BHG - Nguồn gốc của cây khèn được người Mông kể lại rằng, xưa kia, trên đỉnh núi nọ, một gia đình hạnh phúc có 6 người con trai, ai cũng hát hay, sáo giỏi. Khi họ cùng nhau thổi sáo, tiếng sáo cất lên như cây rừng gặp gió, véo von như chim hót, rì rào như suối reo, ào ạt như thác đổ. Thời gian trôi qua, cha mẹ của 6 người con trai vì tuổi cao sức yếu đã qua đời. Quá đau thương, 6 người con đã khóc ròng rã suốt nhiều ngày đêm không dứt, đến mất cả tiếng nói. Họ đã dùng ống sáo của mình để tiếp tục thổi, khóc thương cho cha mẹ. Cảm động trước tình mẫu tử thiêng liêng, thần linh đã báo mộng cho người anh cả, dạy họ kết hợp các ống sáo của 6 anh em để tạo nên một loại nhạc cụ, tượng trưng cho sự đồng lòng đoàn kết, thay cho tiếng lòng của 6 người con. Nhạc cụ đó được gọi là Khèn. Cây khèn từ đó gắn bó, đồng hành trong vòng đời của mỗi người Mông trên đỉnh núi cao khắc nghiệt, mang ý chí kiêu hùng và khát vọng mạnh mẽ của mỗi chàng trai Mông gửi gắm trong những điệu khèn.
Điệu múa khèn ấn tượng. |
Là địa phương có trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là người Mông, những năm qua, huyện Đồng Văn đã quyết liệt thực hiện việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Lễ hội Khèn Mông được coi là một trong những lễ hội lớn, thể hiện rõ nét hành trình bảo tồn, phát huy, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống. Qua 10 năm tổ chức, Lễ hội Khèn Mông huyện Đồng Văn đã góp phần tích cực trong xây dựng thương hiệu du lịch, đồng thời lan tỏa tiếng khèn Mông rộng khắp trong và ngoài nước.
Vừa qua, Lễ hội Khèn Mông huyện Đồng Văn lần thứ X năm 2025 được tổ chức với chủ đề “Tiếng khèn gọi bạn” đã để lại trong lòng du khách nhiều dấu ấn tốt đẹp. Những trò chơi, hội thi tại lễ hội như: Chế tác dụng cụ lao động; thêu trang phục nữ dân tộc Mông; mô hình diễu hành đường phố... đã tái hiện sắc nét đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào người Mông trên mảnh đất biên cương cực Bắc. Không chỉ mang đến những điệu múa khèn, thổi khèn đặc sắc, ấn tượng mà còn có nhiều tiết mục mang đậm bản văn hóa của cộng đồng các dân tộc khác hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện như Lô Lô, Pu Péo, Tày, Giấy, Dao. Qua đó thể hiện sự gắn bó, đoàn kết giữa các dân tộc anh em trên Cao nguyên đá. Họ đã và đang đồng lòng, chung sức, ra sức thi đua lao động, sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa đậm đà bản sắc, văn minh.
Trải nghiệm chế tác đồ dùng sinh hoạt của người Mông. |
Trực tiếp tham gia biểu diễn tại Lễ hội Khèn Mông lần thứ X, Ly Mí Cường, chàng trai người Mông xã Lũng Phìn (Đồng Văn) – Quán quân Cuộc thi Âm nhạc Quốc tế Trung Quốc - Singapore lần thứ 18 mang đến tiết mục tấu sáo “Núi đêm”. Không giấu được xúc động, Cường chia sẻ: Bản thân em đã có cơ hội biểu diễn và giành được một số giải thưởng tại các cuộc thi âm nhạc lớn trong nước và trên thế giới, nhưng sân khấu Lễ hội Khèn Mông là nơi em luôn dành trọn tình yêu lớn lao. Được biểu diễn tại quê hương mình, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào tới đông đảo du khách là niềm tự hào vô bờ đối với em. Em mong muốn, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tổ chức các lễ hội truyền thống để gắn kết cộng đồng; quảng bá, giới thiệu hình ảnh quê hương, con người, văn hóa đặc sắc của vùng cao Đồng Văn tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Đồng chí Đỗ Quốc Hương, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Nghệ thuật múa khèn của người Mông tỉnh Hà Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Năm thứ X tổ chức lễ hội, huyện đã nỗ lực mang đến nhiều hoạt động mới, hấp dẫn cho du khách. Mỗi hoạt động là một câu chuyện, tái hiện cuộc sống, văn hóa lâu đời của đồng bào Mông và các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn. Lễ hội cũng là cầu nối để Nhân dân, diễn viên, nghệ nhân được giao lưu, trao đổi, học hỏi, thắt chặt tình đoàn kết. Hiện nay, huyện Đồng Văn đang tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động việc truyền dạy nghề chế tác khèn, múa khèn cho thế hệ trẻ.
Bài, ảnh: MY LY
Nguồn: https://baohagiang.vn/van-hoa/202505/mot-thap-ky-gop-phan-lan-toa-tieng-khen-mong-4632859/
Bình luận (0)