Tiềm năng phát triển sản phẩm chế biến sâu
Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, Gia Lai hội tụ các yếu tố cần thiết để trở thành trung tâm nông sản của khu vực Tây Nguyên. Hiện tỉnh có nhiều mặt hàng nông sản chủ lực có giá trị kinh tế cao, mang đậm dấu ấn đặc trưng như cà phê, hồ tiêu, mật ong, hạt mắc ca, hạt điều, trái cây chế biến...
Tỉnh có sản phẩm L’amant Café đạt thương hiệu quốc gia, mật ong Phương Di đạt chứng nhận OCOP 5 sao và rất nhiều sản phẩm OCOP 3-4 sao. Nhiều sản phẩm đang từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại quốc tế và có tiềm năng lớn để xuất khẩu.
Thời gian qua, hoạt động xuất khẩu của tỉnh liên tục tăng trưởng về quy mô, sản phẩm xuất khẩu ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng. Nhiều sản phẩm như cà phê, cao su, trái cây chế biến... đã có mặt ở gần 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bà Trần Thị Lan Anh-Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, người đồng sáng lập thương hiệu L’amant Café-cho biết: “Sau thành công với các sản phẩm cà phê nhân xanh, chúng tôi đặt ra sứ mệnh cho mình là mang cà phê hữu cơ Việt ra thế giới. Là nhà sản xuất, chúng tôi luôn nắm bắt xu hướng để tạo ra nhiều sản phẩm hợp gu và chất lượng tốt nhất.
Bí quyết giúp sản phẩm L’amant Café mang nét đặc trưng đó là sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại tạo ra các profile rang khác nhau để cho ra nhiều dòng như: Fine Robusta Organic, cà phê rang hạt, cà phê rang xay, cà phê hòa tan, các sản phẩm cà phê tiện lợi. Hiện nay, sản phẩm L’amant Café đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc… Đây là bước đi chiến lược trong việc mở rộng thị phần và từng bước khẳng định vị thế của cà phê Gia Lai trên bản đồ cà phê thế giới.
Trong tương lai, doanh nghiệp đặt mục tiêu tiếp cận sâu hơn vào các thị trường tiềm năng tại châu Á và châu Mỹ, hướng tới mục tiêu dài hạn là đưa cà phê Gia Lai trở thành sản phẩm đặc trưng trong phân khúc cà phê chất lượng cao toàn cầu.
Hiện nay, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã liên kết với hơn 10.000 nông hộ và đầu tư phát triển nông trại trồng cà phê hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, EU Organic, Japanese Agricultural Standards, Korean Organic, mang lại nguồn cà phê Robusta hữu cơ chất lượng cao”.
Cũng theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, trong quá trình thâm nhập các thị trường xuất khẩu, Vĩnh Hiệp được Sở Công thương kết nối với một số đối tác để mở rộng việc phân phối độc quyền thương hiệu L’amant Café tại Singapore và Nhật Bản. Ngoài ra, Sở Công thương còn giới thiệu, quảng bá thương hiệu L’amant Café cho tham tán thương mại các nước trên thế giới.
Quý I-2025, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là 462 triệu USD (đạt 54,35% kế hoạch, tăng 11,59% so với cùng kỳ năm ngoái). Riêng mặt hàng cà phê đạt kim ngạch xuất khẩu 447,53 triệu USD (tăng 13,59% về giá trị) với sản lượng 88.853 tấn. Mặt hàng này hiện chiếm đến 96,8% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Hiện nay, việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản, dược liệu là một trong những mục tiêu lớn mà các nhà sản xuất đang hướng tới. Do đó, cùng với phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu thì các hoạt động quảng bá sản phẩm ra nước ngoài đang được đẩy mạnh, mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm tiêu biểu của địa phương.
Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho hay: Trong các chuyến đi, đơn vị luôn ưu tiên hỗ trợ nhà sản xuất ở các ngành hàng có thế mạnh về xuất khẩu như cà phê, hồ tiêu, mật ong, hạt điều, mắc ca, chanh dây, sản phẩm từ dược liệu.
Đơn cử như đầu tháng 4 năm nay, đơn vị đã hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia “Triển lãm TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành hữu nghị tại Savannakhet lần thứ 5”. Qua 5 ngày giới thiệu và tìm kiếm đối tác tại tỉnh Savannakhet (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai (huyện Chư Pưh) đã tìm kiếm được 1 nhà phân phối hàng hóa tại Siêu thị Mini Mart Sai và 2 đơn vị phân phối bán lẻ mặt hàng nước cốt atiso đỏ, đẳng sâm, mật ong cốt gừng; Công ty TNHH Sản xuất-đóng gói-gia công và thương mại Hoa Sen Tây Nguyên (TP. Pleiku) đã tìm được 2 đầu mối phân phối bán lẻ sản phẩm tương đen, tương ớt.
Tuy nhiên, do khâu vận chuyển còn nhiều khó khăn nên trước mắt các doanh nghiệp sẽ vận chuyển thông qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) và Cửa khẩu Quốc tế Đensavan (tỉnh Savannakhet) để phân phối cho thị trường tại tỉnh Savannakhet.

Hay trước đó, tỉnh có nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm ra nước ngoài như Singapore, Lào, Trung Quốc, Nhật Bản… đã hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của các nước để khai thác thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã kết nối được với đối tác để thương thảo cách thức hợp tác; có doanh nghiệp, hợp tác xã đã xuất hàng đi các thị trường này.
Cần chuẩn hóa chất lượng sản phẩm
Hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu dưới dạng thành phẩm còn hạn chế. Các doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều nút thắt về quy chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn của các quốc gia, tổ chức quốc tế.
Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin thị trường, thiếu đội ngũ chuyên trách xuất khẩu ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, rồi thủ tục kiểm định, chi phí logistics… vẫn là trở lực lớn đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-nêu quan điểm: Muốn nông sản Gia Lai chinh phục thị trường quốc tế thì không thể tiếp tục duy trì tư duy sản xuất để bán thô. Thay vào đó, phải chuyển hướng sang sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, đầu tư vào chế biến sâu và xây dựng thương hiệu mạnh.
Tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, đáng chú ý là chương trình hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, nâng cao năng lực sản xuất, chuẩn hóa nguyên liệu đầu vào, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ chế biến hiện đại, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã.

“Mới đây, khi đối tác Nhật Bản tiếp cận trực tiếp một số sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, họ đã thay đổi suy nghĩ về nông sản Gia Lai. Đó là nông sản của Gia Lai không chỉ bán thô mà các doanh nghiệp đã sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng cao dưới dạng thành phẩm, mang thương hiệu riêng.
Nếu các sản phẩm nông nghiệp chế biến của chúng ta thâm nhập được thị trường Nhật Bản thì sẽ dễ đi được nhiều thị trường khác trên thế giới. Bởi Nhật Bản nổi tiếng là một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới với tiêu chuẩn kỹ thuật cực kỳ nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng như bao bì, nhãn mác…
Đặc biệt, người tiêu dùng Nhật Bản rất trung thành, kỹ tính, tin vào giá trị thương hiệu và nguồn gốc sản phẩm. Nếu sản phẩm đứng vững ở Nhật Bản thì có thể tăng giá trị thương hiệu cho nông sản Gia Lai”.
Cũng theo ông Binh, để hướng đến xuất khẩu dưới dạng thành phẩm, ngoài việc chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, các nhà sản xuất cần tạo nguồn hàng có sản lượng lớn để đáp ứng các đơn hàng.
Bên cạnh đó, cần đa dạng mẫu mã bao bì, quy cách đóng gói sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường, từ các chuỗi bán lẻ cho đến dịch vụ nhà hàng, khách sạn. Đặc biệt, khi hướng đến thị trường nào thì cần làm theo nhu cầu thị trường đó, tức là phải chuyển mình theo tư duy từ “bán cái mình có” sang “bán cái thị trường cần”.
Trong Kế hoạch số 18/KH-SCT về triển khai thực hiện các hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa năm 2025, Sở Công thương hướng đến các giải pháp hỗ trợ đơn vị sản xuất kinh doanh đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế như: hàng nông sản, hàng lâm sản, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP...
Sở Công thương sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công thương, cơ quan thương vụ, tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài; các sở, ban, ngành, địa phương; các đơn vị sản xuất kinh doanh; các hội, hiệp hội tổ chức gặp gỡ, trao đổi, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, thu hút đầu tư thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tìm kiếm thị trường xuất khẩu theo các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại của Bộ Công thương và các đơn vị khác. Tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm quốc tế chuyên ngành và đa ngành dưới nhiều hình thức.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin về thị trường nước ngoài; nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền về các thị trường xuất khẩu trọng điểm, giá cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.
Nguồn: https://baogialai.com.vn/chuan-hoa-chat-luong-de-nong-san-chu-luc-vuon-ra-the-gioi-post319231.html
Bình luận (0)