Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đầu tư các công trình thủy hiện đại, đa mục tiêu - Bài 2: Đầu tư công trình đa mục tiêu, khơi thông tuyến giao thông thủy

Theo Quyết định số 847/QĐ-TTg ngày 14-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng các đập dâng, công trình dâng nước trên dòng chính đối với các sông có biến động lớn về lòng dẫn, suy giảm mực nước và nguy cơ xâm nhập mặn cao, trong đó có sông Vu Gia - Thu Bồn. Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang đề xuất các bộ, ngành Trung ương đầu tư các công trình thủy đa mục tiêu.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng19/04/2025

Hệ thống thủy lợi An Trạch đang được thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đề xuất các bộ, ngành Trung ương ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2026-2030. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Hệ thống thủy lợi An Trạch đang được thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đề xuất các bộ, ngành Trung ương ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2026-2030. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Vừa điều tiết, vừa tạo hồ trữ nước lớn trên các sông

Theo Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ sửa chữa, nâng cấp, bổ sung, xây mới các công trình đập dâng An Trạch, Thanh Quýt, Bàu Nít, Hà Thanh nhằm bảo đảm cấp nước sinh hoạt và cấp nước tưới cho 9.700ha đất sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, ưu tiên xây dựng hồ chứa trên sông Côn (tại đập hạ lưu sông Côn, một nhánh của sông Vu Gia) với dung tích khoảng 30 triệu m3 nước, nhằm bảo đảm cấp nước sinh hoạt và phục vụ diện tích tưới cho khoảng 1.500ha đất sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, đầu tư công trình khắc phục hạ thấp mực nước sông, điều tiết nguồn nước và chỉnh trị sông Quảng Huế, nhằm ổn định tỷ lệ phân lưu nước của sông Vu Gia về sông Thu Bồn... Theo Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng Nguyễn Anh Tuấn, UBND thành phố Đà Nẵng đã giao các sở, ban, ngành chủ động làm việc, phối hợp và đề nghị với các bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng công trình điều tiết nguồn nước và chỉnh trị sông Quảng Huế; nâng cấp hệ thống đập dâng An Trạch, Thanh Quýt, Bàu Nít, Hà Thanh theo quy hoạch nói trên.

Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam Trần Đình Hòa cho rằng, đơn vị đã được giao nghiên cứu và đề xuất đầu tư xây dựng công trình điều tiết nguồn nước và chỉnh trị sông Quảng Huế gồm: điều tiết nước, lũ kết hợp cầu giao thông. Phương án đề xuất công trình có các khoang cống với cửa van khẩu độ rộng và các khoang tràn tự do để vừa điều tiết lưu lượng nước trong mùa kiệt, vừa điều tiết lũ.

“Công trình này sẽ giải quyết được 2 mục tiêu chính đặt ra là chủ động, linh hoạt kiểm soát, điều chỉnh tỷ lệ phân lưu nước sông Vu Gia về sông Thu Bồn theo yêu cầu của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; vừa bảo đảm khả năng thoát lũ, vừa ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông. Tuy nhiên, cần đặt công trình này nằm trong hệ thống các công trình thủy lợi ở hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nước.

Theo đó, cần nâng cao trình của công trình điều tiết nguồn nước và chỉnh trị sông Quảng Huế kết hợp với nâng cấp hệ thống thủy lợi An Trạch (đập dâng An Trạch, Hà Thanh, Bàu Nít, Thanh Quýt), đặc biệt là nâng cao ngưỡng tràn cửa van của các đập dâng từ 2m hiện trạng lên 3-3,5m. Khi đó, sẽ tạo thành một hồ chứa nước trên các sông Yên, La Thọ, Ái Nghĩa, Quảng Huế... với dung tích trữ nước thêm khoảng 3-5 triệu m3 nước, để nâng cao khả năng khai thác, điều tiết, sử dụng nước, bảo đảm cấp nước sinh hoạt và thủy lợi cho hạ lưu sông Vu Gia”, ông Trần Đình Hòa đề nghị.

Các chuyên gia cho rằng, công trình điều tiết nguồn nước và chỉnh trị sông Quảng Huế cùng nâng cấp hệ thống thủy lợi An Trạch (đập dâng An Trạch, Hà Thanh, Bàu Nít, Thanh Quýt) cần được ưu tiên xây dựng sớm để triển khai giải pháp phối hợp vận hành liên hồ, đập, công trình... trên toàn bộ lưu vực sông một cách hợp lý, nhất là phối hợp vận hành để làm giảm mặn cho sông Cẩm Lệ, Vĩnh Điện, Thu Bồn và khai thác nước hiệu quả từ hệ thống thủy lợi An Trạch. Từ đó, đánh giá hiệu quả, hạn chế và có cơ sở đề xuất quy mô cùng các nội dung liên quan đến đầu tư công trình ngăn mặn, giữ ngọt kết hợp cống thoát lũ và âu thuyền trên sông Thu Bồn.

Cần khai thác nguồn nước sông Thu Bồn bền vững

UBND tỉnh Quảng Nam đã rà soát và đề xuất danh mục dự án đầu tư mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 của các bộ, ngành Trung ương với dự kiến nhu cầu vốn bố trí từ năm 2026-2029 cho công trình điều tiết nguồn nước và chỉnh trị sông Quảng Huế khoảng 500 tỷ đồng. Đồng thời, đề xuất Trung ương bố trí 2.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2026-2030 để xây dựng đập ngăn mặn, giữ ngọt bằng bê-tông cốt thép trên sông Thu Bồn (thuộc thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên) gồm các khoang có hệ thống cửa van đóng mở và âu thuyền, bảo đảm giao thông thủy, cầu giao thông nối hai bờ sông Thu Bồn.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, công trình này sẽ ngăn nước mặn từ Cửa Đại xâm nhập sâu lên phía thượng lưu sông Thu Bồn; đồng thời, giữ nguồn nước ngọt nhằm phục vụ cho các trạm bơm phía thượng lưu công trình hoạt động phục vụ tưới, chống hạn cho hơn 6.000ha đất sản xuất nông nghiệp và bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho khoảng 100.000 hộ dân thuộc vùng đông thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên và các xã, phường của thành phố Hội An cũng như phục vụ sản xuất công nghiệp, cải tạo môi trường sinh thái vùng đồng bằng sông Thu Bồn.

Một số ý kiến đề cập việc xây dựng đập ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Thu Bồn kết hợp với âu thuyền sẽ giúp đẩy mặn cho sông Vĩnh Điện mà không cần phải thi công đập kiên cố ngăn sông này. Đồng thời, với việc sông Vĩnh Điện được khơi thông sẽ làm giảm độ mặn cho sông Cẩm Lệ (Đà Nẵng), qua đó làm giảm độ mặn khu vực cửa thu nước thô của Nhà máy nước Cầu Đỏ...

Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam Nguyễn Đình Hải cho rằng, khi xây đập ngăn mặn trên sông Thu Bồn rồi thì không cần thiết thi công đập kiên cố ngăn sông Vĩnh Điện. Nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) thành phố Đà Nẵng Huỳnh Vạn Thắng cho rằng, diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc khu tưới của sông Vĩnh Điện đang được đô thị hóa và trong tương lai gần sẽ được đô thị hóa mạnh mẽ.

Sau này, khu vực trên sẽ thành các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp..., nên sẽ giảm mạnh nguồn nước tưới. Bên cạnh đó, với xu hướng xâm nhập mặn mạnh như những năm gần đây, khi nước mặn xâm nhập đến vòm Cẩm Đồng, cho dù có đắp đập ngăn sông Vĩnh Điện thì sông này vẫn bị nhiễm mặn. Do đó, trước mắt, địa phương có thể duy trì đắp đập tạm ngăn sông Vĩnh Điện. Còn về lâu dài, Đà Nẵng và Quảng Nam cần chuyển sang giải pháp khai thác nước từ sông Thu Bồn.

“Đà Nẵng cần sớm xây dựng trạm bơm ở khu vực thượng lưu cầu Giao Thủy cùng hệ thống đường ống để thu, truyền tải nước ngọt từ sông Thu Bồn về thành phố. Tỉnh Quảng Nam cũng cần nghiên cứu khai thác nước sông Thu Bồn để cấp cho thành phố Hội An và thị xã Điện Bàn, mà không phải xây dựng đập kiên cố ngăn sông Vĩnh Điện để bảo đảm tuyến giao thông thủy quan trọng trên sông này”, ông Huỳnh Vạn Thắng đề nghị. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Nam Trương Xuân Tý cũng cho rằng, cần xem việc xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Thu Bồn là giải pháp tối ưu để bảo đảm cấp nước cho thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Bên cạnh bảo đảm nguồn nước ngọt, với đề xuất đầu tư đập ngăn mặn kết hợp âu thuyền trên sông Thu Bồn sẽ thúc đẩy phát triển du lịch đường sông. Đồng thời, việc khơi thông trở lại tuyến đường thủy trên sông Vĩnh Điện sẽ là điều kiện thuận lợi hình thành một tuyến du lịch văn hóa bằng đường sông. Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương nạo vét, khơi thông dòng sông Cổ Cò, hứa hẹn sẽ khép kín tour du lịch văn hóa bằng đường sông từ Hội An đến Đà Nẵng và ngược lại qua các sông Cổ Cò, Hàn, Vĩnh Điện, Thu Bồn, giúp phát triển du lịch văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.

HOÀNG HIỆP

Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202504/dau-tu-cac-cong-trinh-thuy-hien-dai-da-muc-tieu-bai-2-dau-tu-cong-trinh-da-muc-tieu-khoi-thong-tuyen-giao-thong-thuy-4004761/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm