Người dân tham gia các nghi thức của lễ hội Sayangva
Ảnh: Trung Nguyên
Sayangva là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Chơ Ro - sinh sống chủ yếu các tỉnh Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn được gọi là “Cúng thần lúa” hay “Mừng lúa mới”, đây được xem là một nét văn hóa đặc trưng, được người dân gìn giữ đến hiện tại.
Theo già làng Điểu Nhựt (người uy tín đại diện cho làng đồng bào dân tộc người Chơ Ro), hằng năm cứ vào dịp tháng 3 âm lịch, đồng bào người Chơ Ro lại quây quần, tổ chức lễ hội nhằm thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, thần linh và cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Sayangva là dịp để người dân gặp gỡ, thắt chặt tình đoàn kết
Ảnh: Trung Nguyên
Có gì ở lễ hội Sayangva?
Thời điểm này, dân làng sẽ nghỉ ngơi tập trung tổ chức lễ hội Sayangva, có nghĩa là ăn cơm mới. Đây là thời điểm đánh dấu sự kết thúc chu kỳ sản xuất nông nghiệp của năm, đồng thời khởi đầu cho vụ mùa mới. Nếu như trước đây chỉ có đồng bào người Chơ Ro tham dự thì ở hiện tại, lễ hội thu hút nhiều người dân địa phương, tạo nên một nét đẹp trong văn hóa cộng đồng.
Trong lễ hội, già làng cùng với người dân chuẩn bị các vật phẩm như heo, gà, rượu cần, cơm lam, trái cây… để dâng lên thần linh, tổ tiên nhằm thể hiện sự tôn kính. Sau đó, mọi người cùng tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, thi giã gạo, múa hát… Đây là dịp để người dân hòa mình vào không khí vui tươi, thể hiện tình đoàn kết, gắn bó của đồng bào người Chơ Ro.
Nguồn: https://thanhnien.vn/doc-dao-le-hoi-sayangva-cua-nguoi-cho-ro-185250414133609563.htm
Bình luận (0)