Hiện cây mắc ca và cây ăn quả của Điện Biên xuất hiện một số loại sâu bệnh như rệp kim, câu cấu, sâu vẽ bùa, bệnh chảy gôm, bệnh muội đen trên cây có múi, bệnh mốc sương, thán thư trên xoài; bọ xít nâu trên nhãn vải; rệp, bọ xít muỗi, xì mủ...
Sở Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả và cây mắc ca.
Người dân chăm sóc vườn cây mắc ca tại xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ. Ảnh: Trần Hương.
Đồng thời Sở yêu cầu các huyện giao Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các phòng chuyên môn, chính quyền cấp xã tăng cường công tác điều tra, phát hiện và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch hại kịp thời.
Người dân cần thường xuyên cắt tỉa cành tăm, cành vượt, cành già cỗi, tạo thông thoáng cho tán cây, giúp tăng khả năng quang hợp, hạn chế sâu bệnh hại. Khi bón phân, người dân cần cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng, bổ sung phân qua lá trong việc bảo đảm năng suất và chất lượng quả; chủ động cung cấp nước tưới thường xuyên cho cây, tránh hiện tượng "sốc nước" khi mùa mưa đến.
Diện tích mắc ca đang phát triển trên địa bàn tỉnh Điện Biên gần 7.200ha. Trong đó, diện tích mắc ca đang thu hoạch gần 3.000ha, tập trung ở một số huyện Tuần Giáo, Mường Ảng và TP. Điện Biên Phủ.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/dien-bien-kiem-soat-dich-hai-tren-cay-mac-ca-d746269.html
Bình luận (0)