Các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Điểm nổi bật, gần 400 ha xoài của HTX Ngọc Lan và 612 hộ của 2 xã Hát Lót, Chiềng Mung và thị trấn Hát Lót được UBND tỉnh công nhận ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX Ngọc Lan, phấn khởi: HTX có 52 hộ thành viên, đang trồng 60 ha xoài đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. HTX và các hộ đã đầu tư, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm tự động cho 65,9% diện tích, giúp giảm tối đa chi phí sản xuất. Diện tích xoài của HTX và các hộ dân vừa được công nhận vùng xoài ứng dụng công nghệ cao, mở ra cơ hội để việc sản xuất, tiêu thụ thuận tiện, giúp nhân dân làm giàu từ cây xoài.
Tại huyện Yên Châu, đầu năm 2025, nông dân các xã Phiêng Khoài, Lóng Phiêng, Chiềng Hặc đón tin vui khi 3 vùng xoài, nhãn, mận được công nhận vùng sản xuất công nghệ cao với tổng diện tích hơn 1.000 ha.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Sơn La xây dựng, hình thành nhiều mô hình, cách làm hay trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, như: Mô hình mận hậu, nhãn chín sớm, rau an toàn trái vụ, mô hình chăm sóc cây ăn quả, chè, cà phê theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; mô hình trồng na hoàng hậu, dâu tây... cho thu nhập từ vài trăm đến hàng tỷ đồng/ha/năm. Nhiều HTX, hộ gia đình đã ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhất là các biện pháp đốn tỉa, bao trái, đầu tư nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tiết kiệm nước, tưới nước tự động, tạo ra các sản phẩm hoa quả chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường...
Tiêu biểu, HTX Nông sản Noọng Piêu, xã Phiêng Khoài, là một trong những HTX có diện tích mận được công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chị Bùi Phương Thanh, Phó Giám đốc HTX chia sẻ: HTX có 30,5 ha, nâng cao chất lượng quả mận, HTX vận động thành viên ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhất là để có những trái mận chất lượng, quá trình sản xuất phải tỉa đi 30-50% sản lượng, tỉa cành, tỉa trái để giữ lại những quả ngon nhất ở đầu cành.
Bên cạnh đó, sản xuất mận Ruby tập trung vào kỹ thuật điều khiển quả ra tại vị trí thân, cành cấp 1. Từ đó, quả to hơn, hình thức mẫu mã quả, chất lượng cao hơn so với quả ra ở cành cấp 4, cấp 5. Đồng thời, kết hợp tổng hợp các biện pháp kỹ thuật về cắt tỉa cành, bón phân, tưới nước, khoanh gốc để chăm sóc và tạo màu cho quả. Năm 2024, HTX là đơn vị đầu tiên của tỉnh đưa 10 tấn mận vào thị trường một số nước EU: Anh, Pháp, Đức, Cộng hòa Séc. Với mẫu mã đẹp, chất lượng cao, mận Ruby có giá 70.000-120.000 đồng/kg. Năm 2024, mận Ruby của HTX đạt sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh.
Sơn La công nhận 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: 2 vùng chè, chăn nuôi bò sữa tại huyện Mộc Châu; 2 vùng cà phê, 1 vùng na, 1 vùng xoài tại huyện Mai Sơn và 3 vùng nhãn, mận, xoài tại huyện Yên Châu. Năm 2024, tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đạt 8.687 tỷ đồng. Giá trị thu nhập trên một ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao tăng từ 1,5-2 lần trở lên so với canh tác truyền thống. Toàn tỉnh có 5.596 ha cây trồng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP và tương đương.
Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thông minh
Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV nhiệm kỳ 2020 - 2025 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Sơn La đã tập trung cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng.
Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, thông tin: Thực hiện chủ trương của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2025. Vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư các chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa, hiện đại hóa trang thiết bị; ứng dụng toàn diện, đồng bộ các kỹ thuật phục vụ sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện theo hướng bền vững, không gây hại cho môi trường.
Năm 2024, giá trị sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích của huyện Yên Châu đạt 60 triệu đồng/ha; có khoảng 7.200 ha cây ăn quả được ứng dụng công nghệ cao, chiếm 60% tổng diện tích cây ăn quả của huyện; trên 1.666 ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng và chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chiếm 14,3% tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện; khoảng 90% diện tích cây trồng được sản xuất đảm bảo quy trình kỹ thuật.
Việc xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo bước đột phá, chuyển nhanh từ nền nông nghiệp truyền thống dựa vào khai thác các nguồn tài nguyên có giới hạn, quy mô sản xuất nhỏ sang nền nông nghiệp chất lượng, quy mô lớn dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ. Xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân các vùng sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới. Quan trọng hơn là sản phẩm nông nghiệp hướng đến các tiêu chí sạch, an toàn sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Vũ Tiến Đĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: Sở tiếp tục tham mưu tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng; hỗ trợ, hướng dẫn các HTX, nông dân phát triển cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; tăng diện tích, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các sản phẩm hữu cơ phục vụ tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường.
Đồng thời, rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất theo hướng đối với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh và có điều kiện. Các địa phương đẩy mạnh việc xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái; đối với những cây trồng chưa có điều kiện áp dụng ngay, tập trung hình thành chuỗi liên kết sản xuất ổn định với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà máy chế biến để có sự hỗ trợ của doanh nghiệp.
Với những thành quả đạt được, nông nghiệp Sơn La hứa hẹn phát triển mạnh theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới Sơn La ngày một khởi sắc.
Nguồn: https://baosonla.vn/kinh-te/ung-dung-cong-nghe-cao-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-TlV8yX0Hg.html
Bình luận (0)