Là huyện miền núi với trên 50% dân số là đồng bào DTTS, địa hình đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, nhiều điểm trường cách xa trung tâm; điều kiện kinh tế của nhiều gia đình còn hạn chế, khiến việc huy động trẻ ra lớp, nhất là trẻ dưới 3 tuổi của huyện, gặp nhiều khó khăn.
Để nâng cao chất lượng GDMN, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích trẻ em DTTS đến trường, như hỗ trợ tiền ăn trưa, miễn giảm học phí; tăng cường các lớp tiếng Việt để giúp các em hòa nhập tốt hơn vào môi trường giáo dục.
Năm học 2024-2025 huyện có 12 trường mầm non (11 công lập, 1 tư thục), tổng số 179 nhóm, lớp. Địa phương đã thực hiện rà soát, sáp nhập, giảm 1 trường, 3 điểm trường nhằm tối ưu hóa mạng lưới giáo dục. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 75,3%, trong đó trẻ 5 tuổi đạt 100%; đặc biệt trẻ DTTS ra lớp đạt 74,5%, cho thấy sự quan tâm của địa phương đối với giáo dục vùng đồng bào DTTS.
Huyện đã ban hành kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2024-2025. Trong năm học này, huyện đã đầu tư cải tạo, sửa chữa nhiều hạng mục quan trọng tại các trường, như nhà học, bếp ăn bán trú, sân chơi, tường bao... giúp đảm bảo điều kiện học tập tốt nhất cho trẻ. Đến nay tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 94,4%; trong đó 95,5% nhóm, lớp có đầy đủ thiết bị, đồ dùng theo quy định.
Huyện đã đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, đang chuẩn bị các điều kiện để thực hiện phổ cập cho trẻ mẫu giáo. Chương trình GDMN có nhiều đổi mới theo hướng hiện đại. Các trường đã xây dựng và triển khai mô hình giáo dục tiên tiến, như phương pháp Steam, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS. Công tác đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, dịch bệnh trong trường học được thực hiện nghiêm túc, giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Toàn huyện hiện có 401 cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác trong các trường mầm non. Huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ. Hiện 100% cán bộ quản lý, 64% giáo viên có trình độ đại học, đảm bảo yêu cầu chuyên môn trong GDMN. Tuy nhiên, do đặc thù miền núi, vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên ở một số điểm trường.
Huyện chú trọng ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục, triển khai các phần mềm hỗ trợ công tác giảng dạy, theo dõi sức khỏe trẻ. 100% các trường có website riêng, cập nhật thường xuyên tin tức, hình ảnh hoạt động để tăng cường kết nối giữa nhà trường và phụ huynh.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm của địa phương, của ngành, GDMN huyện đang có những bước chuyển mạnh mẽ. Kết hợp giữa nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo an sinh cho trẻ em DTTS, ứng dụng CNTT là hướng đi bền vững của huyện, giúp trẻ em có nền tảng vững chắc để phát triển toàn diện.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/nang-tam-giao-duc-mam-non-3352912.html
Bình luận (0)