
Doanh nghiệp vẫn còn khó khăn
Theo thống kê của Sở Tài chính, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp quý I/2025 ước tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2024. Cả 4 nhóm ngành chính đều đạt mức tăng trưởng khá cao.
Ngành khai khoáng tăng 33,6%, ngành chế biến, chế tạo (luôn đóng vai trò quan trọng và là yếu tố quyết định chủ yếu đối với tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp địa phương) tăng 14,5%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 19,9% và ngành cung cấp nước tăng 6,3%.
Thương mại, dịch vụ, vận tải cũng ghi nhận mức tăng trưởng khả quan. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,2%. Lượng khách tham quan, lưu trú tăng 10%. Doanh thu du lịch tăng 26%...
Tổng thu ngân sách nhà nước 5.467 tỷ đồng, đạt 22% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 3% so cùng kỳ năm trước. Thu nội địa 5.411 tỷ đồng, đạt 26% dự toán, tăng 2% so cùng kỳ.
Ông Nguyễn Như Công - Giám đốc Sở Tài chính cho hay, số liệu công bố thể hiện mức tăng trưởng các ngành sản xuất quý I/2025 khá cao từ sau năm 2022 trở lại đây. Đây là chỉ dấu của sự nỗ lực, vượt khó không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp. Thu nội địa tăng nhẹ, nhưng chưa đủ bù đắp sự sụt giảm từ các nguồn thu khác. Sự suy giảm này có thể phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn hiện hữu.
HĐND tỉnh Quảng Nam quyết định 20.800 tỷ đồng là số thuế nội địa phải thu năm 2025. So với số thực thu năm 2024, dự toán ấn định cho năm 2025 chỉ bằng 91,2%.
Số thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương, địa phương, FDI sẽ khoảng gần 1.875 tỷ đồng (bằng 85,4% dự toán, 90,3% ước thực hiện năm 2024). Số thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh chiếm áp đảo tổng thu ngân sách nội địa thường niên (trên 60%), nhưng cũng không ngoại lệ năm 2025.
Con số giao thu từ khu vực này khoảng 12.522 tỷ đồng, tăng 0,3% dự toán, nhưng chỉ bằng 79,3% so số thực thu năm 2024. Tỷ trọng lớn nhất/tổng thu khu vực này vẫn là Trường Hải (chiếm 73,3%). Nhưng số giao chỉ bằng 98,7% dự toán, thấp gần 29% so số thực thu.
Số còn lại (3.342 tỷ đồng) sẽ động viên từ các doanh nghiệp thủy điện tư nhân (600 tỷ đồng), gần 9.000 doanh nghiệp nhỏ khác và hộ, cá nhân kinh doanh (2.742 tỷ đồng)... Trừ thuế bảo vệ môi trường tăng 174,4% (750 tỷ đồng) và thu tiền sử dụng đất tăng 338,2% (3.300 tỷ đồng), thì ngay cả các khoản thu lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân được ấn định tăng so dự toán năm 2024, nhưng cũng không bằng số thực thu (tăng 6,7%, bằng 94% và tăng 9,2%, bằng 95%).
Số thu nhiều năm phụ thuộc vào Trường Hải. Tuy nhiên, số thu từ tập đoàn này trong quý I/2025 mới đạt 2.538 tỷ đồng, giảm 8% so cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của Chi cục Thuế khu vực XII, chính sách giảm lệ phí trước bạn áp dụng (từ 1/7/2023 đến 31/12/2023) đã kích thích nhu cầu mua sắm ô tô tăng mạnh, đặc biệt vào cuối năm. Theo quy định, các khoản thuế phát sinh trong tháng 12/2023 sẽ được gia hạn nộp trước ngày 20/1/2024, giúp số thu thuế trong quý I/2024 tăng cao, đặc biệt trong tháng 1/2024 (đạt 1.664 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Việt Xuân - Phó Chi cục trưởng Chi cục thuế XII cho biết hoạt động kinh tế dù vẫn duy trì tăng trưởng ổn định, nhưng năm 2024, chính sách giảm lệ phí trước bạ chỉ được áp dụng từ ngày 1/9 đến 30/11.
Lượng ô tô bán ra trong tháng 12/2024 không còn được hưởng ưu đãi như năm trước. Vì vậy, số thuế phát sinh trong tháng này thấp hơn đáng kể, kéo theo khoản thuế nộp vào tháng 1/2025 giảm sút. Điều này khiến tổng số thu thuế trong quý I/2025 của Trường Hải giảm so với cùng kỳ.
Liệu có lạc quan ngân sách?
Các phân tích cho thấy, một khi ấn định số thu nội địa chỉ tăng ít ỏi (3,5% so dự toán 2024), nhưng thấp hơn nhiều so với con số thực thu năm 2024 thì khả năng thu ngân sách nội địa năm 2025 sẽ “dễ thở”.
Nguồn lực này chỉ trông chờ chủ yếu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi của Trường Hải, tháo gỡ được các vướng mắc của các dự án bất động sản và sức bật của doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất, kinh doanh.
Thông qua cuộc khảo sát 90 doanh nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy dự báo quý II/2025 và các quý sau, có đến 46% doanh nghiệp (chủ yếu là FDI và tư nhân) cho rằng sản xuất, kinh doanh sẽ khả quan hơn quý I/2025. Chỉ có khoảng 15 doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ khó hơn trong quý II/2025.
Ông Lê Quý Đạt - Chi cục trưởng Chi cục Thống kê Quảng Nam cho hay, nguồn lực chủ yếu của ngân sách nội địa là ô tô, thủy điện... chủ yếu tiêu thụ nội địa, sẽ không bị tác động nhiều của việc áp thuế quan xuất khẩu cao vào Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Sở Tài chính lẫn ngành thuế đều cho rằng nền kinh tế địa phương vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Bất lợi dễ thấy nhất là vẫn chưa thấy có chính sách giảm tiền lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ Chính phủ. Thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Khó có thể thu được 3.300 tỷ tiền sử dụng đất đã ấn định cho năm 2025.
Quý I/2025, 14 dự án đầu tư đã được cấp mới (10 dự án nội địa và 4 dự án FDI), nhưng các dự án này mới khởi đầu, chưa thể đóng góp được gì cho ngân sách nội địa. Trong khi đó, số doanh nghiệp rời bỏ thị trường lên đến con số 826, tăng 16.01%, gấp đôi số doanh nghiệp thành lập mới và tái hoạt động (499 doanh nghiệp, giảm 1,77%) là dấu hiệu bất an của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Như Công - Giám đốc Sở Tài chính nói, các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự phục hồi, đang phải đối mặt với những áp lực như thiếu đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao...
Khác với nhiều lo ngại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng quả quyết, thu ngân sách từ Trường Hải không có gì phải lo lắng. Các khoản thu lớn như thủy điện, Nam Hội An và nhiều khoản thu khác cũng sẽ tăng. Tiền sử dụng đất cam kết sẽ hoàn thành 3.300 tỷ đồng như kế hoạch. Tổng thu ngân sách nội địa sẽ đạt như dự toán đã ấn định.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/thu-noi-dia-tang-nhe-quang-nam-lieu-co-lac-quan-ngan-sach-3152943.html
Bình luận (0)