Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

HLV Velizar Popov: "Bóng đá Việt Nam đang tư duy sai lầm về đào tạo trẻ"

(Dân trí) - Chia sẻ với phóng viên Dân trí, HLV Velizar Popov đã nêu quan điểm cá nhân về những bất cập trong phát triển và đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam.

Báo Dân tríBáo Dân trí23/04/2025

HLV Velizar Popov: Bóng đá Việt Nam đang tư duy sai lầm về đào tạo trẻ - 2

Xin chào HLV Velizar Popov, cảm ơn ông đã nhận lời phỏng vấn. Sau khi chia tay CLB Thanh Hóa, ông đã có kế hoạch nào mới chưa?

- Vâng, tất nhiên tôi có. Tôi sẽ sớm đưa ra quyết định về tương lai của mình. Tôi sẽ tiếp tục làm việc tại Việt Nam. Tôi đang cân nhắc các đề nghị mà tôi có. Khi tôi ký hợp đồng với CLB Thanh Hóa và lần đầu bước vào phòng truyền thống của đội bóng vào tháng 12/2022, tôi chỉ thấy 2 chiếc cúp cũ.

Tôi hỏi phiên dịch rằng những chiếc cúp đó dành cho thành tích gì. Anh ấy nói đó là các giải thưởng Fair-play. Trong buổi tập đầu tiên, tôi đã nói với các cầu thủ rằng với tôi, giải thưởng Fair-play chỉ là phần thưởng an ủi dành cho những kẻ thua cuộc, những người không đủ khả năng giành lấy bất kỳ điều gì thực sự quan trọng.

Tôi đã hứa với tất cả mọi người trong CLB rằng tôi sẽ cống hiến hết mình và làm những gì tốt nhất để giúp đội bóng giành được những chiếc cúp thật sự. Khi tôi rời CLB vào tháng 3/2025, tôi để lại 3 danh hiệu (2 Cúp Quốc gia và 1 Siêu Cúp Quốc gia), cùng với một loạt kỷ lục được ghi vào lịch sử, vị trí top 4 và top 3 tại V-League vào thời điểm tôi rời đi, và một cơ hội thực sự để đội bóng tiếp tục cạnh tranh trong nhóm dẫn đầu.

Thật thú vị khi một nhà cầm quân cá tính và tài năng như ông sẽ tiếp tục gắn bó với bóng đá Việt Nam. Chiều ngược lại, vốn được biết đến với triết lý bóng đá tấn công và hiện đại, để phù hợp với môi trường và thể trạng của cầu thủ Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung, ông có phải điều chỉnh gì không?

- Nếu tôi nói điều đó dễ dàng thì không đúng, nhưng những thử thách khó khăn nhất luôn mang đến kết quả ngọt ngào nhất nếu đạt được mục tiêu.

Đánh giá một cách khách quan, về mặt kỹ thuật, hầu hết cầu thủ châu Á có nền tảng tự nhiên khá tốt. Về thể chất, một số cầu thủ gặp vấn đề về sức bền, dẫn đến hạn chế cường độ và sự dẻo dai, linh hoạt trong lối chơi. Tuy nhiên, đó không phải vấn đề lớn nhất tôi gặp phải trong những năm qua.

Khía cạnh quan trọng nhất với tôi, với 12 năm làm việc tại châu Á, có thể khiêm tốn mà nói là tinh thần hay tâm lý. Chúng ta đều biết, kết quả là điều quan trọng nhất và mọi người chỉ quan tâm đến việc bạn thắng hay thua. Ai ai cũng đánh giá và phán xét công việc của bạn dựa trên thành công bạn đạt được. Chính vì thế, hầu hết cầu thủ trẻ đều có nỗi sợ ăn sâu từ rất sớm về việc thua trận.

HLV Velizar Popov: Bóng đá Việt Nam đang tư duy sai lầm về đào tạo trẻ - 3

Với tôi, vấn đề này đã, đang và sẽ luôn là thử thách nghiêm trọng và khó khăn nhất, bởi vì tôi tin không thể nào chơi bóng đúng nghĩa nếu mang trong mình nỗi sợ thua cuộc. Đó là sai lầm căn bản.

Và đó là lý do tại sao nhiều HLV, vì sợ mất việc, đã xây dựng cách tiếp cận sai lệch trong quá trình huấn luyện cầu thủ trẻ, ngay từ khi họ còn nhỏ. Đó là không để cầu thủ tận hưởng trận đấu, tạo ra nỗi sợ chuyền hỏng hay dứt điểm thiếu chính xác, và điều này tạo ra tư duy bảo thủ phòng ngự rất khó thay đổi.

Sợ hãi là một cảm xúc con người bình thường, không thể xóa bỏ hoàn toàn, nhưng có thể kiểm soát và chuyển hóa thành áp lực tích cực để giúp cầu thủ phát triển và ngày càng tiến bộ hơn mỗi ngày.

Mọi người hâm mộ thực sự đến sân vận động hoặc ngồi trước màn hình tivi là để xem bóng đá đẹp, hấp dẫn và hiệu quả, điều đó chỉ có thể đạt được với lối chơi tấn công và cuốn hút.

Tất nhiên vẫn cần có sự cân bằng vì cuối cùng kết quả và chiến thắng là điều quan trọng nhất đối với người hâm mộ. Nhưng tôi cũng chưa bao giờ thấy cổ động viên nào đến sân chỉ để xem một trận đấu tẻ nhạt, phòng ngự tiêu cực với 10 cầu thủ dàn hàng ngang trước khung thành và chỉ chờ cơ hội phản công hay câu giờ.

HLV Velizar Popov: Bóng đá Việt Nam đang tư duy sai lầm về đào tạo trẻ - 6

Đó là lý do tại sao mỗi khi tôi tiếp quản một đội bóng mới, mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất của tôi là khiến các cầu thủ tin tưởng vào triết lý bóng đá của tôi, tin rằng tôi sẽ luôn chịu trách nhiệm cho những sai lầm họ mắc phải hay cho mỗi thất bại. Chỉ khi họ tự tin và không còn sợ mắc lỗi, họ mới có thể thực sự phát huy hết khả năng của mình.

Như vậy, tâm lý là điểm khác biệt lớn nhất giữa các cầu thủ trẻ Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung và những cầu thủ được đào tạo ở châu Âu?

- Đúng vậy! Khác biệt lớn nhất nằm ở tư duy. Ở châu Âu, chúng tôi cố gắng dạy cho cầu thủ trẻ cách tận hưởng trò chơi và cảm thấy vui vẻ khi chơi bóng ngay từ khi còn nhỏ.

Điều này giúp các em chơi với trái bóng nhiều hơn, từ đó nâng cao kỹ thuật và nuôi dưỡng khát khao tấn công, ghi bàn, tất cả những điều này sẽ tự động hình thành nên một tư duy chiến thắng, bởi vì mọi thứ đều có liên kết với nhau. Khi bạn luôn cố gắng để chiến thắng, bạn sẽ xây dựng nên tinh thần của một nhà vô địch.

Về mặt kỹ thuật, có rất nhiều quốc gia ở châu Á (trong đó có Việt Nam) sở hữu các cầu thủ trẻ có kỹ thuật rất tốt. Về thể chất, có sự khác biệt nhất định, đặc biệt là do yếu tố di truyền như chiều cao và thể trạng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, sự khác biệt đó không quá lớn vì cũng có nhiều cầu thủ có thể hình khá tốt.

Khác biệt chính về kỹ năng thể thao và chuyên môn nằm ở sự chuẩn bị về chiến thuật, điều mà ở châu Âu chúng tôi đặc biệt chú trọng trong giai đoạn từ 16 đến 18 tuổi. Khi một cầu thủ trẻ bước vào đội một chuyên nghiệp ở độ tuổi 19-20, họ đã có nền tảng kỹ - chiến thuật vững chắc. Các yếu tố khác như thể lực và tâm lý có thể tiếp tục được phát triển trong những năm tiếp theo.

HLV Velizar Popov: Bóng đá Việt Nam đang tư duy sai lầm về đào tạo trẻ - 8

Theo ông, với một cầu thủ ở độ tuổi từ 17 đến 20 tuổi, đâu là những yếu tố bắt buộc phải có để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp hàng đầu?

- Như tôi đã đề cập, điều quan trọng nhất đối với tôi là nền tảng kỹ thuật và chiến thuật. Về thể chất và tinh thần, bạn có thể tiếp tục rèn luyện cho cầu thủ trong vài năm sau đó.

Nhưng nếu một cầu thủ thiếu kỹ năng kỹ thuật cơ bản và không nắm được một số kiến thức chiến thuật nền tảng, thì gần như không thể đạt đến đẳng cấp cao nhất sau này. Có những bước trong quá trình phát triển cầu thủ trẻ mà bạn không thể bỏ qua hoặc nhảy cóc. Đó là sự thật.

Ở Myanmar, phát triển cầu thủ trẻ là vấn đề lớn nhất và cũng là thử thách khó khăn nhất. Vì nhiều yếu tố chủ quan như tình hình chính trị, điều kiện địa lý, khó khăn tài chính… nên tổ chức bóng đá trẻ tại đây rất yếu kém, và điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cầu thủ nói riêng và bóng đá nói chung.

Ông Eric Abrams (Cựu giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn bóng đá Myanmar) là người đầu tiên cố gắng tổ chức lại mọi thứ trong Liên đoàn Bóng đá Myanmar trong giai đoạn ông làm việc từ năm 2018 đến 2021. Tuy nhiên, khi ông rời Myanmar để gia nhập PVF, mọi thứ tại đây gần như sụp đổ hoàn toàn.

HLV Velizar Popov: Bóng đá Việt Nam đang tư duy sai lầm về đào tạo trẻ - 9

Thực tế, Myanmar có rất nhiều cầu thủ trẻ có kỹ thuật tốt, đặc biệt là các em nhỏ, nhưng đáng tiếc là họ không có điều kiện tốt để tập luyện, cải thiện kỹ năng và phát triển tài năng của mình.

Đây thực sự là một câu chuyện buồn, vì người dân Myanmar rất yêu bóng đá, nhưng hết đại dịch, rồi đến nội chiến, và giờ là động đất, thực sự quá đau lòng. Tôi rất tiếc cho tất cả bạn bè và các học trò của tôi ở Myanmar.

Tại Việt Nam thì tình hình rất khác. Các bạn có tiềm lực tài chính để xây dựng cơ sở vật chất huấn luyện tốt với sự hỗ trợ từ chính phủ. Về mặt kinh tế, Việt Nam mạnh hơn nhiều. Những học viện như PVF hay Thể Công Viettel là dẫn chứng tuyệt vời mà mọi nơi tại Việt Nam nên học theo. Đây chính là nền tảng cơ bản, mọi thứ phải bắt đầu từ việc xây dựng điều kiện tập luyện tốt.

Bước tiếp theo là đội ngũ HLV chất lượng, có thể huấn luyện và giáo dục trẻ em, chuẩn bị cho các cầu thủ trẻ bước vào môi trường bóng đá chuyên nghiệp.

Đáng tiếc, hiện vẫn còn nhiều CLB tại Việt Nam chưa có cơ sở tập luyện hoặc không tổ chức học viện bài bản, và điều này thực sự rất buồn, bởi rất nhiều tài năng trẻ không có cơ hội được tập luyện trong điều kiện bình thường, đây là điều mà cần phải thay đổi càng sớm càng tốt.

HLV Velizar Popov: Bóng đá Việt Nam đang tư duy sai lầm về đào tạo trẻ - 11

Theo ông, bài học quan trọng nhất mà bóng đá Việt Nam có thể học từ các học viện châu Âu là gì?

- Mọi thứ phải bắt đầu từ cơ sở vật chất, đó là nền tảng cơ bản đầu tiên, cũng giống như xây một ngôi nhà, bạn phải bắt đầu từ móng nhà, chứ không thể từ mái nhà.

Bước tiếp theo là chất lượng của các huấn luyện viên (HLV) và việc đào tạo chính những HLV sẽ làm việc trong học viện. Những HLV này không phải là HLV cho các đội bóng chuyên nghiệp, mà họ là chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo trẻ và bóng đá phong trào.

Một sai lầm phổ biến là có những HLV bóng đá trẻ bắt đầu dạy chiến thuật cho trẻ em từ 10-11 tuổi, trong khi các em còn chưa kiểm soát được bóng, chưa rê, chuyền hay dứt điểm cơ bản. Những HLV như vậy chỉ quan tâm đến chiến thắng, chứ không thực sự tập trung vào việc giúp trẻ em phát triển đúng cách.

Không ai quan tâm đến việc một HLV có giành được cúp hay danh hiệu ở lứa U13/U15/U17 hay thậm chí là U19 hay không, điều quan trọng là phải tạo ra những cầu thủ chất lượng cho bóng đá chuyên nghiệp.

Người cần chiến thắng, danh hiệu và thành tích là các đội bóng chuyên nghiệp, các HLV và cầu thủ chuyên nghiệp, không phải hệ thống đào tạo trẻ.

Ông có thể nói rõ hơn về quan niệm "phải có kết quả ngay lập tức" trong phát triển bóng đá trẻ ở Việt Nam?

- Đây chính xác là điều tôi đã chia sẻ trước đó, đó là một tư duy rất sai lầm và cực kỳ nguy hiểm. Trong bóng đá trẻ, không thể có áp lực về kết quả ngay lập tức, vì đây là một quá trình phát triển dài hạn, kéo dài từ độ tuổi 10 đến 20.

HLV Velizar Popov: Bóng đá Việt Nam đang tư duy sai lầm về đào tạo trẻ - 13

Như tôi đã nói, chẳng ai quan tâm việc bạn có vô địch U17 hay không, nếu đến năm 22-23 tuổi bạn không thể chơi bóng chuyên nghiệp.

Điều quan trọng nhất trong hệ thống bóng đá trẻ, dù là ở CLB, học viện hay đội tuyển trẻ quốc gia, chính là việc đào tạo ra những cầu thủ chất lượng, có thể chơi bóng ở đẳng cấp chuyên nghiệp. Danh hiệu hay thành công ở cấp độ trẻ không có ý nghĩa gì nếu sau đó không có bất kỳ cầu thủ nào phát triển thành tài.

Điều tôi thấy trong toàn bộ hệ thống đào tạo trẻ tại Việt Nam, mọi thứ đều đặt nặng vào kết quả, phải thắng một trận đấu hay một giải đấu bằng mọi giá và điều đó sẽ không mang lại bất kỳ sự phát triển bền vững nào.

Tại Thái Lan và Malaysia, nơi tôi từng làm việc, tôi có thể nói họ tập trung nhiều hơn vào phát triển cầu thủ trẻ, cải thiện kỹ năng, nâng cao chất lượng và ít bị ám ảnh bởi việc phải thắng một trận hay một giải đấu bằng mọi giá.

HLV Velizar Popov: Bóng đá Việt Nam đang tư duy sai lầm về đào tạo trẻ - 15

Ông đánh giá thế nào về những thay đổi trong chiến thuật và định hướng phát triển mà bóng đá trẻ Việt Nam đang triển khai trong những năm gần đây?

- Như tôi đã đề cập, trong 3 năm gần đây tôi có xem một vài giải quốc gia như U19 và U21. Và tôi thấy rõ rằng mọi thứ vẫn đặt nặng vào kết quả, bất kể lối chơi ra sao.

Tôi không thích cách làm đó trong bóng đá trẻ. Vì kết quả là dù có rất nhiều cầu thủ trẻ tài năng, khi họ bước lên đội chuyên nghiệp lại thiếu kỹ thuật cơ bản và kiến thức chiến thuật nền tảng.

Lý do là vì các HLV trẻ chỉ la hét cầu thủ phải thắng, không được mắc lỗi, không được sáng tạo, không được "nghĩ khác". Cách tiếp cận như vậy có thể mang lại thành công ngắn hạn, ví dụ một đội trẻ vô địch giải quốc gia, và Chủ tịch CLB vui mừng mang cúp về đặt trong văn phòng.

Nhưng sau đó thì sao? Không có cầu thủ nào từ đội đó đủ khả năng lên đội một.
Kết quả là trong văn phòng đó chỉ còn những chiếc cúp trẻ hay cúp Fair-play, những thứ không có chút giá trị nào trong bóng đá chuyên nghiệp.

Mục tiêu của một học viện bóng đá trẻ là phải đào tạo ra những cầu thủ chuyên nghiệp cho đội một. Tất nhiên, bạn nên dạy trẻ em và cầu thủ trẻ luôn cố gắng giành chiến thắng, nhưng không phải bằng mọi giá ở cấp độ này.

Vì đây không phải bóng đá chuyên nghiệp, mà là bóng đá phong trào, đào tạo trẻ và ở cấp độ này, không có gì là "bằng mọi giá" cả. Kết quả và danh hiệu chỉ quan trọng ở cấp độ chuyên nghiệp, không phải ở bóng đá trẻ.

HLV Velizar Popov: Bóng đá Việt Nam đang tư duy sai lầm về đào tạo trẻ - 17

Ông thường được biết đến là một người đầy cảm hứng và có khả năng truyền động lực. Theo ông, tinh thần chiến đấu quan trọng như thế nào so với khả năng kỹ thuật trong việc phát triển cầu thủ?

- Nó quan trọng, nhưng quan trọng nhất là cách bạn xây dựng nó. Bạn không thể tập trung vào tinh thần chiến đấu khi trước đó cầu thủ còn chưa thể kiểm soát bóng, chưa thể dừng và chuyền chính xác, chưa thể rê dắt, chưa vượt qua được đối phương, hoặc chưa thể dứt điểm đúng hướng khung thành.

Vì vậy, điều quan trọng nhất là kỹ thuật và sự phát triển kỹ thuật. Khía cạnh tinh thần sẽ được hình thành một cách tự nhiên khi cầu thủ bắt đầu chơi bóng tốt, bắt đầu giành chiến thắng, lúc đó, mọi thứ sẽ đến một cách tự nhiên.

Hơn nữa, tinh thần chiến đấu cũng là một phần di truyền và đó là điều mà tôi thực sự yêu thích nhất ở người Việt Nam. Tinh thần tự nhiên, máu lửa, các bạn có sẵn điều đó và đó chính là sự khác biệt lớn giữa Việt Nam và phần còn lại của Đông Nam Á.

Tuy nhiên, một lần nữa, tinh thần chiến đấu hay động lực đặc biệt mà bạn đang nói đến chỉ thực sự quan trọng ở bóng đá chuyên nghiệp. Trong phát triển bóng đá trẻ, kỹ thuật mới là nền tảng chính.

Ông đã bao giờ phải thay đổi toàn bộ hệ thống chiến thuật chỉ để tạo cơ hội cho một cầu thủ đặc biệt tỏa sáng?

- Điều đó phụ thuộc vào cấp độ thi đấu, chất lượng đội bóng và trình độ cầu thủ.
Nhiều HLV có thể làm điều đó để giúp đội bóng giành chiến thắng và nếu cách duy nhất là thay đổi toàn bộ chiến thuật để giúp một cầu thủ tỏa sáng, thì vẫn có thể chấp nhận được.

HLV Velizar Popov: Bóng đá Việt Nam đang tư duy sai lầm về đào tạo trẻ - 19

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là đội bóng phải chiến thắng. Đội bóng luôn lớn hơn bất kỳ cá nhân nào, dù là cầu thủ hay HLV.

Dù vậy, việc làm như vậy không dễ và không phải HLV nào cũng có thể thực hiện mà không làm tổn thương cái tôi của các cầu thủ còn lại. Vậy nên, đây không phải việc dành cho tất cả mọi người và không phải ai cũng có thể làm tốt.

Câu hỏi cuối cùng, nếu phải chọn một chương trình đào tạo trẻ quốc gia để gắn bó lâu dài, ông sẽ chọn quốc gia nào và vì sao?

- Tại châu Á, tôi muốn đến Nhật Bản. Đó là quốc gia có hệ thống bóng đá tốt nhất và chuyên nghiệp nhất ở châu Á: Cơ sở vật chất tuyệt vời; cầu thủ trẻ có kỹ thuật rất cao, và toàn bộ hệ thống bóng đá Nhật Bản đều có tư duy chuyên nghiệp rất tốt.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

HLV Velizar Popov: Bóng đá Việt Nam đang tư duy sai lầm về đào tạo trẻ - 21

Nội dung: Ngọc Trung

Nguồn: https://dantri.com.vn/the-thao/hlv-velizar-popov-bong-da-viet-nam-dang-tu-duy-sai-lam-ve-dao-tao-tre-20250419181352736.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào
Cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay giữa trời Nam rực nắng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm