Một góc TX. Tịnh Biên hôm nay
Từng bước chuyển mình
Theo Lịch sử Đảng bộ TX. Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên được thành lập theo Nghị quyết 19/NQ-TW, ngày 20/12/1975 của Bộ Chính trị. Đây là dấu ấn đầu tiên, khẳng định danh xưng của vùng đất này trên một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất. Từ đây, những thế hệ người Tịnh Biên bắt tay vào kiến thiết quê hương. Trong mỗi giai đoạn, vùng đất Tịnh Biên đều có những bước tiến về kinh tế - xã hội, từng bước ổn định đời sống người dân trước khó khăn, thách thức.
Giai đoạn 1975 – 1990, cán bộ, người dân Tịnh Biên bước vào thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh. Những dòng kênh Mương Tiền, kênh 1/5 xã Tân Lập, kênh 3/2 xã An Nông đưa lúa tăng vụ từ 45ha năm 1985 lên trên 16.000ha như hiện nay. Giai đoạn này, Tịnh Biên từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có Khu du lịch Lâm viên Núi Cấm, mở đầu cho sự nghiệp phát triển du lịch tại địa phương.
Những năm đầu thập niên 90, Bệnh viện Đa khoa huyện Tịnh Biên, hồ Ô-tưk-sa hay việc phủ lưới điện quốc gia đến trung tâm xã, thị trấn... đã làm thay đổi đời sống của dân cư địa phương. Tất cả đều thể hiện sự gắn bó giữa Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tịnh Biên trong việc cùng chia sẻ, đóng góp đất đai, cơ sở vật chất để thi công các công trình ý nghĩa này.
Tiếp nối khí thế đó, hàng loạt công trình trọng điểm, như: Nạo vét kênh Vĩnh Tế, Trạm bơm 3/2 thủy lợi vùng cao, chợ biên giới Tịnh Biên trong những năm 1996 – 2000 khẳng định bước phát triển cơ bản của huyện biên giới. Giai đoạn này, Đảng bộ thị xã đề ra chủ trương, quyết sách đầu tư cho giáo dục, với việc hỗ trợ giáo viên về tham gia công tác ở Tịnh Biên, hay tiên phong xây dựng ký túc xá sinh viên ở Trường Đại học An Giang, khẳng định sự quyết tâm đầu tư nguồn nhân lực, làm cơ sở phát triển vùng đất này về sau.
Tiếp đà phát triển, giai đoạn 2001 - 2005, hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là các tuyến giao thông nông thôn tại Tịnh Biên được nâng cấp đáng kể. Điểm nổi bật là trong nhiệm kỳ này là Tịnh Biên đã đánh giá, xác định cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng lấy thương mại dịch vụ làm khâu đột phá, sản xuất nông nghiệp vẫn là nền tảng. Từ đó, tạo ra tiền đề cơ bản cho định hướng phát triển, vững bước tiến vào thời kỳ mới.
Xứng tầm đô thị
Với những tiền đề đạt được trong thời kỳ trước, Tịnh Biên ngày càng hội tụ đủ thế và lực để chuyển mình thành đô thị vùng biên giới. Dấu ấn đặc biệt của vùng đất biên cương này trong giai đoạn 2006 - 2015 chính là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tập trung kinh tế biên mậu và du lịch. Đặc biệt, ngày 29/5/2013, Tổ chức Kỷ lục Châu Á xác lập tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm là “tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất Châu Á”, đánh dấu thời kỳ Tịnh Biên đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh về “ngành công nghiệp không khói”.
Sang giai đoạn 2016 – 2020, Tịnh Biên tiếp tục khai thác lợi thế, tiềm năng trên mọi lĩnh vực, thu hút nhiều dự án đầu tư then chốt, tác động tích cực đến sự phát triển của địa phương, như: Dự án cáp treo núi Cấm có vốn đầu tư 300 tỷ đồng; công viên nước Thanh Long 250 tỷ đồng; dự án điện năng lượng mặt trời Sao Mai (xã An Hảo) 3.000 tỷ đồng. Đây là những dự án có mức vốn lớn nhất trong tỉnh.
Đặc biệt, tháng 7/ 2018, Tịnh Biên được Bộ Xây dựng công nhận đạt các tiêu chí đô thị loại 4, tạo tiền đề thành lập TX. Tịnh Biên. Bên cạnh đó, địa phương cũng thu hút 25 doanh nghiệp đầu tư 33 dự án, với số vốn 10.802 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn đầu tư công đạt gần 118 tỷ đồng, để đầu tư công trình trọng điểm, như: Hệ thống thủy lợi vùng cao 3/2 giai đoạn 2, Trạm bơm bọng Đình Nghĩa, Hương lộ 11 Vĩnh Trung – An Cư, đường Bàu Mướp, đường Đình, đường Lâm Vồ - Thới Sơn, các công viên, vỉa hè, cống thoát nước… đã từng bước hình thành diện mạo phố núi Tịnh Biên.
Sau những nỗ lực không ngừng trong quá trình kiến thiết, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và người dân Tịnh Biên đã vui mừng, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV ra Nghị quyết 721/NQ-UBTVQH15 thành lập TX. Tịnh Biên. Từ đây, Đảng bộ, chính quyền và người dân thị xã đã phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để tạo nên sức bật mới với bộ mặt đô thị hiện đại, nông thôn khang trang. Sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng (Đường tỉnh 948, Đường tỉnh 945) tạo điều kiện để Tịnh Biên trở thành đô thị động lực của tỉnh An Giang.
Nhìn lại chặng đường 50 năm, những ai sinh ra và lớn lên trên vùng đất này đều không giấu được sự tự hào bởi những đổi mới của quê hương. Đi trên con đường mới khang trang, đón cơn gió tháng 4 nhuốm màu lịch sử, lòng người sẽ vô cùng phấn khởi và tự tin vào con đường phía trước, nơi mà Tịnh Biên sẽ cùng cả nước bước vào “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”!
Bên cạnh bước tiến về kinh tế - xã hội, TX. Tịnh Biên còn vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Hội đồng Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1978, 1990. Thị xã còn có 5 địa phương được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. |
THANH TIẾN
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/khoi-sac-tinh-bien--a419920.html
Bình luận (0)