Để công nhân, người lao động “an cư, lạc nghiệp”, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh thu hút đầu tư; công bố công khai, rộng rãi các chương trình, đề án, kế hoạch, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội để các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu đầu tư vào tỉnh; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đồng thời, bố trí đủ quỹ đất đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo kết nối thuận tiện dành cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân KCN, nhà ở cho thợ mỏ…
Toàn tỉnh hiện có 5 dự án nhà ở xã hội đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng với gần 3.200 căn hộ như: Dự án khu nhà ở xã hội thuộc khu dân cư đồi Ngân hàng phường Hồng Hải và phường Cao Thắng (TP Hạ Long), Dự án khu nhà ở xã hội cho công nhân KCN Đông Mai tại phường Đông Mai… Cùng với đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng quan tâm xây dựng khu nhà tập thể cho công nhân, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở từ quỹ “Mái ấm công đoàn”…
Chị Đặng Thị Thuỳ Trang (nhân viên Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam) cho biết: Gia đình tôi ở TP Hạ Long. Dù mới làm việc tại công ty, song tôi được tạo điều kiện để có chỗ ở ổn định, an ninh đảm bảo, tiện nghi đầy đủ tại khu nhà ở xã hội của Công ty với quy mô 420 căn hộ. Ngoài việc có căng tin, siêu thị, sân bóng, khu vui chơi, hội trường..., khu nhà ở còn được bố trí khu vực giặt sấy miễn phí. Công ty cũng bố trí xe đưa đón CNLĐ, chuyên gia đi làm hằng ngày. Bên cạnh đó, Công ty thường xuyên quan tâm tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, giải trí cho công nhân lao động nhằm nâng cao đời sống tinh thần. Tôi rất yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài, tích cực đóng góp cho Công ty.
Nhằm đảm bảo chế độ, chính sách cho công nhân, lao động, tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ, công nhân, người lao động để lắng nghe, tiếp thu, kịp thời giải đáp các kiến nghị; tích cực tham gia ý kiến vào các dự án luật; chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở theo quy định… Đồng thời, tỉnh tập trung đôn đốc, hướng dẫn các công đoàn cơ sở phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức hội nghị CBCCVC và hội nghị người lao động, ký kết thoả ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động. Riêng năm 2024, 100% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị CBCCVC, 84% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động, 85 thoả ước lao động tập thể được ký mới lần đầu, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động, chăm lo đời sống cho người lao động, đảm bảo ổn định phát triển.
Nhìn chung các đơn vị, doanh nghiệp duy trì mức lương thu nhập đảm bảo mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP và điều chỉnh, bổ sung theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, mức tiền lương bình quân trả cho người lao động từ 10 - 11,5 triệu đồng/tháng. Trong đó, khối doanh nghiệp nhà nước là 12-14,5 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 7,5- 8,5 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp dân doanh là 6,5-7 triệu đồng/tháng.
Chị Bùi Thị Thanh Xuân, Nhân viên Khách sạn The Yacht Hotel by DC, chia sẻ: Khách sạn The Yacht Hotel by DC hiện có trên 200 người lao động. Cũng giống như tôi, phần lớn người lao động đều gắn bó với khách sạn ngay từ những ngày đầu. Các chính sách, chế độ của khách sạn rất minh bạch, công bằng, công khai từ lương, thưởng, bảo hiểm. Bên cạnh thường xuyên tổ chức các chương trình, khách sạn cũng chú trọng tạo môi trường làm việc để mỗi cán bộ, nhân viên, người lao động có thể phát triển bản thân. Cùng với đó, khách sạn cũng tổ chức nhiều hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí giúp chúng tôi gắn bó, đoàn kết, thân thiết..
Với phương châm "Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn", hoạt động chăm lo cho công nhân, người lao động tiếp tục được quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục, đạt kết quả tốt. Trong đó, các đơn vị huy động nguồn lực thăm hỏi, động viên, tặng quà cho công nhân lao động dịp lễ, tết, tổ chức các chương trình “Tết Sum vầy"; duy trì “Chợ Tết Công đoàn”, tặng phiếu mua hàng OCOP Quảng Ninh cho công nhân lao động có khó khăn; xây dựng kế hoạch, phương án tiền lương, khuyến khích tiền lương và các chế độ khác, công bố công khai đến người lao động; bố trí xe đưa đón công nhân về quê nhân dịp lễ, tết…
Đặc biệt, các cấp công đoàn đã kịp thời hỗ trợ, tặng quà cho 11.091 lượt đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 trong năm 2024 với tổng số tiền 10,43 tỷ đồng từ nguồn ngân sách công đoàn, nguồn ủng hộ và nguồn xã hội hoá, đồng thời, thông qua các chương trình trực tiếp hỗ trợ 3000 suất quà bằng hiện vật với tổng trị giá 3 tỷ đồng cho đoàn viên, người lao động.
Sự quan tâm của tỉnh, đồng hành của doanh nghiệp và vào cuộc của các cấp công đoàn chính là nền tảng giúp người lao động an tâm gắn bó, nỗ lực cống hiến, cùng phát triển. Đây cũng là yếu tố then chốt trong việc thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/tich-cuc-cham-lo-cho-nguoi-lao-dong-3355978.html
Bình luận (0)