Đại học Harvard hiện từ chối bình luận về việc chính quyền liên bang cắt một số khoản tài trợ và tiền đầu tư thông qua các hợp đồng đã ký kết với trường. Dù vậy, 2 luật sư đại diện cho trường - Robert Hur và William Burck - đã gửi thư tới chính quyền liên bang xung quanh tính hợp pháp của những động thái mà nhà chức trách đang tiến hành đối với trường.

Là trường đại học giàu nhất nước Mỹ, Đại học Harvard được cho là có nguồn lực mạnh để theo đuổi một cuộc chiến pháp lý kéo dài. Tuy nhiên, theo giới phân tích tại Mỹ, khối tài sản khổng lồ của trường không phải là "chú heo đất" để có thể dễ dàng đem ra đập lúc nào và tiêu thế nào tùy ý.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội các nhà quản lý đại học Mỹ (NACUBO), quỹ tài trợ của Đại học Harvard hiện ở mức gần 52 tỷ USD. Báo cáo tài chính thường niên gần đây nhất của trường cho biết, quỹ này mang lại mức sinh lời 9,6% trong năm qua.

Được thành lập từ năm 1636, Đại học Harvard đã tích lũy được khoản quỹ lớn hơn bất kỳ trường nào khác ở Mỹ. Trường cũng có mạng lưới nhà tài trợ hùng hậu. Năm 2024, 368 triệu USD đã được quyên góp thêm vào quỹ của trường.

Dù có quỹ tài trợ rất lớn, nhưng Đại học Harvard sẽ không thể chi tiêu tùy ý khoản tiền khổng lồ này. Trong quỹ tài trợ của các trường đại học tại Mỹ có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn quỹ nhỏ, phần lớn các quỹ đều bị ràng buộc bởi định hướng về mục đích sử dụng, do người hiến tặng đưa ra, chẳng hạn như tài trợ học bổng, hỗ trợ trả lương cho giảng viên hay tài trợ nghiên cứu...

Đại học Harvard hiện có khoảng 14.600 quỹ nhỏ, trong đó 80% quỹ bị giới hạn về mục đích sử dụng. Trong năm tài chính vừa qua, quỹ tài trợ của trường đã giải ngân 2,4 tỷ USD, 70% số tiền chi ra được sử dụng theo đúng yêu cầu về mục đích sử dụng của nhà tài trợ.

"Hầu hết số tiền được chi ra đều có mục đích cụ thể. Các trường đại học không thể tự ý "đập heo đất" để chi tiêu theo ý mình", cựu Chủ tịch Đại học Pennsylvania (Mỹ) - ông Scott Bok - khẳng định.

Thế khó của Đại học Harvard khi đối đầu Tổng thống Mỹ Donald Trump - 2

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đe dọa Đại học Harvard có thể mất quyền tuyển sinh viên nước ngoài (Ảnh minh họa: CNBC).

Đại học Harvard làm gì để giữ ổn định tài chính trong bối cảnh hiện nay?

Đại học Harvard hiện có 9,6 tỷ USD trong quỹ tài trợ không bị ràng buộc bởi các mục đích sử dụng do nhà tài trợ quy định. Báo cáo tài chính của nhà trường đề cập rõ: "Nhà trường không có ý định sử dụng khoản tài sản này, nhưng tài sản này có thể được chi dùng, nếu xảy ra vấn đề bất ngờ".

Khoản tài sản trị giá 9,6 tỷ USD tương đương gần 20% tổng quỹ tài trợ mà Đại học Harvard đang sở hữu. Dù vậy, việc chi dùng khoản quỹ linh động này sẽ gây ảnh hưởng đến dòng tiền của trường phục vụ cho các hoạt động tài chính trong tương lai, vì trường sẽ có ít vốn hơn để tiến hành các hoạt động đầu tư sinh lợi.

Đại học Harvard hiện từ chối trả lời truyền thông Mỹ về việc liệu họ có tăng chi tiêu từ quỹ tài trợ hay không. Giống hầu hết các trường khác, Đại học Harvard đặt mục tiêu chi khoảng 5% giá trị tổng quỹ mỗi năm, đây được xem là hạn mức chi tiêu phù hợp, giúp quỹ tiếp tục tăng trưởng và đương đầu tốt với vấn đề lạm phát.

Hiện tại, Đại học Harvard đang rà soát kỹ ngân sách hoạt động. Giữa tháng 3 vừa qua, nhà trường đã bắt đầu thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng", như tạm ngừng tuyển dụng và hạn chế nhận thêm nghiên cứu sinh.

Theo CNBC

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/the-kho-cua-dai-hoc-harvard-khi-doi-dau-tong-thong-my-donald-trump-20250418131550140.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm