Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Địa phương kiến nghị gỡ khó cho ngành chăn nuôi lợn

Đồng Nai, Hà Nội và Thanh Hóa cùng nêu kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi lợn, nhấn mạnh yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở dữ liệu…

Báo Nông nghiệp Việt NamBáo Nông nghiệp Việt Nam03/04/2025


Đồng Nai kiến nghị 3 vấn đề

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Nai cho biết, ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai (chiếm 61,83%).

Hiện nay, tổng đàn heo (lợn) của Đồng Nai chỉ còn khoảng 1,9 triệu con, giảm 5,23% so với cùng kỳ. Ngành chăn nuôi heo của Đồng Nai đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh, khai báo tổng đàn, kiểm soát ra vào, di dời các trang trại chăn nuôi…

Ông Trần Lâm Sinh (đứng giữa), Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Nai. Ảnh: Khương Trung.

Ông Trần Lâm Sinh (đứng giữa), Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Nai. Ảnh: Khương Trung.

“Năm vừa qua, Đồng Nai gặp nhiều dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Riêng với đàn heo, đã phải tiêu hủy 1.300 con”, ông Sinh cho biết thêm.

Cũng theo ông Sinh, Đồng Nai đã thực hiện việc di dời các trang trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư được 80%, còn lại 20% khó di dời.

Ông Sinh kiến nghị 3 vấn đề. Một là thực hiện truy xuất nguồn gốc, đây là yếu tố hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Nếu không xây dựng và vận hành theo chuỗi, sẽ không thể thực hiện truy xuất nguồn gốc một cách hiệu quả. Trước mắt, cần thiết phải quy định và triển khai mã định danh đối với các cơ sở chăn nuôi.

Hai là, cần quy định cụ thể về việc khai báo tổng đàn trong các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời bổ sung hình thức khai báo trực tuyến. Đây không chỉ là hình thức khuyến khích mà cần được quy định bắt buộc nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát dịch bệnh.

Thứ ba, cần xây dựng và triển khai một phần mềm quản lý chuẩn. Để hệ thống thực sự hiệu quả, cần có một “nhạc trưởng” thực hiện nội dung này một cách thống nhất trong toàn quốc để quy tập dữ liệu, thông tin.

Hà Nội đề xuất nghiên cứu thêm chính sách cụ thể cho hệ thống thú y cấp xã

Theo ông Nguyễn Đình Đảng, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Hà Nội, hiện tại thành phố đang từng bước mở rộng không gian quy hoạch phát triển đô thị nên diện tích đất dành cho nông nghiệp, chăn nuôi sẽ có xu thế giảm. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Hà Nội vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh thực phẩm cho hơn 10 triệu dân và đóng góp vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Đảng (đứng giữa), Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Hà Nội. Ảnh: Khương Trung.

Ông Nguyễn Đình Đảng (đứng giữa), Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Hà Nội. Ảnh: Khương Trung.

Dù vậy, hiện nay một số quy định của Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh có nhiều điểm không còn phù hợp, nên địa phương gặp khó khăn trong việc triển khai hoạt động.

Đặc biệt, hệ thống thú y cấp xã có vai trò rất quan trọng, họ là lực lượng bám sát địa phương, nắm bắt diễn biến dịch bệnh chính xác nhất, nhanh nhất, là cánh tay nối dài giúp cơ quan quản lý thú y cấp trên triển khai nhanh chóng các biện pháp khi có dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, hiện tại việc sắp xếp lại hệ thống tổ chức tại các địa phương đang diễn ra mạnh mẽ, cho nên cần nghiên cứu thêm chính sách cụ thể cho lực lượng này.

Tự động hóa các khâu trong sản xuất

Ông Đặng Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa thông tin, hiện nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh là 1,3 triệu con. Địa phương có 588 trang trại chăn nuôi và hơn 88.070 hộ chăn nuôi, sản lượng thịt hơi hàng năm khoảng 185.000 tấn.

Về tình hình tiêu thụ thịt lợn, trung bình hàng tháng, số lợn thịt xuất chuồng của tỉnh là 155.000-160.000 con, trong đó có khoảng 110.000-115.000 con được giết mổ và tiêu thụ trong tỉnh, khoảng 40.000-45.000 con xuất bán ra các tỉnh, thành khác. Trong đó, số lượng lợn thịt trung bình từ 70-100kg có mặt thường xuyên khoảng 220.000 con.

Ông Đặng Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa. Ảnh: Khương Trung.

Ông Đặng Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa. Ảnh: Khương Trung.

Ước tính 3 tháng đầu năm 2025, ngành chăn nuôi lợn của tỉnh đã xuất bán khoảng 480.000 con, giá trị trung bình ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 720 tỷ đồng. Ước tính cả năm 2025, tổng giá trị sản xuất của chăn nuôi lợn Thanh Hóa tính theo giá thị trường khoảng 12.000 tỷ đồng.

Để hướng tới phát triển ngành chăn nuôi lợi trong tình hình mới, Thanh Hóa kiến nghị cần áp dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu trong chăn nuôi để tự động hóa các khâu trong sản xuất.

Ngoài ra, trong bối cảnh cả nước đang xây dựng chính quyền hai cấp và sẽ triển khai vào 1/7 sắp tới, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn tỉnh trong công tác quản lý trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/dia-phuong-kien-nghi-go-kho-cho-nganh-chan-nuoi-lon-d746285.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm