2 ấn phẩm nằm trong Tủ sách Huế vừa được ra mắt 

Đến nay, Tủ sách Huế đã giới thiệu đến bạn đọc 12 ấn phẩm, góp phần giới thiệu một cách có hệ thống về vùng đất, con người, văn hóa và lịch sử Huế.

Công trình thống kê hệ thống di tích

Giữ vai trò là thủ phủ Đàng Trong, rồi Kinh đô của 2 triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn, chính điều này đã tạo nên hệ thống di sản phong phú, phân bố rộng khắp cho Huế với nhiều loại hình khác nhau.

Ngày nay, Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, phủ đệ, nhà vườn... cùng một kho tàng tư liệu, cổ vật đặc biệt quý hiếm, phản ánh chân thực diện mạo của một Kinh đô xưa. Huế cũng là nơi có hệ thống di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các di tích lịch sử vô cùng quý giá cùng 8 di sản thế giới đã được UNESCO ghi danh.

Cho đến đầu năm 2025, toàn thành phố đã có 3 quần thể (hệ thống) di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia và 106 di tích cấp thành phố; 278 công trình, địa điểm nằm trong Danh mục kiểm kê di tích đã phê duyệt, công bố. Hệ thống di tích, danh thắng này đã được các cấp chính quyền phân công quản lý cụ thể nhằm nâng cao trách nhiệm, vai trò của các cơ quan, đơn vị và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị.

Từ ý nghĩa đó, đề án Tủ sách Huế tiến hành biên soạn và phát hành cuốn sách “Huế - Di tích và danh thắng” để giới thiệu đến bạn đọc một cách tổng quan về các di tích, danh thắng đã được xếp hạng. Bao gồm, di tích gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế; di tích gắn với triều đại Tây Sơn; di tích gắn liền nhà Nguyễn; di tích gắn với thời kỳ đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc; di tích kiến trúc nghệ thuật; di tích khảo cổ...

Cuốn sách là kết quả nghiên cứu, sưu tầm, sử dụng và tổng hợp từ các nguồn tài liệu, hình ảnh của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh TP. Huế, Bảo tàng Lịch sử TP. Huế cùng một số bài viết của các nhà nghiên cứu.

Cuốn sách khảo cứu hương ước làng ở Huế

Trong khi đó cuốn “Hương ước các làng tại thành phố Huế” được xem là sự tiếp nối các công tình trước đó xoay quanh về việc bảo tồn di sản tư liệu Hán Nôm ở Huế.

Di sản này là thông điệp quan trọng bằng ngôn ngữ viết để kết nối giữa quá khứ với hiện tại, là tư liệu quan trọng giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về cội nguồn lịch sử, văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc và thời tiết khắc nghiệt, di sản Hán Nôm tại Huế, nhất là đối với các nguồn tư liệu giấy đã và đang bị thất thoát, mất mát, hư hỏng nghiêm trọng. Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản quý giá này một cách có hiệu quả là việc làm hết sức cần thiết.

Giới thiệu các ấn phẩm thuộc tủ sách Huế 

Hơn 10 năm qua, Thư viện TP. Huế đã phối hợp với nhiều đơn vị thực hiện kế hoạch sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tài liệu Hán Nôm trên địa bàn và đã khảo sát điền dã và số hóa khoảng hơn 420.000 trang tư liệu Hán Nôm. Trong số đó có sắc phong, chế phong, chiếu chỉ, bằng cấp, gia phả, văn thư - đơn từ, địa bạ, hương ước, văn cúng... Từ việc khai thác kết quả của công tác sưu tầm số hóa di sản Hán Nôm này đã có nhiều công trình nghiên cứu biên soạn, dịch thuật ra đời. Có thể kể đến như “Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế” (2018), “Sắc phong, chế phong, chiếu thời Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế” (2020), “Bằng cấp quan chức triều Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế” (2021), “Cuốn Văn thư - Đơn từ Hán Nôm các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế” (2022).

Những cuốn sách này đã được các nhà khoa học cùng độc giả đánh giá cao về mặt học thuật cũng như chất lượng nội dung. Tiếp nối sự thành công này, đề án Tủ sách Huế đã dành rất nhiều công sức và tâm huyết để tiến hành tổ chức biên soạn, tuyển dịch ấn phẩm thứ 5 với nhan đề “Hương ước các làng tại thành phố Huế”.

Sách giới thiệu 67 bản hương ước tiêu biểu và có giá trị cao phục vụ việc tham khảo nghiên cứu về làng xã. Kết cấu của cuốn sách được sắp xếp theo hai phần chính: hình ảnh, dịch nghĩa và bảng tra.

Nội dung chính của cuốn sách có thể khái quát như: quy định về trách nhiệm của người dân đối với chính quyền, với làng xã; quy định việc sử dụng đất đai, khuyến nông, phát triển sản xuất, đặc biệt là phát triển sản xuất nông nghiệp; quy định về việc giữ gìn trật tự an ninh làng xã; động viên, khuyến khích con em trong làng tích cực phấn đấu học tập để đỗ đạt làm quan; quy định về trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ tài sản công, nhất là những di sản văn hóa truyền thống; quy định việc thực hiện, gìn giữ thuần phong mỹ tục, phong tục, tập quán như các nghi thức về quan, hôn, tang, tế, thực hiện các mối quan hệ với người thân trong gia đình, dòng họ, với cộng đồng làng xã.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, nội dung cuốn sách “Hương ước các làng tại TP. Huế” sẽ trở thành nguồn tài liệu tham khảo thiết yếu và hữu ích để kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa tinh túy của hương ước xưa. Từ đó, tạo cơ sở vững chắc xây dựng làng văn hóa trong xu thế hội nhập và phát triển, góp phần xây dựng TP. Huế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Sách “Hương ước các làng tại thành phố Huế” nói riêng, bộ 5 cuốn sách về các văn bản Hán Nôm làng xã ở TP. Huế đã được xuất bản nói chung và cả những ấn phẩm sẽ được biên soạn, xuất bản trong tương lai sẽ tạo nên một bộ “Tùng thư văn hóa Hán Nôm Huế” sẽ cung cấp nguồn tư liệu gốc giúp đọc giả mở rộng và tìm hiểu biết sâu về lịch sử văn hóa, kinh tế - xã hội truyền thống.

N. MINH

Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/thong-tin-van-hoa/them-sach-hay-cho-tu-sach-hue-153201.html