BHG - Ngược lên miền cực Bắc trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi tìm về Lũng Cú (Đồng Văn) nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên trên bản đồ đất nước. Trên đỉnh núi Rồng, cột cờ Quốc gia Lũng Cú tung bay giữa bầu trời biên giới. Ngắm nhìn non sông từ nơi địa đầu Tổ quốc, chợt dâng trào niềm tự hào dân tộc khi tròn 50 năm non sông quy về một mối; đất nước chuyển mình bước vào kỷ nguyên vươn mình với khát vọng vươn cao, bay xa.
Đến Lũng Cú khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, cơn mưa rào đầu Hạ làm dịu đi cái nắng hanh hao miền biên viễn. Chúng tôi chọn nghỉ đêm tại bản Lô Lô Chải để sớm mai đón ánh bình minh tại nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc. Anh Vàng Dỉ Phò, chủ cơ sở homestay Cực Bắc là một thanh niên giàu nghị lực, hiện đang là Bí thư Đoàn xã Lũng Cú. Ngoài công tác nhà nước, anh Phò khởi nghiệp làm du lịch cộng đồng. Anh tâm sự: “Sinh ra, lớn lên ở bản Lô Lô, tôi yêu và tự hào về vùng đất này. Chính vì thế, tôi quyết tâm làm du lịch vừa để giới thiệu đến du khách bản sắc văn hóa vùng đất, con người nơi cực Bắc vừa giúp thế hệ trẻ nhớ về nguồn cội dân tộc mình”.
Xã Lũng Cú (Đồng Văn) đang đổi thay từng ngày. |
Từ một bản nghèo ở nơi biên cương, hôm nay Lô Lô Chải đã khoác lên mình diện mạo mới, tràn đầy sức sống. Người dân đã cải tạo những ngôi nhà trình tường, mái ngói âm dương thành các homestay, vừa giữ gìn nét cổ kính vừa mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Cả thôn có 42/119 hộ làm du lịch cộng đồng. Buổi tối, sau khi tham quan một vòng quanh bản, thưởng thức hương vị ly cà phê cực Bắc, chúng tôi được hòa mình vào những điệu múa, lời ca của đội văn nghệ dân gian tại nhà văn hóa thôn. Trong câu chuyện cùng Trưởng thôn Lô Lô Chải Sình Gỉ Gai, ông tự hào chia sẻ: Dân tộc Lô Lô lưu giữ kho tàng văn hóa tinh thần phong phú qua lễ hội cầu mưa, lễ rửa làng, múa trống đồng. Đặc biệt, lễ cúng tổ tiên đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2012. Hiện nay, thôn tổ chức trình diễn trích đoạn các nghi lễ truyền thống để vừa lưu giữ giá trị văn hóa cộng đồng, vừa quảng bá du lịch. Dịp lễ 30.4-1.5 năm nay, các homestay đều chật kín phòng, bởi du khách ai cũng muốn được cảm nhận không khí thiêng liêng nơi cực Bắc trong thời khắc lịch sử của dân tộc.
Đúng như lời ông Gai chia sẻ, đón bình minh trên Cột cờ Quốc gia Lũng Cú trong dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một điều thật đặc biệt với nhiều du khách. Trên đỉnh núi Rồng, khi mặt trời dần nhô lên từ rặng núi xa, những tia nắng đầu tiên chạm vào lá cờ đỏ sao vàng, tựa như một nghi lễ thiêng liêng đón chào ngày mới. Lá cờ rộng 54m², tượng trưng cho sự trường tồn và đoàn kết của 54 dân tộc Việt Nam kiêu hãnh tung bay giữa bầu trời biên giới. Chị Phan Mỹ Tiên du khách đến từ Cà Mau cảm nhận: “Đi hết chiều dài đất nước, đặt chân đến nơi địa đầu Tổ quốc trong thời khắc lịch sử, tôi cảm nhận sự thiêng liêng hai tiếng Việt Nam. Khoảnh khắc lá cờ được kéo lên, trong tiếng Quốc ca hào hùng vang vọng là một niềm mơ ước, vinh dự và tự hào”.
Du khách chụp ảnh lưu niệm bên Cột cờ Quốc gia Lũng Cú (Đồng Văn). |
Từ đỉnh Lũng Cú phóng tầm mắt về bốn phía, chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp của miền cực Bắc hiện nên hùng vĩ, nên thơ. Phía xa, những bản làng nhỏ bé giữa bạt ngàn đá núi; những thửa ruộng bậc thang nối nhau như xếp lên tầng trời. Giữa miền đá tai mèo khắc nghiệt ấy, những người lính đồn Biên phòng Lũng Cú vẫn ngày đêm bám trụ, canh giữ đường biên dài hơn 26 km với 26 cột mốc trải dài qua địa phận 2 xã biên giới Má Lé và Lũng Cú. Ở nơi biên thùy xa xôi, Cột cờ Quốc gia sừng sững trên đỉnh núi Rồng là minh chứng bất diệt cho chủ quyền đất nước mãi trường tồn. Theo dòng lịch sử nơi đây từng được Thái úy, Lý Thường Kiệt chọn làm điểm cắm cờ thời nhà Lý; đến thời nhà Tây Sơn, vua Quang Trung lại cho đặt đồn binh, đánh trống đồng canh giữ đất trời. Truyền thống lịch sử hào hùng ấy, vẫn tiếp nối trong từng nhịp bước chân tuần tra của những người chiến sỹ Biên phòng hôm nay. Dù nắng cháy, mưa sa, các anh vững tay súng, bảo vệ từng tấc đất quê hương.
Trung tá Nguyễn Xuân Hưng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Cú xúc động chia sẻ: “Đất nước có được hình hài như ngày hôm nay là biết bao sự hi sinh xương máu của thế hệ cha anh. Dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, càng nhắc nhở người lính Biên phòng chúng tôi về những bài học lịch sử, niềm tự hào dân tộc để giữ vững chủ quyền biên giới bằng cả trái tim và tình yêu đất nước. Dưới lá cờ Tổ quốc, chúng tôi nguyện tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhân dân, giữ vững biên cương mãi bình yên”.
Điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi trong hành trình về miền cực Bắc là UBND xã Lũng Cú. Qua lời chia sẻ của lãnh đạo xã được biết, bức tranh KT-XH của địa phương đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ, nhờ sự đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, xã đạt chuẩn Nông thôn mới từ năm 2021. Xã vinh dự là địa phương chọn làm điểm của tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 27 về xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Hàng năm, xã đẩy mạnh chuyển dịch mô hình kinh tế từ chăn nuôi, trồng trọt sang dịch vụ du lịch; nổi bật là thành công làng Lô Lô Chải được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Kinh tế nông thôn phát triển, dịch vụ du lịch khởi sắc, những hủ tục lạc hậu được lùi xa, đời sống người dân từng bước được nâng cao.
Trên miền cực Bắc xa xôi, từng nóc nhà, bản làng giữa triền đá xám đều mang trọn hồn cốt dân tộc. Ở nơi nét vẽ đầu tiên trên bản đồ Việt Nam, ta lại cảm nhận rõ nhất tình yêu nước, niềm tin son sắt và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Cột cờ Lũng Cú không chỉ là biểu tượng thiêng liêng, đánh dấu chủ quyền lãnh thổ của đất nước ta, mà còn gắn liền với tên gọi, mảnh đất và con người Hà Giang.
Bài, ảnh: HOÀNG HÀ
Nguồn: https://baohagiang.vn/50-nam-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc/202504/don-binh-minh-tu-noi-dia-dau-cuc-bac-3371a99/
Bình luận (0)