Ghi nhận trên trang Oilprice.com vào lúc 09h15 ngày 15/4/2025 (giờ Việt Nam), giá khí tự nhiên thế giới đảo chiều tăng nhẹ 0,42% (tương đương tăng 0,014 USD) lên mức 3.339 USD/mmBTU tại thời điểm khảo sát.
Theo thông tin từ Oilprice.con, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tiếp tục gây sức ép lên các đối tác thương mại lớn, yêu cầu họ gia tăng nhập khẩu năng lượng từ Mỹ như một phần nỗ lực nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại khổng lồ. Thông điệp này không chỉ mang tính ngoại giao mà còn là đòn bẩy đàm phán chiến lược: mua nhiều năng lượng hơn để tránh thuế quan nặng nề.
Đối với nhiều quốc gia có thặng dư lớn với Mỹ – như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU – năng lượng dường như là lĩnh vực nhập khẩu khả dĩ nhất từ Mỹ. Sau lễ nhậm chức của Tổng thống Trump, một số nước đã nhanh chóng phát tín hiệu sẵn sàng mua thêm dầu, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hoặc than đá để xoa dịu Nhà Trắng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy: việc tăng mua năng lượng – dù đáng kể – không thể xóa bỏ thâm hụt thương mại. Vấn đề nằm ở quy mô cung ứng, giá trị thương mại của các sản phẩm năng lượng và cơ cấu xuất khẩu của các quốc gia liên quan.
Một ví dụ đáng chú ý là yêu cầu của Tổng thống Trump đối với Liên minh châu Âu: EU nên cam kết mua 350 tỷ USD năng lượng từ Mỹ để được giảm thuế quan. Con số này tương đương khoảng 40 triệu tấn LNG – chiếm hơn một nửa tổng lượng LNG EU nhập khẩu trong năm ngoái, trong đó Mỹ đã là nhà cung cấp chính.
EU phản ứng thận trọng. Tuần này, Ủy viên năng lượng Dan Jørgensen tuyên bố EU có thể sẵn sàng tăng nhập LNG từ Mỹ – nhưng rõ ràng, mức cam kết 350 tỷ USD là một "ngưỡng đỏ" khó đạt, cả về hạ tầng tiếp nhận lẫn hợp đồng dài hạn với các đối tác hiện tại.
Tương tự, Đài Loan – quốc gia thân Mỹ và đối đầu với Trung Quốc – dù đã cam kết đầu tư vào dự án LNG trị giá 44 tỷ USD ở Alaska, vẫn bị áp thuế 32% (tạm dừng trong 90 ngày). Lý do: xuất khẩu bán dẫn của Đài Loan sang Mỹ vượt xa lượng hàng hóa nước này nhập khẩu từ Mỹ, làm tăng thâm hụt.
Đáng lưu ý, Đài Loan là nhà đầu tư duy nhất đã thực sự cam kết sớm vào dự án LNG tại Alaska, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn đang thăm dò. Nhưng ngay cả như vậy, họ vẫn không tránh được áp lực thuế. Điều này cho thấy: cam kết năng lượng không đồng nghĩa với "tấm vé miễn thuế".
Nếu Nhật Bản tăng tỷ lệ dầu nhập khẩu từ Mỹ lên 10% tổng nhu cầu (từ mức 1,6% năm ngoái), giá trị nhập khẩu sẽ vào khoảng 4,8 tỷ USD (giá dầu WTI khoảng 60 USD/thùng). Nhưng theo chuyên gia Clyde Russell (Reuters), thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ vẫn ở mức 68 tỷ USD – gấp hơn 14 lần con số này.
Tình hình càng khó hơn khi xét đến LNG. Nhật đã nhập khoảng 10% LNG từ Mỹ, nhưng khả năng tăng thêm rất hạn chế do các hợp đồng dài hạn hiện có, chi phí vận chuyển và giới hạn xuất khẩu LNG của Mỹ.
Tổng thống Trump rõ ràng đang dùng năng lượng làm công cụ đàm phán thương mại, nhưng hiệu quả thực tế còn bỏ ngỏ. Việc các đối tác thương mại cam kết mua thêm dầu, khí, than từ Mỹ không đảm bảo rằng họ sẽ được miễn thuế – nhất là khi trọng tâm của ông Trump vẫn là số liệu thâm hụt thương mại thuần.
Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đối đầu, rủi ro về một cuộc suy thoái năng lượng toàn cầu đang hiện hữu. Nếu nhu cầu toàn cầu giảm sút, không chỉ giá năng lượng Mỹ bị ảnh hưởng, mà khả năng duy trì sản lượng cao cũng trở nên mong manh…
Giá gas trong nước
Theo ghi nhận của PV Thương Trường, giá gas trong nước tháng 4 không thay đổi so với giá bán tháng 3 do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 4 không thay đổi so với tháng trước.
Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 4/2025 tại thị trường Hà Nội là 457.400 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.829.600 đồng/bình công nghiệp 48kg, không thay đổi so với giá bán tháng 3.
Tương tự như vậy theo thông báo từ Công ty cổ phần Kinh doanh Khí miền Nam (Gas South), giá gas bán lẻ trong nước tháng 4 cho các nhãn hiệu của Công ty gồm: Gas Dầu Khí, VT-Gas, A Gas, JP Gas, Đăk Gas và Đặng Phước Gas không thay đổi so với tháng 3/2025.
Cụ thể, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 475.400 đồng/bình 12kg và 1.784.111 đồng/ bình 45kg (đã bao gồm VAT), áp dụng đối với các khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ.
Theo đại diện Tổng Công ty Gas Petrolimex, giá gas tháng 4 không thay đổi so với tháng 3 là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 4 ở mức 610 USD/tấn, không thay đổi so với tháng 3 nên Tổng Công ty Gas không thực hiện điều chỉnh giá.
Tính từ đầu năm đến nay, giá gas có 2 lần giảm và 2 lần giữ nguyên giá bán.
Nguồn: https://baodaknong.vn/gia-gas-hom-nay-15-4-dao-chieu-tang-nhe-249425.html
Bình luận (0)