Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xu thế chăn nuôi xanh: [Bài 2] Giảm phát thải gắn bảo vệ môi trường

TÂY NINH Mô hình 'chăn nuôi xanh' đang được nhiều trang trại, doanh nghiệp tại Tây Ninh lựa chọn nhằm phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Báo Nông nghiệp Việt NamBáo Nông nghiệp Việt Nam04/04/2025

Quy trình chăn nuôi thân thiện môi trường

Tây Ninh là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp tương đối lớn, thuận lợi để xây dựng các trang trại xa khu dân cư, đảm bảo an toàn sinh học. Những năm gần đây, ngành chăn nuôi Tây Ninh phát triển vượt bậc, trong đó, chủ yếu là các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh và đáp ứng tiêu chí môi trường, hầu hết các trại đều được đầu tư theo hướng công nghệ cao.

Không gian xanh vừa có bóng mát, vừa có tác dụng hút mùi tại trang trại Futifarm. Ảnh: Trần Trung.

Không gian xanh vừa có bóng mát, vừa có tác dụng hút mùi tại trang trại Futifarm. Ảnh: Trần Trung.

Theo chân cán bộ chăn nuôi, thú y Tây Ninh đến thăm trang trại chăn nuôi heo tuần hoàn khép kín Futifarm, tọa lạc tại huyện Tân Châu, chúng tôi cảm nhận được không gian ở đây thật thoáng đãng. Bao quanh trang trại là rừng cao su bạt ngàn, trong khuôn viên của trang trại được trồng mít siêu sớm vừa tạo không gian xanh mát vừa có tác dụng hút mùi.

Anh Văn Thanh Phong, chủ Trang trại Futifarm cho biết, xác định rõ việc phát triển chăn nuôi muốn bền vững phải đi đôi với công tác bảo vệ môi trường, ngay từ khi xây dựng trang trại, anh đã hướng “chăn nuôi xanh” thân thiện môi trường. Theo đó, chuồng trại hoàn toàn khép kín, khoa học như: bố trí quạt làm mát, xung quanh chuồng có rèm che, phía trước trại thiết kế một dàn máy làm lạnh kiểu tổ ong để làm mát chuồng, phía sau gắn 4 quạt máy cỡ lớn liên tục quay để thông gió cùng hệ thống xử lý nước, chất thải hiện đại.

Bên trong trang trại Futifarm. Ảnh: Trần Trung.

Bên trong trang trại Futifarm. Ảnh: Trần Trung.

Chúng tôi cùng anh Phong vận hành hệ thống xử lý chất thải, dù đã được “mục sở thị” nhiều quy trình nhưng mọi người đều ấn tượng với hệ thống của Futifarm. Trên diện tích gần 2 ha, ngoài hầm biogas, chủ trang trại còn đầu tư hồ điều hòa, bể khí Anoxic, bể khí Aerotank, hồ lắng vi sinh, bể khử trùng, hồ sinh học và hồ chứa nước đạt chuẩn sau xử lý dùng để nuôi cá, tái sử dụng tưới, tắm heo tạo thành chuỗi tuần hoàn khép kín.

Theo đó, hệ thống sử dụng phương pháp tách cặn chất thải chăn nuôi thông qua hệ thống bể lắng kết hợp với hầm biogas. Ngoài ra, nước và chất thải còn được xử lý qua hệ thống máy bơm lọc sinh học, bơm hồ thu, máy thổi khí. Chất thải sau khi tách nước được ủ làm phân vi sinh để bón cho cây trồng rất hiệu quả. Nước thải được tái sử dụng góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường.

Tại khu vực chăn nuôi, heo được cho ăn thức ăn khô là cám dinh dưỡng đã phối trộn sẵn thông qua hệ thống silo chứa cám và đường ống phân phối thức ăn tự động về các khu vực máng ăn tại chuồng nuôi. Với việc cho ăn như vậy, giúp Futifarm tiết kiệm thức ăn từ việc thức ăn rơi vãi ra chuồng gây dơ bẩn và ô nhiễm.

Một góc hệ thống xử lý chất thải của trang trại Futifarm. Ảnh: Trần Trung.

Một góc hệ thống xử lý chất thải của trang trại Futifarm. Ảnh: Trần Trung.

Đặc biệt, heo được cho uống nước bằng các vòi nước “thông minh” (khi heo muốn uống nước sẽ ngậm vào núm uống và nước tự động chảy ra), núm uống được bố trí cao hay thấp phụ thuộc vào giai đoạn nuôi, độ tuổi và trọng lượng của heo, bên dưới có hệ thống máng thu gom nước khi heo uống bị rơi vãi đảm bảo cho việc tiết kiệm nước, công lao động, khống chế dịch trong quá trình chăn nuôi được tốt hơn. Thiết kế này giúp chuồng trại luôn đảm bảo sạch và an toàn. Với việc đầu tư hệ thống chuồng trại theo công nghệ mới, heo được ăn uống tự do, đảm bảo thức ăn, nước uống luôn sạch và đủ.

“Mặc dù được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường với quy mô đàn heo 6.000 con, nhưng trang trại chỉ đưa vào chăn nuôi hơn 3.500 con nhằm giảm mật độ, tránh tình trạng quá tải, gây áp lực lên hệ thống xử lý chất thải và đảm bảo môi trường trong lành. Hiện doanh nghiệp quan tâm nhất là vấn đề giải quyết lượng khí biogas dư thừa, nhà nước cần có cơ chế thu mua để tránh lãng phí nguồn tài nguyên tái tạo này”, anh Phong nói.

Sức bật từ nhà đầu tư hàng đầu

Cùng với sự chủ động của người chăn nuôi, nhiều nhà đầu tư hàng đầu hiện diện tại Tân Châu cũng đang triển khai các chiến lược hướng tới phát triển ngành chăn nuôi xanh.

Một góc trang trại chăn nuôi heo nái công nghệ cao Nam An Khánh. Ảnh: Trần Trung.

Một góc trang trại chăn nuôi heo nái công nghệ cao Nam An Khánh. Ảnh: Trần Trung.

Một trong những cái tên nổi bật là Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam, được thành lập từ năm 2017 và hoạt động chính trong lĩnh vực nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo giống, heo thịt thương phẩm theo mô hình chuỗi 3F 100% khép kín FEED – FARM – FOOD “từ trang trại đến bàn ăn”.

Trang trại chăn nuôi heo nái công nghệ cao Nam An Khánh thuộc Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam được xây dựng tại huyện Tân Châu, quy mô 15 ha, nuôi 5.000 đầu heo nái cho ra sản lượng tương ứng khoảng 150.000 con heo cai sữa mỗi năm. Hệ thống trang trại áp dụng công nghệ hiện đại chuồng hầm tiên tiến nhất trên thế giới đảm bảo môi trường sống cho vật nuôi. Các trang thiết bị hiện đại, hệ thống quản lý tự động và xử lý nước thải được nhập từ Châu Âu và Mỹ như: AP, Cristal, Skiold, Big Dutchman…

Heo được ăn uống tự động góp phần giảm phát thải trong chăn nuôi. Ảnh: Trần Trung.

Heo được ăn uống tự động góp phần giảm phát thải trong chăn nuôi. Ảnh: Trần Trung.

Đặc biệt, doanh nghiệp áp dụng quy cách “vành đai cách ly” khắt khe theo quy chuẩn chăn nuôi hiện đại hàng đầu thế giới nhằm tuyệt đối đạt được mục tiêu “an toàn sinh học”. Tiến hành khử trùng và cách ly từ 48h - 72h đối với công nhân trước khi vào trại nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh. Toàn trang trại heo chia thành 3 phân khu chức năng riêng biệt, gồm: Khu văn phòng, khu sản xuất, khu xử lý nước cấp và nước thải. Khu vực sản xuất bao gồm chuồng lấy tinh, chuồng nái, chuồng mang thai và chuồng đẻ riêng biệt.

Hệ thống cho ăn tự động thông qua hệ thống điều khiển trung tâm giúp giảm thiểu tiếp xúc giữa người đối với vật nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh, tiết giảm đáng kể chi phí nhân công. Bên cạnh đó, hệ thống làm mát trung tâm duy trì nhiệt độ ổn định 25 - 26 độ đảm bảo môi trường phát triển cho vật nuôi.

Trang trại xanh Nam An Khánh còn đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại đạt chất lượng loại A theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế - có thể sử dụng cho sinh hoạt cùng kỹ thuật xử lý tiên tiến đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất. Phân heo được xử lý qua 3 hồ lắng, nhà máy lọc nước, nước sạch, sau đó phân khô sẽ được thu gom để làm phân bón. Góp phần bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi. Ảnh: Trần Trung.

Các doanh nghiệp quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam, Tân Châu còn có sự góp mặt của những tên tuổi hàng đầu đến từ các nước có nền chăn nuôi phát triển châu Âu và Đông Nam Á như Tập đoàn De Heus, Tập đoàn Vinafeed, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam,…hầu hết các dự án đều sử dụng các công nghệ tiên tiến từ các nước như Hà Lan, Đức và Nhật Bản để quản lý và vận hành.

Các doanh nghiệp này góp phần giúp tỉnh Tây Ninh hiện thực hóa đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững, xây dựng các vùng nông nghiệp phù hợp từng vùng sinh thái gắn với sản xuất hàng hoá chất lượng cao.

 “Các dự án chăn nuôi tại Tây Ninh phải bảo đảm các tiêu chí về quy hoạch sử dụng đất của địa phương, bảo đảm thực hiện năng lực tài chính và ký quỹ theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, bảo đảm mật độ chăn nuôi và yếu tố môi trường theo đúng quy định…”, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/xu-the-chan-nuoi-xanh-bai-2-giam-phat-thai-gan-bao-ve-moi-truong-d744717.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm