Gìn giữ rừng đầu nguồn
Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Phú Cường (SN 1981), nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) huyện Minh Hóa cho biết: Đơn vị hiện được giao quản lý, bảo vệ gần 20 nghìn ha rừng và đất rừng trên địa bàn các xã miền núi, như: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn và Tân Hóa. Là khu vực có rừng giáp ranh biên giới Việt-Lào, địa hình chủ yếu là đồi núi cao (dãy núi Giăng Màn), lại nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên rất khắc nghiệt, vào mùa mưa thường kéo dài và có lượng mưa rất lớn, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Đặc biệt là công tác tuần tra, kiểm tra rừng vào mùa mưa hoặc những ngày thời tiết nắng nóng của mùa hè.
“Xuất phát từ thực tế công tác QLBVR của đơn vị, nhất là những năm trước đây trên địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng lâm tặc khai thác rừng tạo thành các “điểm nóng” của huyện nói riêng và của cả tỉnh nói chung, nên năm 2024 tôi đã lựa chọn sáng kiến “Nâng cao hiệu quả công tác QLBVR trên địa bàn BQL RPH Minh Hóa”. Sáng kiến mà tôi đề xuất có ứng dụng khoa học kỹ thuật kết hợp với các vấn đề thực tiễn và phù hợp với phong tục tập quán của người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nên góp phần giải quyết được vấn đề phá rừng xảy ra trên địa bàn”, anh Hoàng Phú Cường cho hay.
|
Theo anh Cường, các giải pháp được áp dụng trong công tác QLBVR, đó là: Tuyên truyền, vận động; chỉ đạo điều hành; hòa giải tranh chấp về rừng và đất lâm nghiệp; công tác trực chốt chặn, hướng dẫn, kiểm soát và phát hiện; tuần tra phát hiện và ngăn chặn; ứng dụng khoa học công nghệ và công tác phối hợp. Đây là tập hợp các giải pháp mà đơn vị đã áp dụng trong nhiều năm qua, và đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi đã hạn chế tình trạng cháy rừng, xóa “điểm nóng” khai thác lâm sản trái phép.
“Với lòng đam mê yêu ngành yêu nghề, hướng tới sự bảo vệ toàn diện cho màu xanh của những cánh rừng đầu nguồn, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bản thân tôi sẽ còn tiếp tục tìm tòi, học hỏi thêm các sáng kiến, giải pháp tối ưu nhất để áp dụng nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn”, anh Hoàng Phú Cường tâm sự.
Người thợ may giỏi
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 139 năm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, chúng tôi tìm đến Xí nghiệp May Hà Quảng (TP. Đồng Hới), để gặp gỡ và trò chuyện với những người công nhân bình dị, những người trực tiếp làm ra sản phẩm góp phần dựng xây quê hương ngày càng phát triển. Trong không khí khẩn trương lao động của xí nghiệp bề thế và hiện đại này, nhân vật mà chúng tôi tìm gặp là chị Phan Thị Phi (SN 1986), công nhân tổ may 3.
Với đôi bàn tay khéo léo, chị Phan Thị Phi vừa may sản phẩm vừa kể câu chuyện nghề của mình: “Năm 2013, tôi bắt đầu vào làm việc tại Xí nghiệp May Hà Quảng, bước chân vào đây, tôi thực sự ngỡ ngàng về cường độ làm việc của các cô, các bác, các anh chị công nhân. Qua những ngày đầu bỡ ngỡ, được sống và làm việc trong môi trường tốt, được sự giúp đỡ tận tình của những người đi trước tôi đã hòa cùng nhịp điệu lao động trong tổ. Trong quá trình lao động, tôi luôn chịu khó học hỏi, tìm tòi những thao tác tiên tiến để đạt được kết quả cao nhất”.
Chính niềm đam mê với nghề may nên khi làm công nhân bộ phận cuốn sườn, chị Phi luôn hoàn thành tốt công việc được giao, năng suất đạt 600-650 sản phẩm/ngày, hiệu suất đạt 81%. Vì vậy, năng suất, chất lượng hàng hóa của tổ luôn ổn định, năng suất tăng, chất lượng được bảo đảm.
|
Quá trình lao động, chị luôn thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm và các công đoạn theo hệ thống xí nghiệp đang áp dụng. Đặc biệt, chị đã có sáng kiến cải tiến áp dụng vào sản xuất góp phần tăng năng suất và thu nhập cho người lao động, như: Sáng kiến kê mí đáp phối với chân cổ lần mã hàng Nhật; làm dưỡng may chiết ly thân sau đối với hàng SenDa; đồng thời thường xuyên giúp đỡ, hướng dẫn truyền đạt kinh nghiệm cho bạn bè đồng nghiệp để nâng cao tay nghề.
Cùng với cán bộ, công nhân viên trong tổ, chị Phi luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho đồng nghiệp; tham mưu cho lãnh đạo xí nghiệp và cán bộ quản lý tổ chức các phong trào thi đua trong sản xuất, qua đó động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân có thành tích tốt, năng suất cao trong lao động, như: Tổ chức thi các công đoạn hàng ngang, tuyên dương những người có thành tích xuất sắc trong sản xuất để mọi người trong tổ học tập và noi theo.
Ngoài ra, hàng năm chị thường xuyên tham mưu cho lãnh đạo xí nghiệp phát động các phong trào thi đua, như: Rèn luyện kỹ năng tay nghề thao tác chuẩn cho công nhân sản xuất; tổ chức bồi dưỡng kiến thức; mô hình sản xuất tinh gọn; phong trào 3 không: “Không nhận hàng lỗi, không tạo ra hàng lỗi, không chuyển hàng lỗi”…
Không chỉ là công nhân có tay nghề giỏi, chị Phan Thị Phi còn gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện nội quy, quy chế của xí nghiệp, tham gia nhiệt tình, sôi nổi các hoạt động từ thiện xã hội do đoàn thể tổ chức.
“Được lao động trong môi trường chuyên nghiệp với mức thu nhập ổn định, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để cùng với các đồng nghiệp góp phần xây dựng Xí nghiệp May Hà Quảng ngày càng phát triển. Và mỗi buổi chiều trở về trong căn nhà ấm cúng ở xã Liên Thủy (Lệ Thủy) sum vầy cùng gia đình, với tôi đó là niềm hạnh phúc”, chị Phi bộc bạch.
Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho biết, anh Hoàng Phú Cường và chị Phan Thị Phi là những cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong phong trào lao động, sản xuất và công tác năm 2024-2025 được LĐLĐ tỉnh đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen. Được biết, nhân dịp Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025, LĐLĐ tỉnh đã đề xuất khen thưởng 50 cá nhân tiêu biểu xuất sắc trực tiếp lao động, sản xuất trong các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; đồng thời, LĐLĐ tỉnh sẽ biểu dương 20 công nhân lao động tiêu biểu là đảng viên. |
Minh Văn
Nguồn: https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202504/lao-dong-sang-tao-kien-tao-tuong-lai-2225703/
Bình luận (0)