Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trung tâm tài chính tại Việt Nam: khác biệt, nhưng vẫn tiệm cận chuẩn mực quốc tế

Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế (IFC) là cơ hội lớn để Việt Nam hút vốn phục vụ cho đầu tư phát triển, nhưng Việt Nam sẽ không "sao chép" mô hình của một quốc gia nào mà sẽ xây dựng trung tâm phù hợp với thực tế và dựa trên thế mạnh của mình. Đây là khẳng định của các chuyên gia thảo luận tại sự kiện "Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính" do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 16/4/2025.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng16/04/2025

Trung tâm tài chính tại Việt Nam: khác biệt, nhưng vẫn tiệm cận chuẩn mực quốc tế
Sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN và các bên liên quan sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của trung tâm tài chính

Chia sẻ một số điểm khác biệt giữa thực tiễn của Việt Nam và một số quốc gia khác, ông Nguyễn Đức Long - Cục trưởng Cục an toàn các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khẳng định, chủ trương thành lập IFC là một chủ trương lớn, quan trọng nhưng cũng là vấn đề khó, phức tạp đối với Việt Nam không chỉ ở quy mô dân số, địa lý… mà còn khác biệt về khung pháp lý. Các IFC quốc tế vận hành lâu đời ở các quốc gia phát triển có hành lang pháp lý thông thoáng, đối với các nước có xuất phát điểm thấp hơn cũng có khu pháp lý thông thoáng hơn. Còn ở Việt Nam có quy định chặt chẽ để đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô. Đơn cử như về quy định giao dịch vốn, tự do hoá dòng vốn là một điều kiện lớn để thành lập IFC. Hiện Việt Nam có quy định chặt chẽ về vấn đề này.

Từ kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, ông Richard D. McClellan, chuyên gia kinh tế, cố vấn độc lập chuyên về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính và chiến lược đầu tư nhận thấy, một trong những điểm khác biệt và thách thức lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, so với các IFC đã phát triển trong những thập kỷ qua, nằm ở quy mô và cơ chế quản lý. IFC ở Astana hay Dubai, vốn được xây dựng trên diện tích nhỏ, dân số ít, và có sự tập trung cao độ của chính quyền...

Điều này cho thấy, trong khi các nước khác có thể dễ dàng thiết lập các cơ cấu ra quyết định phức tạp nhờ vào mô hình quản lý đơn giản, Việt Nam có quy mô lớn hơn nhiều và đòi hỏi một mô hình ra quyết định mang tính đồng thuận cao hơn. Việt Nam cần tham vấn nhiều bên, cả ở cấp trung ương và địa phương, trước khi đưa ra các quyết định quan trọng. Điều này đồng nghĩa với việc quá trình tham vấn và tham khảo ý kiến sẽ phức tạp và kéo dài hơn đáng kể so với các nước khác.

Dù có nhiều khác biệt song ông Richard D. McClellan vẫn khẳng định,"dù là chúng ta làm gì đi nữa, chúng ta cũng phải làm cho môi trường trong IFC phải gần nhất với chuẩn mực quốc tế có thể". Để làm được điều này, Việt Nam sẽ cần phải cải tiến môi trường pháp lý để có thể thực hiện được IFC. Trong đó cần phải đảm bảo tính lưu động của vốn, cải tiến các quy định quản lý ngoại hối và có thể có hệ thống tòa án riêng cho các trung tâm tài chính; tuân thủ theo các tiêu chuẩn tài chính quốc tế để nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam nhưng vẫn được hoạt động trong môi trường đã quen thuộc, bởi vì có môi trường của IFC.

Trung tâm tài chính tại Việt Nam: khác biệt, nhưng vẫn tiệm cận chuẩn mực quốc tế
Toàn cảnh sự kiện

Luôn đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô

Để tạo ra một khung pháp lý đảm bảo IFC hoạt động hiệu quả nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô, ông Nguyễn Đức Long hiểu rằng, hoạt động ngân hàng truyền thống sẽ không nhiều mà sẽ hướng về các hoạt động ngân hàng mới, theo thông lệ quốc tế. Đi kèm như vậy, việc quản lý an toàn hoạt động cũng được đặt ra. Hiện nay, quy định sẽ theo hướng các định chế tài chính khi được thành lập trong trung tâm tài chính phải thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế, theo chuẩn mực các quy định an toàn theo thông lệ quốc tế.

Đối với các định chế tài chính Việt Nam được thành lập trong IFC, về nguyên tắc cũng sẽ áp dụng theo thông lệ quốc tế, có thông tư mới về tỷ lệ an toàn vốn, tuân thủ theo Basel II nâng cao. Bên cạnh đó, sẽ có 3 nhóm khách hàng các định chế tài chính trong IFC phục vụ đó là cung cấp dịch vụ tài chính xuyên biên giới cho đối tác nước ngoài, cung cấp các dịch vụ cho các thành viên… dưới góc độ của cơ quan quản lý sẽ phối hợp với các bên để xây dựng trung tâm tài chính hoạt động hiệu quả nhưng cũng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh những nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, ông Nguyễn Mạnh Khôi, Trưởng Phòng Kinh doanh vốn, Khối Kinh doanh vốn và thị trường Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) mong rằng, các IFC sẽ đa dạng hóa sản phẩm tài chính và từng bước tiệm cận với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực và thế giới; cần khuyến khích và hỗ trợ phát triển các sản phẩm tài chính mới, công cụ phái sinh và các sản phẩm đầu tư sáng tạo, giúp tăng tính linh hoạt và chiều sâu cho thị trường; đẩy mạnh các điều kiện nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán, đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và từng bước đưa vào vận hành các thị trường mới như thị trường hàng hóa, ngoại tệ, tài sản số…, tiệm cận mô hình của các trung tâm tài chính quốc tế. Đồng thời, phát triển thị trường hàng hóa dựa trên lợi thế quốc gia; tập trung phát triển nhóm sản phẩm phái sinh hàng hóa với các mặt hàng chủ lực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như lúa gạo... trong khi các thị trường hàng hóa khác chưa triển khai mặt hàng này. Xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch để hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân và nhà đầu tư tham gia hiệu quả vào thị trường này, góp phần giảm thiểu rủi ro giá cả và tăng giá trị cho ngành nông sản; từng bước mở rộng liên thông các thị trường khác trong khu vực và thế giới.

Có thể thấy, sự ổn định và minh bạch của hệ thống ngân hàng Việt Nam là yếu tố then chốt để thu hút vốn đầu tư nước ngoài; và các ngân hàng nước ngoài cũng đóng vai trò đặc biệt là trong việc xây dựng và vận hành một IFC hiệu quả. Ông Ryu Je Eun, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho biết, ngân hàng đã hỗ trợ tài chính đáng kể cho các doanh nghiệp Hàn Quốc để họ có thể hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Không chỉ cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, ngân hàng còn tận dụng mạng lưới quốc tế với chi nhánh tại 20 quốc gia để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động tại Hàn Quốc, Hồng Kông và nhiều thị trường khác. "IFC được xây dựng dựa trên nền tảng các quy định minh bạch và sự tham gia của các thể chế tài chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư. Qua đó, chúng tôi không chỉ hỗ trợ tài chính cho các công ty trong ngành sản xuất, mà còn đóng góp vào sự phát triển của các công ty khởi nghiệp, các ngành công nghiệp sáng tạo và lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech)".

Để xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế có tầm ảnh hưởng, PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần có sự kết hợp của các chính sách tập trung vào đổi mới công nghệ, phát triển bền vững, một khung pháp lý linh hoạt và hiệu quả, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy cả cạnh tranh và hợp tác, và xây dựng một nền tảng kinh tế và pháp lý vững chắc.

TP. Hồ Chí Minh không nên đi theo mô hình trung tâm tài chính truyền thống, mà nên quan tâm nhiều hơn đến hạ tầng công nghệ và năng lực số; khuyến khích tăng trưởng trong tài chính bền vững bằng cách dẫn đầu các nhóm đa phương để phát triển chiến lược bền vững.

Tin tưởng vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng của NHNN và hệ thống ngành Ngân hàng, PGS.TS. Đặng Ngọc Đức khẳng định, những định hướng rõ ràng của NHNN trong việc áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế là một bước tiến quan trọng, nhằm đảm bảo sự an toàn, minh bạch và hiệu quả cho hoạt động của các định chế tài chính. Sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN và các bên liên quan sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của IFC. Điều này không chỉ củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính khu vực và quốc tế. Việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế sẽ giúp thị trường tài chính Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao, và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/trung-tam-tai-chinh-tai-viet-nam-khac-biet-nhung-van-tiem-can-chuan-muc-quoc-te-162881.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm