Các đám cháy hiện cơ bản được dập tắt song để lại hậu quả lớn, đồng thời nguy cơ cháy rừng trong thời gian tới vẫn rất cao, đòi hỏi các biện pháp phòng ngừa quyết liệt hơn nữa.
Người dân tham gia chữa cháy rừng tại xã An Lạc (Sơn Động). |
Riêng tại huyện Sơn Động xảy ra 7 vụ cháy rừng. Trong đó, xã Yên Định 1 vụ, diện tích đám cháy khoảng 2 ha rừng trồng, 1 ha rừng tự nhiên do hộ gia đình quản lý; xã An Lạc xảy ra 2 vụ, cháy khoảng 18 ha rừng (16 ha rừng trồng do hộ gia đình quản lý và 2 ha rừng trồng đặc dụng do Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử quản lý); xã Phúc Sơn xảy ra 1 vụ, cháy khoảng 5 ha rừng trồng do hộ gia đình quản lý; xã Giáo Liêm xảy ra 1 vụ, cháy khoảng 16,5 ha (15 ha rừng trồng, 1,5 ha rừng tự nhiên do hộ gia đình quản lý); xã Vân Sơn xảy ra 1 vụ, cháy khoảng 4,5 ha rừng trồng do hộ gia đình quản lý; xã Hữu Sản xảy ra 1 vụ, cháy khoảng 2 ha rừng trồng do hộ gia đình quản lý.
Đám cháy rừng xảy ra tại xã Huyền Sơn (Lục Nam). |
Tại huyện Lục Nam, ngày 12/4 xảy ra 1 vụ cháy tại thôn Giáp Sơn, xã Cẩm Lý với diện tích cháy khoảng 10,2 ha rừng trồng; xã Huyền Sơn xảy ra 1 vụ tại thôn Chùa, diện tích cháy khoảng 5,1 ha rừng tự nhiên do hộ gia đình quản lý.
Được biết, thời điểm xảy ra cháy rừng thời tiết có gió lớn, cộng thêm lớp thực bì dày khiến công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Trong ngày 13/4, vụ cháy rừng trồng đặc dụng tại xã An Lạc do Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử quản lý tiếp tục bùng phát trở lại, sau đó đã được cơ quan chức năng, người dân phối hợp khống chế thành công.
Ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho hay, ngay sau khi nhận được thông tin về các vụ cháy, Sở đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng huy động lực lượng, phương tiện ngăn chặn, khống chế và dập tắt các đám cháy, không để thiệt hại về người và phương tiện tham gia chữa cháy, hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra.
Hiện lực lượng kiểm lâm đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhận định tình hình cháy rừng còn diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí lực lượng canh phòng, thường trực phòng cháy trong ngày bảo đảm theo cấp dự báo cháy rừng quy định; phân trực rõ ràng cụ thể cho từng người (có sổ phân công trực cháy rừng).
Chủ động, sẵn sàng cơ động lực lượng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, không để xảy ra cháy lan trên diện rộng. Tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng. Kiên quyết xử lý chủ rừng không thực hiện đúng quy định pháp luật về sử dụng lửa khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng.
Cùng đó, chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với diện tích rừng tự nhiên bị cháy thời gian qua, yêu cầu giữ nguyên hiện trường, tuyệt đối không tác động xâm hại đến rừng, không lợi dụng trồng rừng kinh tế để thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên.
Các chủ rừng tích cực tuần tra, kiểm tra rừng; duy trì nghiêm chế độ trực phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm thời gian theo cấp dự báo cháy rừng quy định; sớm phát hiện điểm cháy, dập tắt ngay khi có cháy rừng xảy ra và cử lực lượng canh gác tại chỗ để xử lý khi có cháy lại. Không để tình trạng rừng bị cháy nhưng không kịp thời phát hiện, báo cáo theo quy định.
Nguồn: https://baobacgiang.vn/bac-giang-lien-tiep-xay-ra-9-vu-chay-rung-postid416055.bbg
Bình luận (0)